Nâng cao ý thức thượng tôn pháp luật trong thế hệ trẻ

Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) cho thanh, thiếu niên là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Nếu làm tốt công tác này sẽ góp phần hạn chế, giảm thiểu hành vi vi phạm do thiếu kiến thức pháp luật của thanh, thiếu niên. Vì vậy, tổ chức đoàn các cấp trên địa bàn huyện Đồng Phú đã quan tâm đổi mới về nội dung, hình thức tuyên truyền, PBGDPL phù hợp với đặc điểm tâm lý của từng đối tượng thanh, thiếu niên. Qua đó góp phần giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội ở địa phương.

Đa dạng hình thức tuyên truyền

Thành lập năm 2017, Câu lạc bộ tuyên truyền pháp luật của Chi đoàn Công an huyện Đồng Phú đã góp phần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật cho đoàn viên thanh niên (ĐVTN), học sinh và nhân dân trên địa bàn huyện. Hằng năm, câu lạc bộ phối hợp Phòng GD&ĐT huyện, các trường học, khu công nghiệp và khu dân cư tổ chức 31 buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật theo chủ đề. Nội dung quy định pháp luật được lựa chọn gắn liền với lứa tuổi thanh, thiếu niên như: giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản vị thành niên, phòng, chống ma túy, HIV/AIDS; tuyên truyền về tác hại do sử dụng bia, rượu, thuốc lá, ma túy, các chất kích thích và xây dựng lối sống tích cực, lành mạnh; phòng, chống bạo lực học đường; an ninh mạng; nghĩa vụ quân sự… Đến nay, tại các trường học trên địa bàn huyện, 100% ĐVTN ký cam kết không vi phạm pháp luật, không sử dụng ma túy… Các trường học đều xây dựng mô hình: “Cổng trường an toàn giao thông”, “tuyên truyền măng non”, “tuyên truyền pháp luật”.

Học sinh trao đổi kiến thức pháp luật tại phiên tòa giả định

Học sinh trao đổi kiến thức pháp luật tại phiên tòa giả định

Bí thư Chi đoàn Công an huyện Phạm Huy Hùng cho biết: Trong những năm gần đây, tình trạng thanh, thiếu niên vi phạm pháp luật diễn biến phức tạp. Nổi lên là vụ trộm cắp tài sản, cố ý gây thương tích, vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ... Nguyên nhân chủ yếu là vốn sống và hiểu biết xã hội của ĐVTN còn hạn chế; khả năng tiếp nhận thông tin nhanh nhưng ít chọn lọc và dễ bị kích động, lôi kéo, lợi dụng. Đồng thời, tình trạng thanh niên hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống, thất nghiệp, quá trình đô thị hóa nhanh... đã tác động xấu đến lối sống của một bộ phận ĐVTN trong chấp hành pháp luật. Vì vậy, việc tuyên truyền, PBGDPL phải được thực hiện kịp thời, có trọng tâm, trọng điểm mới mang lại hiệu quả cao.

Học sinh Trường THCS Tân Tiến tham gia hội thi “Rung chuông vàng” tìm hiểu pháp luật về an toàn giao thông

Học sinh Trường THCS Tân Tiến tham gia hội thi “Rung chuông vàng” tìm hiểu pháp luật về an toàn giao thông

“Phiên tòa giả định” là mô hình tuyên truyền giáo dục pháp luật được Huyện đoàn Đồng Phú triển khai từ năm 2017, qua việc sân khấu hóa những vụ việc vi phạm trong thanh, thiếu niên gây hậu quả nghiêm trọng. Phiên tòa giả định giúp mềm hóa những quy định pháp luật, đưa các tình huống pháp lý gần hơn với ĐVTN. Thay vì tiếp cận những quy định pháp luật một cách khô khan thì hình thức này có thể giúp ĐVTN dễ dàng nhớ hành vi vi phạm pháp luật trong các tình huống để tránh rơi vào trường hợp tương tự. Từ đó nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật.

Nâng cao chất lượng PBGDPL

Phó Bí thư Huyện đoàn Đồng Phú Trần Phạm Thị Phương Thảo cho biết: Để nâng cao chất lượng tuyên truyền, PBGDPL cho thanh, thiếu niên, tại đoàn trường, liên đội các trường học cũng tích cực hưởng ứng cuộc vận động “Mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp”. Theo đó, kể những câu chuyện về người tốt, việc tốt, hành động đẹp trong giờ sinh hoạt dưới cờ; đăng tải, chia sẻ qua các kênh thông tin của đoàn, đội, mạng xã hội… Tổ chức PBGDPL qua hình thức thi tiểu phẩm với chủ đề đa dạng về biển đảo, bạo lực học đường, tệ nạn xã hội… để ĐVTN thể hiện chính kiến của mình về các vấn đề xã hội. Từ đó giúp đoàn trường cũng như liên đội nắm được suy nghĩ của các em để có định hướng đúng đắn, phù hợp. Đồng thời giúp các em hiểu và ý thức được rằng mỗi người chấp hành đúng quy định pháp luật sẽ góp phần xây dựng xã hội văn minh.

Hằng năm, các tổ chức đoàn từ huyện đến cơ sở thực hiện cuộc vận động “Thanh niên sống đẹp, sống có ích”, các chương trình “Học làm người có ích”, “Học kỳ trong quân đội”, “Khi tôi 18”. Bên cạnh đó, Huyện đoàn Đồng Phú chú trọng tuyên truyền, PBGDPL cho ĐVTN địa bàn vùng sâu, xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời, hướng dẫn xây dựng tủ sách pháp luật theo quy định nhằm tạo thuận lợi cho ĐVTN và người dân được tiếp cận, tìm hiểu các văn bản pháp luật.

Năm 2022, toàn huyện Đồng Phú đã tổ chức hội nghị PBGDPL 2.979 cuộc với 18.200 lượt người tham gia, phát hơn 16.000 bộ tài liệu các loại. Công an huyện tổ chức tuyên truyền các văn bản pháp luật 31 cuộc với hơn 9.000 lượt người tham gia. UBND các xã, thị trấn phối hợp tổ chức phổ biến 80 đợt với 4.077 lượt người tham dự; phát 1.200 bộ tài liệu các loại.

Nắm bắt kiến thức pháp luật khi còn ngồi trên ghế nhà trường sẽ giúp những “chủ nhân tương lai của đất nước” có nhận thức, hiểu biết pháp luật đúng đắn, từ đó tạo thành thói quen thường xuyên điều chỉnh hành vi theo pháp luật. Qua đó, góp phần giảm thiểu tỷ lệ học sinh, thanh, thiếu niên là nạn nhân của tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật, nhất là các vi phạm liên quan đến ma túy.

Minh Hiền

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/72/141169/nang-cao-y-thuc-thuong-ton-phap-luat-trong-the-he-tre