Nâng cao ý thức bảo vệ môi trường đồng ruộng

Thuốc bảo vệ thực vật là vật tư không thể thiếu trong sản xuất nông nghiệp, giúp người dân phòng trừ sâu bệnh, nâng cao năng suất cây trồng. Tuy nhiên, nhiều người dân sau khi sử dụng thường vứt vỏ bao thuốc bảo vệ thực vật bừa bãi trên bờ ruộng, lối đi, trên các tuyến kênh mương nội đồng.

Bể chứa vỏ thuốc bảo vệ thực vật trên cánh đồng xã Xuân Quang 3, huyện Đồng Xuân. Ảnh: MẠNH LÊ TRÂM

Bể chứa vỏ thuốc bảo vệ thực vật trên cánh đồng xã Xuân Quang 3, huyện Đồng Xuân. Ảnh: MẠNH LÊ TRÂM

Sau thời gian tuyên truyền mối nguy hại từ việc vứt vỏ bao thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) bừa bãi, trên những cánh đồng rộng lớn từ đồng bằng đến miền núi, nông dân ý thức hơn, đã bỏ vỏ chai, bao bì thuốc BVTV sau sử dụng vào bể chứa.

Cánh đồng không vỏ chai, bì thuốc

Những ngày qua, trên cánh đồng xã Hòa Quang Nam (huyện Phú Hòa), nông dân phun thuốc diệt cỏ dại mọc trên bờ vùng, bờ thửa để chuẩn bị sản xuất vụ đông xuân. Ông Phạm Văn Long đeo khẩu trang, mang bình phun thuốc diệt cỏ. Phun xong, ông đến bờ ruộng thu gom chai lọ thuốc trừ cỏ đã sử dụng mang vào bể chứa rác thải thuốc BVTV gần đó.

Ông Long cho hay, trước đây nông dân đều có thói quen vứt bừa bãi chai lọ đã sử dụng là rác thải thuốc BVTV trên đường đi, nơi pha thuốc, bờ ruộng, bờ mương. Vỏ, chai lọ còn dính thuốc chảy theo mương nước, ảnh hưởng lớn đến môi trường cũng như sức khỏe của các hộ dân quanh vùng.

Về sau, Hội Nông dân xã Hòa Quang Nam phối hợp với Trạm Trồng trọt và BVTV huyện triển khai các lớp hướng dẫn, tuyên truyền, đồng thời lắp đặt các bể thu gom trên đồng ruộng, nông dân đã có ý thức về tác hại của vỏ chai, bao bì sau sử dụng nên gom bỏ đúng nơi quy định. Hiện nay, hầu hết bà con đều chung tay bảo vệ môi trường trên đồng ruộng.

Đi qua cánh đồng xã Hòa Quang Bắc (huyện Phú Hòa), chúng tôi thấy dọc theo tuyến mương, đường nội đồng của các cánh đồng trong xã không còn tình trạng bao bì, vỏ chai thuốc BVTV vứt bừa bãi, làm ô nhiễm môi trường nước như trước đây. “Giờ nông dân sau khi phun thuốc đã bỏ bao bì, vỏ chai vào các bể chứa bằng xi măng đặt ngay tại ven đường, kênh mương, rất thuận tiện thu gom và xử lý”, ông Lương Văn Tấn đang cuốc cỏ bờ ruộng nói.

Cũng theo ông Tấn, trên cánh đồng lúa được bố trí các bể thu gom vỏ chai, bao bì thuốc BVTV. Vì an toàn cho sức khỏe con người và môi trường nên nông dân đã thay đổi thói quen; thay vì vứt vỏ bao bì, chai lọ thuốc BVTV bừa bãi trên bờ ruộng, bà con đã tuân thủ bỏ vào bể chứa.

Theo ghi nhận của chúng tôi, trên cánh đồng này cách đây 10 năm, ý thức của bà con chưa cao nên sau khi sử dụng thuốc BVTV thì rác thải, bao bì vứt bỏ bừa bãi trên bờ ruộng, kênh mương làm ô nhiễm môi trường nước. Còn hiện nay, tại những nơi lắp đặt bể, nông dân đã tự giác thu gom vỏ chai, bao bì thuốc BVTV sau sử dụng bỏ vào các bể.

Không những ở vùng đồng bằng mà ở miền núi, hội nông dân các xã cũng phối hợp với trạm trồng trọt và BVTV huyện mở lớp tập huấn, tuyên truyền cho nông dân về sử dụng thuốc BVTV và thu gom, bỏ rác thải thuốc BVTV trong các bể thu gom trên cánh đồng.

Ông Nguyễn Văn Phước, nhân viên tổ thủy nông xã Xuân Quang 3 (huyện Đồng Xuân) cho biết: Hiện nay, cánh đồng ở đây gần như sạch rác vỏ chai, bì thuốc BVTV sau sử dụng, vì nông dân sau khi phun đã thu gom bỏ vào bể chứa. Còn trước kia, khi tôi đi dẫn nước từ mương vào ruộng, chỗ nào cũng có bao bì, chai lọ đựng thuốc BVTV bạc màu và nhiều loại mới qua sử dụng nằm xen lẫn trên bờ ruộng, dưới mương nước. Nhiều chỗ cống mương dồn lại đám rác bao bì, chai lọ đựng thuốc BVTV làm nghẽn dòng chảy kênh mương.

Cần giải pháp triệt để

Mặc dù ý thức của nông dân đã chuyển biến nhưng đâu đó vẫn còn tình trạng vứt bao bì thuốc BVTV sau khi sử dụng bừa bãi trên đồng ruộng. Theo Trạm Trồng trọt và BVTV huyện Tây Hòa, sau khi tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền nguy hại từ việc vứt vỏ bao thuốc BVTV bừa bãi và đặt các bể thu gom bao bì thuốc BVTV, nông dân trên địa bàn đã biết cách sử dụng thuốc BVTV an toàn, cũng như có trách nhiệm trong việc phân loại, thu gom bao gói thuốc sau sử dụng nhằm bảo vệ môi trường và sức khỏe con người. Tuy nhiên, số lượng bể chứa trên các cánh đồng huyện Tây Hòa còn hạn chế nên chưa thể thu gom hết rác.

Theo các chuyên gia ngành Nông nghiệp, bao bì thuốc BVTV được liệt vào nhóm các chất thải nguy hại, nếu không được tiêu hủy đúng quy trình sẽ ảnh hưởng tới môi trường và sức khỏe con người; thậm chí, nếu đốt chung với rác thải thông thường sẽ gây ô nhiễm không khí nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến hệ sinh thái. Tồn dư thuốc BVTV trong bao bì, vỏ chai sau khi sử dụng, nếu không được thu gom, xử lý đúng nơi quy định thì hoạt chất này sẽ ngấm ra ngoài theo nước mưa hoặc kênh mương, ảnh hưởng đến môi trường nước, đất, không khí và tầng nước ngầm, tác động tiêu cực đến một số loài thủy sinh và sức khỏe con người.

Tình trạng càng trở nên ô nhiễm hơn và để lại hậu quả nặng nề nếu chôn lấp ở trên cao hay vứt bừa bãi nơi đầu nguồn nước. Để giảm tình trạng ô nhiễm môi trường từ vỏ bao thuốc BVTV, cần sự chung tay của toàn xã hội. Trong đó, ngành chức năng và địa phương cần giải pháp triệt để, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, bố trí kinh phí xây bể chứa, thu gom và xử lý bao gói thuốc BVTV.

Hiện nay, cánh đồng gần như sạch rác vỏ chai, bì thuốc BVTV, vì nông dân sau khi phun đã thu gom bỏ vào bể chứa. Còn trước kia, khi tôi đi dẫn nước từ mương vào ruộng, chỗ nào cũng có bao bì, chai lọ đựng thuốc BVTV bạc màu và nhiều loại mới qua sử dụng nằm xen lẫn trên bờ ruộng, dưới mương nước.

Ông Nguyễn Văn Phước, nhân viên tổ thủy nông xã Xuân Quang 3, huyện Đồng Xuân

MẠNH LÊ TRÂM

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/141/323651/nang-cao-y-thuc-bao-ve-moi-truong-dong-ruong.html