Nâng cấp doanh nghiệp để tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu

Các nền kinh tế lớn đang tích cực tái cấu trúc chuỗi cung ứng, điều này mang lại cả cơ hội và thách thức cho các quốc gia đang phát triển trong việc duy trì vai trò trong chuỗi giá trị toàn cầu. Do đó, Việt Nam cần xây dựng chính sách đồng bộ và tổng thể hỗ trợ doanh nghiệp trong nước kết nối với doanh nghiệp FDI, trong đó, có cơ chế, chính sách nhằm 'nâng cấp' các doanh nghiệp trong nước đủ khả năng tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

Các nền kinh tế lớn đang tích cực tái cấu trúc chuỗi cung ứng

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, chuỗi cung ứng toàn cầu đã và đang đóng vai trò là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cải thiện năng suất, và nâng cao năng lực cạnh tranh của các quốc gia.

Thời gian qua, các biến động địa chính trị, đại dịch Covid-19, cùng những thay đổi trong chiến lược của các tập đoàn đa quốc gia đã làm thay đổi cấu trúc và dòng chảy của chuỗi cung ứng toàn cầu. Các nền kinh tế lớn như Mỹ, EU, Trung Quốc và Ấn Độ đang tích cực tái cấu trúc chuỗi cung ứng theo hướng rút ngắn chuỗi (reshoring), đa dạng chuỗi (diversification), khu vực hóa chuỗi (regionalization) và nhân rộng chuỗi (replication).

 Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Vũ Quang

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Vũ Quang

Tại Hội thảo khoa học quốc gia “Tác động của chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu tới kinh tế Việt Nam” do Đại học Kinh tế quốc dân (NEU) tổ chức ngày 25.12, PGS.TS. Tạ Văn Lợi, Hiệu trưởng Trường Kinh doanh (NEU), sự cạnh tranh của các nước lớn đã tạo nên các chuỗi cung ứng toàn cầu mới. Trong đó, chuỗi cung ứng mới do Mỹ và EU làm chủ dịch chuyển sang các quốc gia có mức tăng trưởng cao và ít lệ thuộc vào Trung Quốc. Điều này tạo ra các chuỗi cung ứng mới về bán dẫn, thiết bị, và hàng công nghệ cao nhằm hạn chế sự sao chép công nghệ của Trung Quốc.

Trong khi đó, chuỗi cung ứng mới do Trung Quốc vươn lên làm chủ theo chính sách “một vành đai, một con đường” tập trung vào năng lực tự chủ và tạo sự cạnh tranh mạnh mẽ với các đối thủ tiềm năng, thậm chí không có Ấn Độ. Bên cạnh đó là chuỗi cung ứng mới do Ấn Độ mong muốn tạo ra nhằm đối trọng với sự dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu mới, đó là “Con đường gia vị” kết nối tới châu Âu mà Ấn Độ mới tuyên bố.

Theo TS. Đinh Lê Hải Hà, Phó Viện trưởng Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế (NEU), sự dịch chuyển chuỗi giá trị toàn không chỉ phản ánh sự chuyển đổi trong chiến lược kinh doanh quốc tế mà còn là thách thức đối với các quốc gia đang phát triển trong việc duy trì vai trò trong chuỗi giá trị toàn cầu. Với Việt Nam, nền kinh tế đang phát triển và ngày càng có vị thế quan trọng trong khu vực, sự chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu mang lại cả cơ hội và thách thức.

“Việt Nam đang nổi lên như một trung tâm sản xuất và lắp ráp lớn nhờ vào các lợi thế vượt trội về vị trí địa lý, chi phí lao động cạnh tranh, và chính sách thu hút đầu tư hiệu quả. Song, để tận dụng tối đa cơ hội từ xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu, Việt Nam cũng cần phải đối mặt và giải quyết nhiều câu hỏi cấp thiết như: Làm thế nào để Việt Nam tận dụng cơ hội từ xu hướng đa dạng hóa chuỗi cung ứng và giảm sự phụ thuộc vào một số thị trường truyền thống? Những ngành công nghiệp nào sẽ chịu ảnh hưởng lớn nhất và cần các chiến lược gì để thích ứng? Các chính sách và giải pháp nào sẽ giúp Việt Nam nâng cao năng lực tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, đồng thời giảm thiểu rủi ro trước các biến động quốc tế?”, TS. Đinh Lê Hải Hà nêu vấn đề.

Các ý kiến tại hội thảo cho rằng, quá trình dịch chuyển mở ra cơ hội cho Việt Nam khẳng định vai trò và vị thế mới trong nền kinh tế thế giới; đồng thời tạo ra thách thức về cải thiện năng lực nội địa hóa, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về lao động, môi trường và chuyển đổi số trong sản xuất. Các yêu cầu về tiêu chuẩn xanh và tính minh bạch trong chuỗi cung ứng ngày càng khắt khe hơn từ các đối tác như Mỹ và EU đòi hỏi Việt Nam phải nâng cao năng lực công nghệ và quản lý.

Bên cạnh đó, việc cạnh tranh với các quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á để thu hút vốn đầu tư nước ngoài, nhất là trong các ngành công nghệ cao và sản xuất linh kiện quan trọng, cũng là một bài toán khó cần lời giải.

Kết nối doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI

TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội), cho biết, những năm qua, khu vực FDI luôn là đầu tàu dẫn dắt xuất khẩu của Việt Nam, tạo đòn bẩy tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Tuy nhiên, tác động lan tỏa của FDI trong chuyển giao công nghệ và hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu còn hạn chế. Các doanh nghiệp nội địa chưa thực sự tham gia sâu vào các chuỗi có giá trị gia tăng cao. Cùng với đó, liên kết sau giữa các doanh nghiệp nội địa và doanh nghiệp FDI mạnh mẽ nhưng mới tập trung ở nhóm ngành có công nghệ thấp, trung bình và nhóm ngành dịch vụ.

Báo cáo về chỉ số hiệu quả FDI của các nước ASEAN cho thấy, về trình độ công nghệ và đổi mới sáng tạo, Việt Nam đứng ở vị trí thấp xếp thứ 90/100, trong đó công nghệ nền tảng (Technology Platform) thứ 92/100, năng lực đổi mới sáng tạo xếp thứ 77/100, FDI và chuyển giao công nghệ xếp thứ 73/100, với đầu tư cho R&D chỉ chiếm 0,2% GDP xếp hạng 84/100.

Để khai thác tối đa các cơ hội của quá trình chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu, TS. Nguyễn Quốc Việt đề xuất xây dựng chính sách đồng bộ và tổng thể hỗ trợ doanh nghiệp trong nước kết nối với doanh nghiệp FDI. Trong đó, có cơ chế, chính sách hỗ trợ về lãi suất, tài chính, tiếp cận các nguồn lực đầu tư để nâng cấp các doanh nghiệp trong nước đủ khả năng tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Doanh nghiệp Việt Nam muốn tham gia chuỗi liên kết với doanh nghiệp FDI thì phải nâng cao năng lực cạnh tranh của mình thông qua đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và hiệu quả quản trị, quản lý…

Về phía Nhà nước, TS. Nguyễn Quốc Việt cho rằng, trên cơ sở quy hoạch tổng thể ngành, vùng, địa phương, cần tiến hành rà soát việc thu hút, sử dụng nguồn vốn FDI để điều chỉnh, cơ cấu lại cho hợp lý. Đồng thời, chiến lược thu hút FDI tập trung ưu tiên các nhà đầu tư chiến lược, tạo lập chuỗi sản xuất toàn cầu, ưu tiên doanh nghiệp công nghệ cao và chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp Việt Nam.

Theo PGS.TS. Tạ Văn Lợi, Hiệu trưởng Trường Kinh doanh (NEU), cần phát triển những công nghệ mới tạo ra nhiều vật liệu, sản phẩm và năng lượng mới, đặc biệt là năng lượng tái tạo và vật liệu nhẹ cho các ngành công nghiệp chủ đạo như ô tô, máy tính, điện tử... Đồng thời, quy hoạch lại “vùng đất hiếm”, loại đất hiếm và có kế hoạch phát triển từng loại đất hiếm. Xây dựng các quỹ đầu tư mạo hiểm, hoặc liên kết tài trợ cho việc đào tạo nhằm nâng cao chất lượng nhân lực, tiếp cận công nghệ thế giới nhanh chóng hơn. Khi đủ năng lực về vốn, công nghệ và quản lý sẽ vươn dần lên trong chuỗi cung ứng, thậm chí trở thành các doanh nghiệp cốt lõi của chuỗi, làm chủ chuỗi sẽ thay đổi được vị thế tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu của Việt Nam.

Vũ Quang

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/nang-cap-doanh-nghiep-de-tham-gia-chuoi-cung-ung-toan-cau-post400328.html