Nâng cấp kênh Đào: Niềm mong mỏi của người dân

Khoảng 5 năm trở lại đây, kênh Đào (sông Đào) chảy qua địa bàn huyện Phú Bình có một số đoạn đã bị sạt lở.

Kênh Đào (đoạn chạy dọc theo tuyến ĐT269C, thuộc xóm Vạn Già, xã Bảo Lý, huyện Phú Bình) bị sạt lở, khoét sâu vào đường giao thông, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.

Kênh Đào (đoạn chạy dọc theo tuyến ĐT269C, thuộc xóm Vạn Già, xã Bảo Lý, huyện Phú Bình) bị sạt lở, khoét sâu vào đường giao thông, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.

Trên kênh Đào đoạn chảy qua địa bàn xã Bảo Lý, một số vị trí bờ kênh (phần tiếp giáp với đường giao thông) bị sạt lở, tạo thành hố sâu, khoét vào đường đi, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho người và phương tiện lưu thông qua đây.

Ông Dương Văn Thế, Chủ tịch UBND xã Bảo Lý, thông tin: Kênh Đào chảy qua xã có chiều dài hơn 3km, chia địa phương thành miền Bắc Lý và Nam Lý. Kênh chạy dọc theo tuyến đường trục chính của xã và tuyến đường tỉnh (ĐT) 269C. Hàng ngày, lượng người và phương tiện lưu thông qua đây khá lớn, nhất là vào giờ cao điểm, trong khi bờ kênh Đào có kết cấu yếu nên có nguy cơ sạt lở cao. Một số đoạn, bờ kênh đã bị sạt sát vào mép đường bê tông, khiến người dân lo lắng.

Chị T.T.T, ở xóm Vạn Già, xã Bảo Lý, bày tỏ: Gia đình tôi sống ngay sát đường bê tông có kênh Đào chảy song song. Mỗi năm, vào mùa mưa, nước dưới kênh lại dâng cao, cuốn theo một lượng đất nhất định ở ven bờ nên tôi rất lo lắng. Để hạn chế tình trạng sạt lở, tôi đã đắp thêm đất và trồng cây để giữ không cho đất bị trôi. Về lâu dài, chúng tôi mong các cấp, ngành chức năng sớm đầu tư xây kè chống sạt lở hai bên bờ kênh để người dân yên tâm sinh sống, sản xuất.

Tương tự, tại xã Đào Xá, đoạn kênh Đào chảy qua địa bàn dài hơn 9km. Tại một số vị trí, đất ở bờ kênh đã bị sạt lở sát vào mép đường bê tông. Ông Nguyễn Văn Sơn, Trưởng xóm Xuân Đào, xã Đào Xá, cho hay: Trên địa bàn xóm có 2 vị trí kênh bị sạt lở. Tôi nghĩ, nếu tình trạng này kéo dài thì chỉ một thời gian nữa, đường bê tông của xóm sẽ bị cuốn trôi theo dòng nước.

Kênh Đào là kênh chính, thuộc hệ thống thủy nông sông Cầu, được xây dựng từ thời Pháp thuộc. Kênh dài 52km, trong đó đoạn chảy qua địa bàn huyện Phú Bình dài 26,4km (có điểm đầu bắt nguồn từ đập Đá Gân, thuộc xã Đồng Liên, TP. Thái Nguyên và điểm kết thúc ở xã Tân Đức, huyện Phú Bình), phục vụ nước tưới cho gần 3.000ha lúa, hoa màu. Thời gian qua, Nhà nước đã đầu tư xây kè lát mái ở một số vị trí có nguy cơ sạt lở cao trên tuyến kênh, với chiều dài 5,5km. Do vậy, hiện tại vẫn còn hơn 20km là kênh đất.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Lục Văn Đại, Giám đốc Xí nghiệp khai thác công trình thủy lợi Phú Bình, cho biết: Hàng năm, chúng tôi đều đề nghị Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi Nam Sông Thương bố trí kinh phí để sửa chữa nhỏ trên kênh Đào (như nạo vét, thay cống…) nhằm khơi thông dòng chảy, giúp bà con có đủ nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, vì kênh là công trình liên tỉnh nên các dự án lớn triển khai trên công trình đều do Bộ Nông nghiệp và PTNT làm chủ đầu tư. Do đó, chúng tôi đề nghị cấp trên quan tâm đầu tư xây dựng kè lát mái tại những vị trí kênh bị sạt lở và có nguy cơ sạt lở cao, giúp người dân ổn định cuộc sống.

Tìm hiểu chúng tôi được biết, ngày 22/2/2023, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã có Quyết định số 678/QĐ-BNN-TL phê duyệt Dự án sửa chữa, nâng cấp hệ thống thủy lợi thác Huống tỉnh Bắc Giang - Thái Nguyên với tổng mức đầu tư 350,5 tỷ đồng (từ nguồn ngân sách Trung ương do Bộ Nông nghiệp và PTNT quản lý). Dự án được giao cho Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi Nam Sông Thương làm chủ đầu tư.

Theo thiết kế, Dự án sẽ đầu tư kè lát mái những đoạn kênh xung yếu thuộc địa phận tỉnh Thái Nguyên, với tổng chiều dài gần 10km. Mái kênh được gia cố bằng cấu kiện bê tông M200; nền dầm chân mái được xử lý bằng cọc tre dài 2m, mật độ 16 cọc/m2 đối với đoạn dầm chân mái kè đặt trên lớp đất yếu 2a. Mặt cắt kênh thiết kế có chiều rộng đáy 11m, hệ số mái 1,5. Ngoài ra, Dự án còn đầu tư nạo vét kênh Đào, xây dựng mới 7 cống điều tiết nước trên kênh Trôi, N3, N5; sửa chữa 9 cống tiêu luồn qua kênh chính…

Có thể khẳng định, những băn khoăn, lo lắng và nguyện vọng của người dân huyện Phú Bình mong Nhà nước sớm đầu tư xây dựng kè lát mái tại những vị trí trên kênh Đào đã bị sạt lở và có nguy cơ sạt lở là cấp thiết. Vì vậy, đề nghị các cấp, ngành, đơn vị chức năng sớm triển khai dự án sửa chữa, nâng cấp kênh để người dân yên tâm sản xuất, đi lại.

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/thoi-su-trong-tinh/202307/nang-cap-kenh-dao-niem-mong-moi-cua-nguoi-dan-8e31fd1/