Nâng cao ý thức bảo vệ môi trường
Giáo dục cho học sinh ý thức bảo vệ môi trường là một trong những giải pháp cần thiết nhằm bảo vệ môi trường cho tương lai. Thời gian qua, công tác giáo dục, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường đã được các trường học trên địa bàn thành phố Hà Nội đặc biệt chú trọng với nhiều mô hình, hoạt động thiết thực, hiệu quả.
Từ những việc làm nhỏ
Tình trạng ô nhiễm môi trường đã và đang để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng. Giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện nay không chỉ là đòi hỏi cấp thiết đối với các cấp quản lý, các doanh nghiệp mà đó còn là trách nhiệm của toàn xã hội.Chính vì vậy, giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho học sinh trong các nhà trường thông qua những hành động, việc làm từ nhỏ nhất là cách làm hiệu quả và cần thiết.
Từ nhiều năm nay, năm học nào, Trường Tiểu học Phan Đình Giót (quận Thanh Xuân) cũng phát động ngày hội bảo vệ môi trường với hàng loạt hoạt động, việc làm thiết thực để giáo dục ý thức cho học sinh. Chẳng hạn nhưhọc sinh các lớp cùng thiết kế thời trang từ túi ni lông, giấy báo, vỏ sữa. Với hoạt động này, học sinh không chỉ được vui chơi mà còn được tìm hiểu, thuyết trình về tác hại của những phế thải đối với cuộc sống; từ đó có thể đưa ra giải pháp tái chế nguyên vật liệu phế thải, đề xuất biện pháp bảo vệ, giữ gìn môi trường trong trường học và cộng đồng. Ngoài ra, nhà trường còn phát động phong trào học sinh làm đồ dùng học tập trên lớp từ những nguyên liệu phế thải; quét dọn cổng trường, lớp học; tự chăm sóc cây xanh trong trường…
Tương tự, tại Trường Trung học cơ sở Nguyễn Du (quận Nam Từ Liêm), nhằm nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho các em học sinh, những năm qua, nhà trường luôn chú trọng lồng ghép nội dung giáo dục bảo vệ môi trường vào trong các môn học cũng như hoạt động giáo dục; đồng thời xây dựng kế hoạch, thực hiện nhiều chương trình có ý nghĩa, thiết thực, gần gũi với môi trường và tạo được sự hứng thú cho học sinh như tham gia hưởng ứng “Tuần lễ nước sạch và vệ sinh môi trường”, “Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn”, “Ngày môi trường thế giới”; quét dọn, vệ sinh sân trường, lớp học...
Hay như tại Trường Trung học cơ sở - Trung học phổ thông Ban Mai (quận Hà Đông), xuất phát từ thực tế trong quá trình học tập, lượng giấy, tài liệu, chai lọ cũng như số lượng pin thiết bị điện tử được sử dụng rất nhiều; những thứ đó khi thải ra môi trường rất có hại, đặc biệt là pin điện tử, nếu có thể tái chế sẽ góp phần không nhỏ vào việc bảo vệ môi trường; các học sinh trong trường đã cùng nhau lan tỏa dự án cộng đồng ý nghĩa "Đổi giấy lấy cây - Đổi nhựa lấy quà". Theo đó, chỉ với một vài kg giấy (giấy photo, vở, sách, tạp chí, vỏ hộp sữa giấy đã dùng hết...) là học sinh có thể đổi được một chậu cây cảnh như sen đá, xương rồng… rất đẹp đẽ, dễ thương. Ngoài ra, vỏ lon bia, nước ngọt, pin hỏng, thiết bị điện tử hỏng cũng có thể mang đổi lấy cây và các đồ dùng học tập thân thiện.
“Hoạt động “Đổi giấy lấy cây - Đổi nhựa lấy quà" không chỉ giúp các bạn học sinh nâng cao giá trị của những sản phẩm đã qua sử dụng mà còn góp phần thay đổi thói quen, nhận thức về các vấn đề liên quan đến môi trường hiện nay; từ đó sẽ hình thành những thói quen, lối sống tích cực trong việc bảo vệ môi trường" - Thúy Ngân (học sinh lớp 11I Trường Trung học cơ sở - Trung học phổ thông Ban Mai, điều phối dự án) chia sẻ.
Nâng cao ý thức
Trong các sáng kiến bảo vệ môi trường tại trường học ở Hà Nội, đặc biệt có thể kể đến chương trình thu gom, phân loại và tái chế vỏ hộp sữa do Tetra Pak phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, Sở Tài Nguyên và Môi Trường Hà Nội cùng các đối tácchính thức triển khai trên diện rộng tới 1.200 trường mầm non và tiểu học từ năm học 2019 - 2020. Kết thúc năm học, mặc dù gián đoạn gần nửa năm do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng chương trình vẫn thu gom được 269 tấn vỏ hộp sữa (tương đương với gần 27 triệu vỏ hộp) để đưa đi tái chế.
Đến năm học 2020 - 2021, chương trình có quy mô mở rộng tại Hà Nội với 1.600 trường tiểu học và mầm non tham gia. Trong khuôn khổ chương trình, các học sinh sẽ tiếp tục được hướng dẫn cách xử lý vỏ hộp sữa sau khi uống như cho ống hút vào trong hộp, làm dẹp, dán sticker lên miệng hộp và bỏ vào đúng nơi quy định. Vỏ hộp sữa sau đó sẽ được thu gom định kỳ hai tuần một lần và chuyển về nhà máy giấy Đồng Tiến Bình Dương để tái chế thành các sản phẩm hữu ích khác như giấy công nghiệp và tấm lợp, tấm phẳng sinh thái...
Được biết, những năm qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa nội dung giáo dục môi trường, giáo dục về đa dạng sinh học, giáo dục tài nguyên biển, hải đảo và ứng phó với biến đổi khí hậu vào chương trình giáo dục các cấp học, các trình độ đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân nhằm tiến đến phát triển bền vững, đạt Mục tiêu phát triển bền vững số 5 (SDGs) của Liên hợp quốc đến năm 2030 mà Việt Nam đã cam kết tham gia.
Cùng với phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” do Bộ Giáo dục và Đào tạo phát động, các trường học trong cả nước đã nỗ lực tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền và các phong trào xanh - sạch - đẹp, xanh hóa nhà trường, các cuộc thi văn nghệ, sáng tác tranh cổ động, thi viết, thi vẽ về chủ đề bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học... Ngoài ra, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã tiếp nhận các dự án về giáo dục môi trường, đa dạng sinh học, ứng phó với biến đổi khí hậu… với sự tài trợ của các tổ chức quốc tế.
Là một trong số hàng nghìn trường học trên địa bàn thành phố tham gia chương trình phân loại, thu gom và tái chế vỏ hộp sữa; giáo viên và học sinh của Trường Tiểu học Dịch Vọng B (quận Cầu Giấy) đã được hướng dẫn cách phân loại, xử lý vỏ hộp sữa sau khi uống (cho ống hút vào trong hộp, làm dẹp, dán kín miệng hộp và bỏ vào đúng nơi quy định…). Thời gian đầu khi mới triển khai, nhà trường có gặp một số khó khăn. Tuy nhiên, chỉ sau hơn 1 năm, các em học sinh đã hình thành được thói quen mới, không vứt vỏ hộp giấy sau khi uống mà tự giác xử lý và để đúng nơi quy định chờ đưa đi tái chế. Các thầy cô giáo tham gia chương trình cũng nhận thấy sự cần thiết của việc phân loại rác tại nguồn, nhiều thầy cô đã thực hiện phân loại rác tại nguồn tại nhà. Đây là những hiệu ứng lan tỏa hết sức tích cực trong việc bảo vệ môi trường.
Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Xuân Tiến cũng đánh giá cao mô hình học sinh tự chủ của chương trình thu gom, phân loại và tái chế vỏ hộp sữa này.Theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho học sinh ngay từ độ tuổi mầm non và tiểu học không chỉ giúp các em bảo vệ môi trường tại trường học mà còn lan tỏa đến gia đình và xa hơn nữa là chúng ta sẽ có một thế hệ có ý thức bảo vệ môi trường trong tương lai.
Học sinh là thế hệ tương lai của đất nước, là những chủ nhân quyết định đối với sự phát triển của cả xã hội; đồng thời cũng là những người bị ảnh hưởng nhiều nhất của vấn đề tài nguyên và môi trường đối với sự phát triển sau này. Do đó, những hành động thiết thực để các em nhận thấy trách nhiệm và thách thức của vấn đề này đối với tương lai của chính mình là rất quan trọng. Trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện có hơn 2,1 triệu học sinh các cấp học. Nếu ngay từ những ngày đầu cắp sách đến trường các em có ý thức về bảo vệ môi trường, chắc rằng các em sẽ tự giác tuyên truyền cho người thân và cộng đồng. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, trong thời gian tới, ngành Giáo dục cần nỗ lực hơn nữa để tiếp tục nâng cao hiệu quả giáo dục bảo vệ môi trường cho mọi đối tượng học sinh./.
Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/nang-cao-y-thuc-bao-ve-moi-truong-115372.html