Nâng cao ý thức phòng bệnh hô hấp
Thời tiết bắt đầu chuyển lạnh, nhiệt độ chênh lệch lớn giữa ngày và đêm, khiến cơ thể con người không kịp thích nghi, dễ nhiễm bệnh, nhất là các bệnh liên quan đến đường hô hấp. Cùng với đó, thời điểm này, dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, nên người dân cần nâng cao ý thức phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe bản thân.
Chăm sóc bệnh nhân tại Trung tâm Hô hấp (Bệnh viện Bạch Mai). Ảnh: Thanh Mai
Nhiều bệnh “tấn công” người già, trẻ nhỏ
Vào thời điểm này, trung bình mỗi ngày, Trung tâm Hô hấp (Bệnh viện Nhi trung ương) tiếp nhận hơn 10 bệnh nhi nhiễm vi rút hợp bào hô hấp (RSV). Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 gây tâm lý e ngại, nên so với mọi năm, số lượng bệnh nhi đến viện giảm hơn. Vì vậy, đa phần các bệnh nhi khi nhập viện thì bệnh đã chuyển nặng, suy hô hấp, phải thở máy, thở ô xy.
Mới 3 tháng tuổi, bé trai H.M.T ở Hà Nội đã phải thở máy liên tục trong 3 tuần, vì bị viêm phổi nặng. Mẹ bệnh nhi H.M.T chia sẻ, ban đầu bé chỉ sổ mũi, sốt nhẹ, nên gia đình chủ quan, tự điều trị tại nhà. Khi bé bị sốt cao, chướng bụng, thở khò khè…, gia đình mới đưa đến Bệnh viện Nhi trung ương.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Thị Hồng Hanh, Giám đốc Trung tâm Hô hấp (Bệnh viện Nhi trung ương) cho biết, thời điểm giao mùa, thời tiết và độ ẩm không khí thay đổi thất thường, là môi trường thuận lợi để các loại vi khuẩn, vi rút gây bệnh đường hô hấp phát triển và hoạt động mạnh, trong đó đứng đầu là vi rút hợp bào hô hấp. Đây là vi rút thường gặp ở trẻ nhỏ, nhất là trẻ dưới 6 tháng tuổi, dễ gây viêm phổi, viêm tiểu phế quản, suy hô hấp. Bệnh có các triệu chứng thông thường là hắt hơi, sổ mũi, sốt nhẹ…
Tương tự, trong hơn 1 tuần qua (từ ngày 27-10 đến 4-11), Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba (Hà Nội) đã tiếp nhận gần 100 bệnh nhân mắc các bệnh liên quan đến đường hô hấp và bệnh tay chân miệng. Còn tại Khoa Châm cứu và Phục hồi chức năng (Bệnh viện Y học cổ truyền Hà Đông), bình thường tiếp nhận từ 60 đến 70 bệnh nhân nội trú/ngày, thì tuần vừa qua mỗi ngày có khoảng 85-100 bệnh nhân, thậm chí ngày cao điểm lên đến 120 bệnh nhân. Theo Phó Trưởng khoa Châm cứu và Phục hồi chức năng Nghiêm Thị Thanh Hường, khi thời tiết chuyển lạnh vào sáng sớm và ban đêm, người cao tuổi thường mắc phải một số bệnh, như: Hen phế quản, tai biến mạch máu não…
Thời tiết chuyển mùa cũng làm giảm chức năng hô hấp đối với những bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD). Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phan Thu Phương, Giám đốc Trung tâm Hô hấp (Bệnh viện Bạch Mai) cảnh báo, COPD khiến người bệnh có nhiều nguy cơ mắc Covid-19 hơn và khi đã mắc Covid-19 thì tỷ lệ tử vong cao. Một nghiên cứu mới đây của Mỹ trên 387.008 ca mắc Covid-19 cho thấy có tới 7.549 bệnh nhân có bệnh nền là COPD (chiếm 2,07%). Tỷ lệ tử vong của những người nhiễm Covid-19 có mắc COPD là 15% (trong khi nhóm không mắc COPD là 4%).
Chăm sóc bệnh nhi nhiễm vi rút hợp bào hô hấp (RSV) tại Trung tâm Hô hấp (Bệnh viện Nhi trung ương). Ảnh: Thúy Hạnh
Tăng cường sàng lọc người bị ho, sốt, khó thở
Trước tình hình dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phan Thu Phương, Giám đốc Trung tâm Hô hấp (Bệnh viện Bạch Mai) lưu ý, các bệnh nhân mắc COPD nên tiêm vắc xin phòng cúm và vắc xin phòng Covid-19, đồng thời tuân thủ điều trị phác đồ thường quy để giúp kiểm soát bệnh. Ngoài ra, người bệnh cần thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, như: Tránh sờ lên mặt, mắt, mũi, miệng khi tay không sạch; tránh tiếp xúc với đám đông và hạn chế đi lại; chọn những bài tập vận động phù hợp…
Để phòng bệnh hô hấp cho trẻ vào thời điểm giao mùa, theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Thị Hồng Hanh, Giám đốc Trung tâm Hô hấp (Bệnh viện Nhi trung ương), cần thực hiện 2 điều. Một là, phải bảo vệ trẻ bằng cách cho mặc đủ ấm khi trời mưa, trở lạnh; trời nóng thì sử dụng quạt hay điều hòa ở nhiệt độ thích hợp. Hai là, giữ vệ sinh sạch sẽ, rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn; hạn chế cho trẻ đến những nơi đông người; tăng cường dinh dưỡng và tiêm phòng đầy đủ.
Khi gặp các triệu chứng ho, sốt, khó thở..., nhiều người cảm thấy lo lắng. Tuy nhiên, những triệu chứng này có thể không có mối liên quan nào đến Covid-19, nếu không có yếu tố dịch tễ (từng đến vùng dịch hoặc tiếp xúc với nguồn bệnh). Bác sĩ Nguyễn Nguyên Huyền, Trưởng khoa Khám bệnh (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương) cho biết, nếu không phải là bác sĩ thì rất khó để phân biệt giữa các bệnh liên quan đến đường hô hấp khác với Covid-19. Do đó, nếu có những triệu chứng nghi ngờ mắc Covid-19 thì người dân hãy đeo khẩu trang y tế, tự cách ly tại nhà, chỉ dùng vật dụng cá nhân và gọi điện đến cơ sở y tế để được tư vấn.
Thời điểm này, có nhiều bệnh nhân mắc bệnh liên quan đến đường hô hấp tới khám, do đó, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà đã yêu cầu các cơ sở khám, chữa bệnh đặt cảnh báo phòng, chống dịch Covid-19 ở mức cao nhất; tăng cường chỉ định xét nghiệm sớm vi rút SARS-CoV-2 đối với người có biểu hiện nghi ngờ, như: Ho, sốt, khó thở, biểu hiện cúm… để phát hiện ca mắc Covid-19 kịp thời, tránh lây nhiễm chéo trong bệnh viện.
Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/doi-song/1016702/nang-cao-y-thuc-phong-benh-ho-hap