Nâng cao vị thế Việt Nam qua công tác thông tin đối ngoại về quyền con người

Sáng nay, 7/8, tại Hòa Bình, Ban Tuyên giáo Trung ương và Ban Chỉ đạo Nhân quyền của Chính phủ phối hợp với Tỉnh ủy Hòa Bình tổ chức Hội nghị tập huấn công tác thông tin đối ngoại và nhân quyền năm 2024.

Toàn cảnh Hội nghị tập huấn công tác thông tin đối ngoại và nhân quyền năm 2024. (Ảnh: Xuân Sơn)

Toàn cảnh Hội nghị tập huấn công tác thông tin đối ngoại và nhân quyền năm 2024. (Ảnh: Xuân Sơn)

Ông Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; ông Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo công tác thông tin đối ngoại tỉnh Hòa Bình và Thiếu tướng Nguyễn Văn Kỷ, Phó Cục trưởng Cục Đối ngoại, Bộ Công an, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo về Nhân quyền đồng chủ trì Hội nghị.

Tham dự sự kiện còn có lãnh đạo, cán bộ 14 tỉnh, thành phố thuộc khu vực Trung du, miền núi Bắc Bộ và lãnh đạo, phóng viên một số cơ quan báo chí Trung ương và tỉnh Hòa Bình.

Phát biểu khai mạc, ông Bùi Đức Hinh nhấn mạnh, thời gian qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nâng cao nhận thức, trách nhiệm, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động để tạo sự thống nhất về nhận thức, hành động của các ban, sở, ngành và các địa phương trong công tác thông tin đối ngoại (TTĐN), đảm bảo phương châm “chủ động, đồng bộ, kịp thời, sáng tạo, hiệu quả”.

Ông Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo công tác thông tin đối ngoại tỉnh Hòa Bình, phát biểu khai mạc. (Ảnh: Xuân Sơn)

Ông Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo công tác thông tin đối ngoại tỉnh Hòa Bình, phát biểu khai mạc. (Ảnh: Xuân Sơn)

Ban Chỉ đạo nhân quyền tỉnh đã chủ động trong công tác tham mưu cho chính quyền các cấp triển khai chính sách, pháp luật về bảo đảm, thúc đẩy quyền con người; tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông đối nội và đối ngoại, phủ xanh thông tin tích cực về thành tựu bảo đảm quyền con người.

Đặc biệt, Ban Chỉ đạo tăng cường công tác thông tin tuyên truyền trên các nền tảng mạng xã hội; chủ động nắm tình hình, nâng cao cảnh giác, phát hiện âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền trên địa bàn tỉnh, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.

Tại sự kiện, Phó Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại, Bộ Thông tin và Truyền thông Đinh Tiến Dũng trình bày chuyên đề “Hướng dẫn triển khai các nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong Nghị quyết số 47/NQ-CP ngày 15/4/2024 của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ đến năm 2030 thực hiện Kết luận số 57-KL/TW của Bộ Chính trị gắn với đặc thù các tỉnh khu vực”.

Theo đó, có 5 nhóm nhiệm vụ chính về TTĐN gồm: công tác quán triệt, tuyên truyền, phổ biến thông tin và triển khai thực hiện chương trình hành động; tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị, nâng cao trách nhiệm quản lý nhà nước, hoàn thiện cơ chế, chính sách về TTĐN; đổi mới tư duy, nội dung, phương thức TTĐN; đẩy mạnh đấu tranh phản bác thông tin sai trái, tiêu cực ảnh hưởng đến hình ảnh quốc gia; và tăng cường nguồn lực, khuyến khích, động viên các nguồn lực xã hội cho công tác TTĐN.

Ông Đinh Tiến Dũng đề nghị tập trung nghiên cứu hướng tiếp cận, đổi mới cách làm TTĐN nhằm triển khai nhiệm vụ tại Nghị quyết số 47/NQ-CP ngày 15/4/2024, đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới. Đối với các địa phương đã ban hành kế hoạch triển khai Kết luận số 57-KL/TW, Phó Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại, Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị rà soát, sửa đổi, bổ sung để đảm bảo thống nhất với các nội dung nêu tại Nghị quyết số 47/NQ-CP.

Tại Hội nghị, bà Đặng Thị Phương Thảo, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách đối ngoại, Bộ Ngoại giao thuyết trình về “Những nội dung cốt lõi, trọng tâm trong Kết luận số 71-KL/TW ngày 16/2/2024 của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ, giải pháp lớn triển khai đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng”.

Trong khuôn khổ chuyên đề “Công tác nhân quyền thời gian qua và những định hướng trong thời gian tới", ông Nguyễn Văn Kỷ, Phó Cục trưởng Cục Đối ngoại, Bộ Công an, Phó Chánh Văn phòng Thường trực về Nhân quyền Chính phủ nhấn mạnh các nội dung quan trọng về việc chủ động tuyên truyền, thông tin đối nội, đối ngoại về những kết quả, thành tựu Việt Nam đã đạt được về công tác quyền con người trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Các đại biểu tham quan triển lãm ảnh bên lề Hội nghị về công tác đảm bảo đời sống bà con dân tộc thiểu số nói riêng và người dân ở Hòa Bình . (Ảnh: Xuân Sơn)

Các đại biểu tham quan triển lãm ảnh bên lề Hội nghị về công tác đảm bảo đời sống bà con dân tộc thiểu số nói riêng và người dân ở Hòa Bình . (Ảnh: Xuân Sơn)

Cũng tại Hội nghị, trình bày chuyên đề “Vấn đề nhân quyền tại các diễn đàn đa phương, quốc tế và ứng xử của Việt Nam”, ông Nguyễn Vũ Minh, Phó Vụ trưởng Vụ Các tổ chức quốc tế, Bộ Ngoại giao cho hay Việt Nam tích cực, chủ động tham gia các diễn đàn Liên hợp quốc về quyền con người, và hiện nay đang đảm nhiệm Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025 với 8 lĩnh vực ưu tiên. Đồng thời, Việt Nam có nhiều đóng góp thực chất với các sáng kiến cụ thể, nổi bật là khởi xướng Nghị quyết về kỷ niệm 75 năm Tuyên ngôn Nhân quyền quốc tế và 30 năm Tuyên bố và Chương trình Hành động Vienna (2023).

Đề cập biện pháp triển khai thời gian tới, ông Nguyễn Vũ Minh nhấn mạnh, tại các diễn đàn đa phương, Việt Nam sẽ tiếp tục chủ động thông tin về nỗ lực, thành tựu bảo đảm quyền con người; nhấn mạnh lập trường đề cao đối thoại và hợp tác, tôn trọng và hiểu biết, thúc đẩy tất cả các quyền con người vì tất cả mọi người, đồng thời phối hợp đấu tranh với các hành động chính trị hóa vấn đề nhân quyền để can thiệp công việc nội bộ của các nước.

Trong quan hệ song phương, Việt Nam sẵn sàng trao đổi thẳng thắn, thực chất với tất cả các nước về quyền con người nhằm tăng cường hiểu biết, thu hẹp khác biệt, qua đó thúc đẩy hợp tác.

Phát biểu kết luận Hội nghị, ông Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị các đồng chí lãnh đạo Ban Chỉ đạo các tỉnh, thành phố nâng cao hơn nữa vai trò và trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trong Kết luận số 57-KL/TW; quán triệt sâu sắc, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về tầm quan trọng của công tác TTĐN, bảo đảm và thúc đẩy nhân quyền, đẩy mạnh TTĐN về tình hình nhân quyền tại Việt Nam nhằm nâng cao hình ảnh, vị thế đất nước.

Xuân Sơn

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/nang-cao-vi-the-viet-nam-qua-cong-tac-thong-tin-doi-ngoai-ve-quye-n-con-nguo-i-281617.html