Nâng cao ý thức vệ sinh môi trường trong các cơ sở y tế

Bệnh viện là nơi ẩn chứa nhiều mầm bệnh do đó đảm bảo môi trường cơ sở y tế an toàn, hạn chế các nguy cơ lây nhiễm chéo ra cộng đồng là yếu tố quan trọng giúp đảm bảo sức khỏe cho người dân.

Đảm bảo môi trường y tế: Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh

Bệnh viện là nơi có nhiều yếu tố (nước, rác thải, không khí…) có thể gây ảnh hưởng đến tình trạng nhiễm khuẩn bệnh. Sự tương tác giữa các yếu tố như nhân viên y tế, bệnh nhân, người nhà, vi sinh vật, rác thải y tế… và môi trường ở cơ sở y tế có vai trò quan trọng trong việc quyết định tỷ lệ nhiễm khuẩn ở bệnh viện. Vì vậy, việc đảm bảo vệ sinh môi trường tại các cơ sở y tế nhất là khâu kiểm soát nhiễm khuẩn vô cùng quan trọng. Làm tốt điều này có thể giúp giảm tình trạng nhiễm khuẩn. Việc đảm bảo được môi trường y tế an toàn là đảm bảo được sức khỏe cho người bệnh, nâng cao được chất lượng khám chữa bệnh cho các cơ sở y tế.

Để ngăn ngừa việc lây lan nhiễm khuẩn bệnh viện tại các cơ sở y tế, cần chú ý các giải pháp: cô lập nguồn gây bệnh và xóa bỏ các đường phát tán bệnh.

Để ngăn ngừa việc lây lan nhiễm khuẩn bệnh viện tại các cơ sở y tế, cần chú ý các giải pháp: cô lập nguồn gây bệnh và xóa bỏ các đường phát tán bệnh.

Nhiễm khuẩn bệnh viện là tình trạng nhiễm khuẩn mắc phải trong thời gian bệnh nhân điều trị tại cơ sở y tế và thường xuất hiện sau 48h từ khi bệnh nhân nhập viện. Lúc này, cô lập nguồn bệnh không chỉ là cách ly người bệnh bị nhiễm bệnh mà còn thực hiện khử trùng, xử lý chất thải y tế lây nhiễm. Những vật tiếp xúc với bệnh nhân đều tiềm ẩn nguy cơ lây bệnh và phải loại bỏ hoặc khử trừng/vô trùng. Trong đó, việc quản lý, xử lý chất thải y tế cũng là cách để mầm bệnh không lây lan, lây nhiễm chéo trong môi trường cơ sở y tế.

Đây cũng là yếu tố đáp ứng một trong những yếu tố về xây dựng hệ thống y tế bền vững và linh hoạt trong Chiến lược quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Thủ tướng phê duyệt ngày 23/1/2024: Phương thức chủ chốt để bảo đảm chăm sóc sức khỏe hiệu quả bao gồm phòng bệnh hơn chữa bệnh; chăm sóc sức khỏe từ sớm ngay tại cơ sở; ứng phó kịp thời với đại dịch và các tình huống khẩn cấp về an ninh y tế; và khẳng định vai trò chủ chốt của Nhà nước trong việc bảo đảm các dịch vụ y tế cơ bản.

Quản lý tốt chất thải y tế cũng là cách không để mầm bệnh lây lan ra ngoài cộng đồng.

Quản lý tốt chất thải y tế cũng là cách không để mầm bệnh lây lan ra ngoài cộng đồng.

Chất thải lây nhiễm là gì?

Chất thải lây nhiễm được chia làm 2 loại chất thải lây nhiễm không sắc nhọn và chất thải lây nhiễm sắc nhọn.

Chất thải lây nhiễm không sắc nhọn

- Chất thải lây nhiễm không sắc nhọn bao gồm bông, băng, gạc, găng tay, các chất thải không sắc nhọn khác thấm, dính, chứa máu của cơ thể, chứa vi sinh vật gây bệnh; vỏ lọ vắc xin thuộc loại vắc xin bất hoạt hoặc giảm độc lực thải bỏ; chất thải lây nhiễm dạng lỏng (bao gồm dịch dẫn lưu sau phẫu thuật, thủ thuật y khoa, dịch thải bỏ chứa máu của cơ thể người hoặc chứa vi sinh vật gây bệnh).

- Chất thải có nguy cơ lây nhiễm cao bao gồm mẫu bệnh phẩm, dụng cụ đựng, dính mẫu bệnh phẩm, chất thải dính mẫu bệnh phẩm thải bỏ từ các phòng xét nghiệm tương đương an toàn sinh học cấp II trở lên; tất cả các chất thải phát sinh từ buồng bệnh cách ly, khu vực điều trị cách ly, khu vực lấy mẫu xét nghiệm người bệnh mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhóm A, nhóm B;

- Chất thải giải phẫu bao gồm mô, bộ phận cơ thể người thải bỏ, xác động vật thí nghiệm.

Chất thải lây nhiễm sắc nhọn

Bao gồm kim tiêm, bơm liền kim tiêm, đầu sắc nhọn của dây truyền, kim chọc dò, kim châm cứu dùng một lần, lưỡi dao mổ, đinh, cưa dùng trong phẫu thuật, các ống tiêm, mảnh thủy tinh vỡ, các vật sắc nhọn khác đã qua sử dụng thải bỏ có dính, chứa máu của cơ thể hoặc chứa vi sinh vật gây bệnh.

Việc phân loại, xử lý chất thải y tế đúng cách rất quan trọng, không chỉ đảm bảo an toàn cho con ngùoi và môi trường mà còn giúp môi trường cơ sở y tế được sạch sẽ, giảm thiểu nguy cơ phát tán các tác nhân gây bệnh hay yếu tố độc hại, nguy hiểm ra bên ngoài. Từ đó giúp nâng cao tính bền vững cho cơ sở y tế, đảm bảo sức khỏe cho người dân hướng tới mục tiêu phát triển đất nước bền vững.

PV

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nang-cao-y-thuc-ve-sinh-moi-truong-trong-cac-co-so-y-te-169240822093129942.htm