Nâng cấp, cải tạo mặt đường bằng bê tông nhựa chặt nóng
Áp dụng công nghệ bê tông nhựa chặt nóng vào nâng cấp, cải tạo mặt đường bê tông xi măng bị hư hỏng, xuống cấp ở Hà Tĩnh hiện nay là giải pháp có nhiều ưu điểm, đặc biệt là đối với đường có tải trọng khai thác nhỏ.
Ngõ 10, đường Xuân Diệu được nâng cấp, cải tạo bằng công nghệ bê tông nhựa chặt nóng, qua hơn 2 năm đưa vào sử dụng mặt đường vẫn giữ được độ bằng phẳng
Sau gần 10 năm đưa vào sử dụng, ngõ 10, đường Xuân Diệu, phường Bắc Hà (TP Hà Tĩnh) được làm bằng bê tông xi măng (BTXM) đã hư hỏng, bong tróc nhiều điểm. Được sự tư vấn của cán bộ kỹ thuật giao thông, năm 2018, tuyến đường ngõ dân phố này đã được nâng cấp, cải tạo bằng công nghệ bê tông nhựa (BTN) chặt nóng.
“Sau khi được nâng cấp, cải tạo bằng công nghệ BTN chặt nóng đến nay đã qua hơn 2 năm đưa vào sử dụng chúng tôi thấy mặt đường vẫn giữ được độ bằng phẳng như khi mới làm xong, độ cứng không quá cao, xe chạy êm thuận ít gây tiếng ồn” – ông Trần Toàn, người dân ngõ 10, đường Xuân Diệu cho biết.
Đến nay, việc áp dụng công nghệ BTN chặt nóng được áp dụng trong nâng cấp, cải tạo mặt đường BTXM đã được ngành giao thông triển khai nhiều trên các địa phương, đặc biệt là trong đô thị thuộc TP Hà Tĩnh, TX Hồng Lĩnh, TX Kỳ Anh.
Làm sạch bụi bẩn và vật liệu không thích hợp rơi vãi trên mặt đường rải BTN, nhất là các vị trí khe co giãn
Ông Lê Anh Sơn – Trưởng phòng Quản lý chất lượng công trình Sở GTVT Hà Tĩnh cho biết, phạm vi áp dụng công nghệ BTN chặt nóng được áp dụng trong nâng cấp, cải tạo mặt đường BTXM hiện trạng đã bị bong tróc, trơ đá (vẫn đảm bảo khả năng chịu lực theo thiết kế) và trong trường hợp cần nâng cao chất lượng khai thác.
“Giải pháp cải thiện chất lượng mặt đường BTXM hiện trạng bằng cách thảm thêm lớp BTN chặt nóng chỉ thích hợp đối với các đường cấp thấp, đường có tải trọng khai thác nhỏ (đường GTNT, đường phố, ngõ, ngách...) Đối với các đường cấp cao hơn, tải trọng, lưu lượng khai thác lớn cần tăng cường thêm tối thiểu 1 lớp cấp phối đá dăm loại 1 trên mặt đường BTXM hiện trạng trước khi thảm lớp BTN chặt nóng để hạn chế tình trạng nứt tại các vị trí khe co giãn, khe dọc gây hư hỏng mặt đường” – ông Sơn cho hay.
Trong quá trình thi công phải đảm bảo yêu cầu nhiệt độ khi đổ hỗn hợp BTN từ xe ô tô vào phễu máy rải phải ≥ 125 độC, khi bắt đầu lu lèn ≥ 120 độ C, kết thúc lu lèn ≥ 80 độ C. Chỉ được thi công lớp BTN khi nhiệt độ không khí lớn hơn 15 độ C. Không được thi công khi trời mưa hoặc có thể mưa; hạn chế thi công vào ban đêm.
Phải làm sạch bụi bẩn và vật liệu không thích hợp rơi vãi trên mặt đường sẽ rải BTN, nhất là các vị trí khe co giãn bằng máy quét, máy thổi, vòi phun nước (nếu cần) và bắt buộc phải hong khô.
Qua thực tiễn thi công nâng cấp, cải tạo mặt đường bằng BTN chặt nóng trên địa bàn cho thấy nhiều ưu điểm như: Thi công hoàn toàn bằng cơ giới nên chất lượng tương đối đồng đều; kết cấu chặt kín, có khả năng chịu kéo, chịu uốn, chịu cắt; bằng phẳng, độ cứng không quá cao, xe chạy êm thuận ít gây tiếng ồn.
Bên cạnh đó, công nghệ này cũng bộc lộ một số nhược điểm, như: Cường độ giảm khi nhiệt độ cao; cường độ giảm khi nước tác dụng lâu; hệ số bám giữa bánh xe và mặt đường giảm khi mặt đường bị ẩm ướt; mặt đường bị già hóa dưới tác dụng của thời gian, tải trọng và các yếu tố khí hậu.
So với công nghệ Cacbonco Asphalt và Micro sufacing, thì công nghệ này có giá thành cao hơn.
Nhiều tuyến đường trong đô thị thuộc TP Hà Tĩnh, TX Hồng Lĩnh, TX Kỳ Anh đã được nâng cấp bằng công nghệ BTN chặt nóng
Qua 10 năm xây dựng nông thôn mới (2011-2019), toàn tỉnh Hà Tĩnh đã xây dựng mới, nâng cấp được 7.438,69 km đường giao thông nông thôn, trong đó đường bằng BTXM chiếm hơn 64%.
Tuy nhiên vì nhiều nguyên nhân, đến nay một số tuyến đường bằng BTXM đã xuống cấp, bong tróc. Vì vậy, việc phục hồi, nâng cấp mặt đường theo công nghệ Cacbonco Asphalt, Micro sufacing hay BTN chặt nóng cần được đơn vị chuyên môn tư vấn, đảm bảo phù hợp theo từng kết cấu, mức độ tải trọng của đường cũng như giá thành.