Nâng cao ý thức người trồng chè trong sử dụng thuốc bảo vệ thực vật
PTĐT - Cây chè là cây trồng mũi nhọn của nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh. Tuy tình trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) tùy tiện, nồng độ cao hơn quy định, thuốc ngoài danh mục được phép sử dụng trên chè đã giảm song đây vẫn là nguyên nhân chính dẫn đến tồn dư thuốc trên sản phẩm chè hiện nay.
Theo số liệu thống kê, trong tổng diện tích 135 nghìn ha chè cả nước thì trên 80% diện tích tập trung ở các tỉnh phía Bắc, trong đó Phú Thọ hiện đứng thứ 4 về diện tích, thứ 3 về sản lượng chè. Năm 2018, diện tích trồng chè của tỉnh là 16,2 nghìn ha; trong đó có 15,6 nghìn ha diện tích chè cho sản phẩm. Năng suất chè búp tươi bình quân trên diện tích cho sản phẩm đạt hơn 111 tạ/ha. Sản lượng chè búp tươi ước đạt gần 173 nghìn tấn. Diện tích chè giống mới, chè chất lượng cao khoảng 12,2 nghìn ha, cơ cấu giống khá đa dạng. Bên cạnh nguyên liệu chế biến chè đen bước đầu đã hình thành các vùng nguyên liệu phục vụ chế biến chè xanh (trồng bằng các giống LDP1, Kiêm Tuyên, Phúc Vân Tiên...) tại các huyện: Tân Sơn, Thanh Sơn, Đoan Hùng, Thanh Ba, Phù Ninh, Hạ Hòa. Tỉnh hiện có 59 cơ sở chế biến chè có công suất trên 1 tấn búp tươi/ ngày; hơn 1.280 cơ sở chế biến chè thủ công, nhỏ lẻ; 15 làng nghề và 8 hợp tác xã sản xuất, chế biến chè.
Trong quá trình mở rộng diện tích trồng chè, việc thâm canh tăng năng suất đã làm cân bằng sinh học bị phá vỡ, sâu bệnh hại chè gia tăng. Để phòng trừ các loại dịch hại trên cây chè như bọ xít muỗi, rầy xanh, bọ cánh tơ, nhện đỏ, đa số nông dân sử dụng biện pháp phun thuốc BVTV.
Kết quả điều tra của Cục BVTV cho thấy, nông dân sử dụng thuốc với nồng độ cao hơn hướng dẫn chiếm 49%; 64% nông dân sử dụng hỗn hợp 2 loại thuốc khi phun và có 14% nông dân sử dụng hỗn hợp 3 loại thuốc khi phun; gần 50% nông dân phun trên 7 lần/vụ, có những hộ nông dân phun tới 3- 4 lần/ tháng gây lãng phí thuốc, ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng lớn tới thiên địch và mất ATTP cho sản phẩm chè. Mặc dù thuốc BVTV trên chè có thời gian cách ly ngắn nên trên 90% nông dân sản xuất chè đảm bảo thời gian cách ly, tuy vậy vẫn còn khoảng 10% nông dân sử dụng thuốc không đảm bảo thời gian cách ly. Bà Đinh Thị Yên, xóm Hạ Bạc, xã Đồng Thịnh, huyện Yên Lập cho biết gia đình có 1ha chè, đây là nguồn thu nhập chính. Trước đây khi chưa được tập huấn và tuyên truyền về tác hại của thuốc BVTV nên đôi khi sử dụng thuốc BVTV tôi không theo nguyên tắc 4 đúng. Đến nay thì khác, sau khi đốn cành chè xong tôi mới phun thuốc. Phun thuốc xong phải đảm bảo thời gian cách ly gia đình mới hái chè để đảm bảo an toàn sức khỏe, bảo vệ môi trường và không tồn dư thuốc BVTV trong chè. Bà Đinh Thị Tuyết- Trưởng khu Giáp Trung, xã Thục Luyện, huyện Thanh Sơn thông tin: Cách đây gần chục năm, dù nông dân phun thuốc BVTV nhiều thì cơ sở chè vẫn thu mua, còn nay nếu phun dày, không tuân thủ quy trình thì chính người trồng chè phải chịu hậu quả. Vì thế người dân không phun thuốc ngoài danh mục, không phun nhiều lần/tháng. Nhiều hộ đã mở rộng diện tích trồng chè an toàn theo phương thức VietGap.
Thực tế hiện nay người trồng chè đã thay đổi căn bản trong nhận thức và ý thức sử dụng thuốc BVTV. Bởi lẽ nếu không sử dụng đúng cách thì gậy ông lại đập lưng ông. Người trồng chè sẽ là người phải chịu hậu quả trước tiên khi hàng ngày phải tiếp xúc với cây chè. Bên cạnh đó, nếu chè có dư lượng thuốc BVTV vượt ngưỡng cho phép thì các cơ sở chế biến sẽ không thu mua chè. Vì vậy mà người dân sẽ không có thu nhập. Thời gian qua, Chi cục BVTV tỉnh đã tăng cường tuyên truyền, tập huấn kĩ thuật cho bà con về đảm bảo quy trình phun thuốc BVTV cho cây chè. Diện tích chè ứng dụng IPM đầy đủ (chè an toàn, VietGAP, RFA, UTZ...) có diện tích ngày càng tăng; nông dân sản xuất cũng chủ động tìm hiểu và áp dụng IPM; lượng thuốc hóa học trừ sâu bệnh giảm trên 10%. Những mô hình chè IPM đều cho năng suất cao hơn tập quán gần 2 tấn/ha/năm, hiệu quả kinh tế tăng so với tập quán trên 6 triệu đồng/ha/năm; số lần phun thuốc BVTV giảm 6 – 8 lượt phun so với tập quán (tập quán phun 20 - 25 lượt/năm).Để bảo vệ môi trường và sức khỏe của người dân thì các cơ quan chức năng cần tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát đối với các hoạt động sản xuất, kinh doanh các loại thuốc BVTV. Các địa phương, các cơ sở sản xuất kinh doanh chè đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn người làm chè sử dụng thuốc BVTV an toàn, hiệu quả. Thực hiện thâm canh trong sản xuất chè để cải tạo và nâng cao năng suất, sản lượng và chất lượng chè búp tươi đáp ứng nhu cầu cho chế biến nội tiêu và xuất khẩu. Tăng cường quản lý dịch hại tổng hợp IPM và sử dụng thuốc BVTV trên cây chè và áp dụng đồng bộ các giải pháp như lựa chọn giống, trồng cây che bóng đúng kỹ thuật, bón phân, tưới nước...Chỉ phun thuốc BVTV khi tỷ lệ bệnh, mật độ sâu vượt ngưỡng với các loại thuốc BVTV có trong Danh mục thuốc được phép sử dụng ở Việt Nam và sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc 4 đúng. Không sử dụng các thuốc BVTV có hoạt chất: Fipronil, Acetamiprid, Imidacloprid trên cây chè; đảm bảo an toàn lao động trong quá trình sử dụng thuốc BVTV; ghi chép đầy đủ các thông tin khi sử dụng thuốc BVTV trong quá trình sản xuất chè; tổ chức thu gom, tiêu hủy vỏ bao bì thuốc BVTV sau sử dụng theo quy định.