Nâng cấp hạ tầng, chủ động ứng phó thiên tai

Trước tình hình thời tiết ngày càng diễn biến phức tạp, để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai, lũ lụt gây ra, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành cùng với các địa phương trong tỉnh chủ động rà soát, đánh giá hiện trạng các công trình đê điều, hồ đập để từ đó có phương án xử lý kịp thời, bảo đảm an toàn.

Thực trạng

Trên địa bàn tỉnh hiện có 38 công trình thủy lợi, đê điều, hạ tầng kỹ thuật thoát nước với tổng năng lực thiết kế tưới cho 3.891 ha, tiêu thoát nước cho 21.338 ha, gồm: 27 công trình thủy lợi, 3 công trình đê bao và 8 công trình hạ tầng kỹ thuật thoát nước. Các công trình có nhiệm vụ tưới và tiêu, chống lũ phục vụ sản xuất nông nghiệp, tiêu thoát nước vùng hạ lưu các khu công nghiệp, khu dân cư, đô thị trên địa bàn tỉnh.

Hệ thống thoát nước Bình Hòa (TP.Thuận An) đang được đầu tư xây dựng

Tuy thời gian qua Bình Dương không bị ảnh hưởng trực tiếp của các trận bão, áp thấp nhiệt đới, nhưng trên địa bàn tỉnh thường xảy ra một số loại hình thiên tai như mưa dông, lốc xoáy, ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế - xã hội của tỉnh. Thực tế những năm qua, công tác phòng, chống thiên tai (PCTT) được Tỉnh ủy, UBND tỉnh xác định là một trong những nhiệm vụ ưu tiên và xuyên suốt trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, tỉnh đã quan tâm, đầu tư nguồn lực lớn nhằm nâng cấp hệ thống các công trình PCTT. Tính riêng trong năm 2022, khoảng 79 tỷ đồng đã được ngành nông nghiệp triển khai thực hiện các dự án đầu tư, nâng cấp, tu bổ, duy trì và bảo dưỡng đê điều.

Dù vậy, thực tế hiện trạng công trình PCTT của tỉnh vốn còn nhiều vấn đề đáng quan ngại. Hệ thống đê bao, bờ bao ven sông Sài Gòn vẫn chưa được khép kín, hoàn chỉnh nên hiệu quả chống ngập lụt chưa đồng bộ. Các tuyến đê bao, bờ bao được thiết kế, xây dựng đã lâu trong điều kiện thời tiết khí tượng thủy văn chưa phức tạp, quy mô công trình, cao trình thiết kế không bảo đảm ngăn lũ, triều cường trong điều kiện hiện nay.

Các công trình đã được đầu tư xây dựng khá lâu nên một số hạng mục, hệ thống kênh mương đã xuống cấp, chi phí sửa chữa lớn, hiệu quả công trình không cao; diện tích sản xuất nông nghiệp giảm dần, diện tích khu tưới còn lại nằm rải rác trên các tuyến kênh, gây khó khăn cho việc nâng cấp các tuyến kênh. Đặc biệt, hầu hết các công trình hồ chứa đã hết niên hạn sử dụng, các đơn vị quản lý khai thác phải thực hiện kiểm định an toàn đập, đánh giá chất lượng hiện trạng công trình, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền để được kéo dài thời gian sử dụng và thực hiện sửa chữa các hạng mục hư hỏng nhằm bảo đảm an toàn công trình. Bên cạnh đó, một số công trình đầu tư xây dựng đã lâu, chưa đáp ứng được yêu cầu so với nhiệm vụ hiện nay và sau này. Các dự án trục thoát nước chưa được đầu tư đồng bộ.

Bảo đảm hạ tầng

Ông Nguyễn Khánh Trường, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh, cho biết giải pháp phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng PCTT và ứng phó với biến đổi khí hậu thời gian tới là tập trung các nội dung: Phân vùng rủi ro thiên tai đối với từng loại hình thiên tai trên địa bàn tỉnh. Đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp phát triển thủy lợi, đê điều và kết cấu hạ tầng ứng phó thiên tai; phòng chống lũ các tuyến sông có đê. Bảo đảm sự liên kết giữa hệ thống kết cấu hạ tầng PCTT và thủy lợi với hệ thống kết cấu hạ tầng của các ngành, lĩnh vực có liên quan trên địa bàn tỉnh để bảo đảm tính bền vững và hiệu quả của công trình.

Mặt khác, định hướng nhu cầu sử dụng đất phục vụ xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp các công trình thủy lợi, công trình PCTT và các hoạt động bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo tồn sinh thái có liên quan đến phát triển kết cấu hạ tầng PCTT. Trong đó, cần ưu tiên cho các dự án: Nâng cấp các tuyến đê bao hiện có là An Tây - Phú An, Tân An - Chánh Mỹ; xây dựng mới tuyến đê bao Thanh An - Thanh Tuyền và các khu vực như phường Tương Bình Hiệp, Chánh Nghĩa, Phú Thọ (TP. Thủ Dầu Một); đầu tư 4 cống ngăn triều tại các rạch Bà Lụa, Vàm Búng, Lái Thiêu, Vĩnh Bình để khép kín hệ thống đê bao An Sơn - Lái Thiêu.

Ngoài ra, chuyển đổi công năng hồ Đá Bàn, sửa chữa hồ Cần Nôm, nâng cấp, sửa chữa 9 công trình trạm bơm (Tân An, Bạch Đằng, Tân Long, Tân Mỹ 1, Tân Mỹ 2, Thường Tân 1, Thường Tân 2, Bà Cổ, Vũng Gấm); gia cố, nâng cấp bờ bao các tuyến rạch thuộc hệ thống tiêu nước Khu công nghiệp Đồng An - Sóng Thần; xây dựng mới trạm bơm điện phục vụ nhu cầu tưới tại xã Bình Mỹ, Tân Định, Hiếu Liêm (huyện Bắc Tân Uyên). Đồng thời, hoàn thành và đưa vào sử dụng các dự án tiêu thoát nước, như: Dĩ An - Khu công nghiệp Tân Đông Hiệp, Bưng Biệp - Suối Cát, Suối Giữa, nâng cấp kênh tiêu Bình Hòa, đầu tư giải quyết điểm ngập đoạn ngã ba Cống ở đường Thích Quảng Đức, điểm ngập lưu vực rạch Ông Đành (từ Đại lộ Bình Dương đến sông Sài Gòn). Bên cạnh đó, cần tập trung xây dựng hoàn thành công trình phòng, chống sạt lở bảo vệ khu đô thị, khu dân cư tập trung có nguy cơ sạt lở ven sông Đồng Nai (kè chống sạt lở từ cầu Rạch Tre đến Thành ủy Tân Uyên giai đoạn 2; kè chống sạt lở cù lao Rùa xã Thạnh Hội); đầu tư công trình gia cố, phòng chống sạt lở ven sông Đồng Nai, sông Sài Gòn, các dự án di dời dân ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở cao, trồng cây chắn sóng để phòng, chống sạt lở.

Để phát huy hiệu quả của hạ tầng thủy lợi trong PCTT, tỉnh Bình Dương quán triệt quan điểm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với quy hoạch tỉnh, quy hoạch PCTT quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh với mục tiêu: “Chủ động PCTT, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm thiểu tổn thất về người và tài sản của nhân dân và Nhà nước; từng bước xây dựng tỉnh Bình Dương có khả năng quản lý rủi ro thiên tai, cộng đồng, xã hội an toàn trước thiên tai, tạo điều kiện phát triển bền vững kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh”.

THOẠI PHƯƠNG

Nguồn Bình Dương: https://baobinhduong.vn/nang-cap-ha-tang-chu-dong-ung-pho-thien-tai-a294450.html