Nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông
PTĐT - Năm 2019, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về TTATGT cho cán bộ, CC,VC, người lao động, học sinh, sinh viên và quần chúng nhân dân đã được các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể quan tâm; công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, tổ chức phân luồng đảm bảo giao thông được duy trì...
Lực lượng CSGT đã mở 7 đợt cao điểm đảm bảo TTATGT trên địa bàn, lập biên bản và xử lý gần 91 nghìn trường hợp vi phạm, phạt tiền trên 62 tỷ đồng, tạm giữ trên 19 nghìn phương tiện, tước giấy phép lái xe gần 12 nghìn trường hợp... Tuy nhiên, sự phối hợp giữa cơ quan chức năng với một số chính quyền địa phương chưa thường xuyên. Tai nạn giao thông (TNGT) ở một số địa phương tăng trở lại như: Đoan Hùng, Việt Trì, Phù Ninh, Lâm Thao; việc giải quyết các tồn tại về hành lang ATGT và trật tự đô thị chưa chặt chẽ, các vi phạm chưa được giải quyết triệt để; ý thức người dân khi tham gia giao thông chưa cao... Trong 2 tháng đầu năm 2020, lực lượng CSGT đã lập biên bản gần 5.420 trường hợp vi phạm ATGT, phạt tiền hơn 3 tỷ 612 triệu đồng, trong đó vi phạm ATGT đường bộ gần 5.400 trường hợp; đường sắt 65 trường hợp…Nguyên nhân khách quan và chủ quan dẫn đến TNGT trong những năm qua ở tỉnh là do lưu lượng phương tiện tham gia giao thông trên địa bàn ngày càng tăng nhanh, hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông tuy thường xuyên được nâng cấp, cải tạo nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu lưu thông của phương tiện. Đáng lo ngại hơn, do ý thức chấp hành Luật Giao thông của người tham gia giao thông còn thấp. Một thực trạng đáng lưu ý nữa là nhiều thanh, thiếu niên chưa có giấy phép lái xe, đèo ba, bốn, phóng nhanh, lạng lách, đánh võng, gây mất ATGT… Trước đây, TNGT thường xảy ra ở các khu đô thị thì nay ở các vùng nông thôn tai nạn cũng xảy ra khá phổ biến với tính chất ngày càng nghiêm trọng vì lượng xe máy tăng nhanh; nhiều trường hợp người lái xe không hiểu Luật giao thông, không hiểu tín hiệu giao thông trên các biển báo đường bộ; tệ nạn uống rượu, bia say nhưng vẫn điều khiển xe vẫn còn khá phổ biến. Từ thực trạng trên, hàng năm, Ban ATGT tỉnh đã xây dựng chương trình kế hoạch cụ thể triển khai công tác bảo đảm trật tự ATGT. Năm 2020 mục tiêu giảm TNGT từ 5-10% số vụ, số người chết, bị thương so với năm 2019. Theo đó, Ban ATGT tỉnh yêu cầu Ban ATGT các huyện, thành, thị và các sở, ngành cần đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT theo hướng trọng tâm, có chiều sâu để mỗi người dân nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật về TTATGT dưới nhiều hình thức kết hợp với tăng cường tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm vi phạm, nhất là các quy định mới như: Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định số 100 của Chính phủ quy định xử phạt trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Tăng cường công tác chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động về kỹ năng, nghiệp vụ, trách nhiệm, kỷ cương của người thực thi công vụ trong lĩnh vực bảo đảm TTATGT; kiên quyết xử lý các vi phạm về hành lang ATGT đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa. Trong đó, tập trung xử lý các lỗi như: Điều khiển phương tiện khi uống rượu, bia vượt quá nồng độ quy định, vi phạm tốc độ cho phép; vượt đèn đỏ; đi không đúng phần đường, làn đường; đi vào đường cấm; đỗ dừng không đúng quy định; không đội mũ bảo hiểm; không thắt dây an toàn; xây dựng văn hóa giao thông an toàn, thân thiện với môi trường; tăng cường lực lượng tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về TTATGT…