'Nâng cấp' chất lượng, hiệu quả dịch vụ công trực tuyến

PTĐT - Nhằm đẩy nhanh quá trình xây dựng chính quyền điện tử, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, các sở, ngành, địa phương trong tỉnh ...

Cán bộ Bộ phận một cửa huyện Thanh Sơn hướng dẫn người dân sử dụng các DVCTT.

Cán bộ Bộ phận một cửa huyện Thanh Sơn hướng dẫn người dân sử dụng các DVCTT.

PTĐT - Nhằm đẩy nhanh quá trình xây dựng chính quyền điện tử, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, các sở, ngành, địa phương trong tỉnh đã và đang tích cực triển khai việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 3 và 4 trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC).
DVCTT mức độ 3 là dịch vụ cho phép tổ chức, cá nhân thực hiện thông qua môi trường mạng internet ở bất cứ nơi đâu, chỉ phải trực tiếp đến cơ quan Nhà nước đóng lệ phí (nếu có) và nhận kết quả; dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 là dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và cho phép người sử dụng thanh toán lệ phí (nếu có) trực tuyến (thông qua các hệ thống thanh toán trực tuyến của các ngân hàng). Việc trả kết quả có thể được thực hiện trực tuyến, gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến người sử dụng.
Trên địa bàn tỉnh, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa liên thông hiện đại đi vào hoạt động từ cuối năm 2018. Đến hết năm 2019 đã có tổng số 44.204 hồ sơ được giải quyết thông qua một cửa. Đến hoàn thiện việc giải quyết TTHC liên quan tới chuyển nhượng sổ đỏ của gia đình, tại bộ phận một cửa huyện Thanh Sơn, anh Nguyễn Việt Cường, xã Thắng Sơn chia sẻ: “Trước đây, mỗi lần đi làm các loại giấy tờ rất mất thời gian do phải qua nhiều phòng để thực hiện. Nhưng từ khi Bộ phận một cửa của huyện đi vào hoạt động tôi chỉ phải đến đây một lần là được hướng dẫn đầy đủ các loại thủ tục, giấy tờ, hẹn ngày trả kết quả, rất nhanh chóng. Các TTHC được niêm yết công khai cũng giúp ích rất nhiều cho tôi trong việc tra cứu những thủ tục cần thiết”.Đồng chí Hà Minh Tuấn - Tổ trưởng phụ trách Bộ phận một cửa của huyện Thanh Sơn cho biết: Hiện nay, huyện đang tổ chức tiếp nhận và giải quyết 271 TTHC tại Bộ phận một cửa của huyện, trong đó có trên 90% thủ tục đáp ứng nhu cầu sử dụng DVCTT mức 3. Nhằm tăng cường sử dụng DVCTT mức độ 3 và 4 phục vụ người dân, doanh nghiệp, lãnh đạo huyện đã chỉ đạo các phòng, đơn vị chuyên môn rà soát các TTHC liên quan đến lĩnh vực tài nguyên môi trường, đăng ký kinh doanh,… để tích cực triển khai DVCTT mức độ 3 và 4. Bên cạnh đó, huyện tiếp tục chỉ đạo các xã, thị trấn tích cực đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin theo hướng đồng bộ và ban hành các chính sách khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng các DVCTT.Bộ phận một cửa huyện Đoan Hùng được triển khai từ tháng 1/2020 hiện tiếp nhận và giải quyết 284 TTHC thuộc thẩm quyền (trong đó có 155 TTHC triển khai mức độ 3). Sau 6 tháng hoạt động, Bộ phận một cửa của huyện đã tiếp nhận và giải quyết 3.492 TTHC cho người dân và doanh nghiệp. Hiện nay huyện đang tiến hành rà soát các TTHC đủ điều kiện đáp ứng nhu cầu giải quyết thông qua DVCTT mức độ 3 và 4. UBND huyện chỉ đạo các xã, thị trấn tăng cường cơ sở vật chất, nhất là máy in, máy scan tại Bộ phận một cửa để giúp người dân, doanh nghiệp có điều kiện in các phiếu, biểu mẫu gửi kèm theo hồ sơ; phối hợp chặt chẽ với Ban CHQS huyện để tiến hành cập nhật và thực hiện giải quyết các TTHC của Bộ Quốc phòng tại Bộ phận một cửa ở cấp xã, thị trấn; đồng thời chỉ đạo các xã, thị trấn tiếp tục kiện toàn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ công chức thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận và trả kết quả, giải quyết TTHC.

Người dân giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ phận Một cửa huyện Đoan Hùng.

Người dân giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ phận Một cửa huyện Đoan Hùng.

Cùng với huyện Thanh Sơn, Đoan Hùng, các đơn vị, địa phương khác trong tỉnh như: Sở TT&TT, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Giao thông vận tải, UBND huyện Thanh Ba, Yên Lập,… đã tích cực sử dụng DVCTT mức độ 3 trong giải quyết TTHC cho người dân, doanh nghiệp.Cổng DVCTT của tỉnh tại địa chỉ http://dichvucong.phutho.gov.vn hiện đang cung cấp 1.951 DVCTT, trong đó có 1.324 DVCTT mức độ 3 và 188 DVCTT mức độ 4. Để triển khai hiệu quả các nghị định, nghị quyết của Chính phủ về việc cung cấp thông tin và DVCTT trong xây dựng Chính phủ điện tử; các quyết định ban hành danh mục các DVCTT mức độ 3 và 4... Sở TT&TT đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các văn bản, kế hoạch triển khai DVCTT mức độ 3, 4 và tham mưu để tỉnh ban hành quy chế quản lý, khai thác, sử dụng dịch vụ công nói chung, các DVCTT mức độ 3 và 4 nói riêng.Đến nay, Sở TT&TT đã cấp 3.105 chữ ký số chuyên dùng cho các cơ quan, tổ chức và cá nhân trong các cơ quan Nhà nước của tỉnh. Trong đó, có 528 chữ ký số tổ chức, 2.577 chữ ký số cá nhân. Việc theo dõi, quản lý chữ ký số được thực hiện thường xuyên, đáp ứng kịp thời nhu cầu của các cá nhân, tổ chức; đảm bảo an toàn thông tin trong các giao dịch điện tử. Đây là điều kiện cần thiết để thực hiện các DVCTT mức độ 4. Cùng với đó, Sở tích cực tham mưu cho lãnh đạo tỉnh triển khai hỗ trợ 100% phí dịch vụ bưu chính khi thực hiện trả kết quả giải quyết DVCTT mức độ 3 và 4; đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát để kịp thời tham mưu tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các cơ quan, đơn vị và thực hiện các giải pháp đảm bảo an toàn an ninh thông tin trong quá trình thực hiện DVCTT mức độ 3 và 4.Những tiện ích mà DVCTT đem lại là rất lớn, người dân và doanh nghiệp có thể làm việc với các cơ quan hành chính Nhà nước ở mọi lúc, mọi nơi chỉ cần có kết nối internet. Các giao dịch trong quá trình xử lý hồ sơ và cung cấp dịch vụ sẽ được thực hiện trên môi trường mạng. Vì vậy, có thể tiết kiệm thời gian, công sức, cắt giảm các chi phí đi lại cho người sử dụng. Tuy nhiên trên thực tế việc tiếp nhận hồ sơ và giải quyết TTHC đối với các dịch vụ công cung cấp ở mức độ 3 và 4 trong thời gian qua lại chưa hiệu quả, số lượng hồ sơ tiếp nhận và giải quyết chưa nhiều. Nguyên nhân là do hạ tầng công nghệ thông tin chưa đồng bộ; việc triển khai kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu chuyên ngành giữa các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu còn gặp nhiều khó khăn, bất cập; kiến thức công nghệ thông tin của người sử dụng dịch vụ còn hạn chế. Để thúc đẩy quá trình sử dụng DVCTT mức độ 3 và 4, từ ngày 15/3/2020, hệ thống một cửa điện tử và cung cấp DVCTT của tỉnh đã được triển khai đồng bộ, thống nhất, liên thông đến 100% các cơ quan Nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp huyện, xã. Đây là điều kiện quan trọng để các cơ quan hành chính từ tỉnh đến cơ sở chia sẻ cơ sở dữ liệu trong giải quyết TTHC. Đến nay 100% sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành, thị thực hiện gửi, nhận văn bản điện tử tích hợp chữ ký số thay thế hoàn toàn văn bản giấy. Tính đến tháng 4/2020, tổng số văn bản đến được gửi nhận thông qua hệ thống là 175.221 văn bản; tổng số văn bản đi được phát hành trên Trục liên thông văn bản Quốc gia là 39.471 văn bản. Cùng với đó, các cơ quan, các địa phương cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, bảo đảm các điều kiện cần thiết cho việc triển khai DVCTT mức độ 3 và 4, đồng thời nâng cao năng lực, nghiệp vụ quản lý, sử dụng công nghệ thông tin cho cán bộ chuyên trách để việc xử lý hồ hơ trực tuyến đạt hiệu quả. Đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, để thu hút ngày càng nhiều tổ chức, cá nhân truy cập nộp hồ sơ và nhận kết quả giải quyết TTHC trực tuyến.

Giang Ngân

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/xa-hoi/cai-cach-hanh-chinh/202009/nang-cap-chat-luong-hieu-qua-dich-vu-cong-truc-tuyen-172990