Hiện nay, S-125-2TM Pechora-2TM là một trong những hệ thống phòng không chủ lực, hiện đại của bộ đội phòng không Việt Nam. Đây là gói nâng cấp tối tân do Belarus chuyển giao công nghệ cho ta thực hiện cập nhật nâng cấp toàn diện các hệ thống tên lửa S-125 Pechora (SA-3) do Liên Xô (cũ) viện trợ.
Dự án S-125-2TM được triển khai thực hiện ở nước ta từ năm 2008. Sau nâng cấp, các tổ hợp vũ khí sở hữu khả năng tương đương hệ thống tên lửa hiện đại đó là đủ sức chống lại các cuộc tập kích đường không bằng vũ khí công nghệ cao trong môi trường gây nhiễu điện tử mạnh. Hệ thống cho phép tiêu diệt các mục tiêu ở độ cao thấp, các mục tiêu có diện tích phản xạ sóng radar (RCS) nhỏ.
Tuy nhiên, có một điều lạ là, mặc dù trải qua nâng cấp hiện đại, thay thế nhiều hệ thống điện tử kiểu analog bằng kỹ thuật số, cơ giới hóa đáng kể các khí tài hỗ trợ cũng như radar, thế nhưng không hiểu sao chúng ta không tự hành bệ phóng tên lửa. Thay vào đó, bệ phóng S-125-2TM Pechora-2TM vẫn đặt cố định thay vì di động. Ảnh: Báo Phòng không Không quân.
Rõ ràng là trong tác chiến hiện đại ngày nay, hệ thống tên lửa có khả năng di động lợi thế hơn nhiều tên lửa cố định. Với hệ thống tên lửa di động, người ta có thể triển khai – thu hồi nhanh chóng, cơ động tới nhiều trận địa trong chốc lát, lẩn tránh các biện pháp áp chế phòng không (SEAD) của đối phương.
Thực tế, hiện nay Việt Nam nếu trong điều kiện cho phép vẫn dễ dàng nâng cấp S-125-2TM tự hành hoàn chỉnh. Trong ảnh là bệ phóng tổ hợp tên lửa phòng không S-125-2M Pechora-2M – gói nâng cấp do công ty Nga thực hiện.
Với phương án Pechora-2M, bệ phóng 5P73 của S-125 Pechora nguyên bản bỏ đi bớt 2 ray phóng (tổng cộng 4 ray phóng) để giảm kích thước bề rộng cũng như giảm trọng lượng.
Sau đó, bệ phóng được đặt lên khung gầm xe vận tải hạng nặng 6x6 bánh với sàn công tác được sửa lại đáng kể. Ví dụ như nó được lắp thêm khung thép để bảo vệ thân xe tải khi mà tên lửa S-125 kích hoạt động cơ chính phun lửa thẳng vào bệ phóng.
Ngoài bệ phóng, tất cả các thành phần khí tài còn lại như đài radar dẫn bắn SNR-125, các xe cabin điều khiển cũng được cơ giới hóa hoàn chỉnh.
Cận cảnh anten radar SNR-125-2M Pechora-2M, hệ thống này cũng sẽ trải qua nâng cấp lớn thích nghi với tác chiến hiện đại. Trên phiên bản S-125-2TM của Việt Nam thì đài điều khiển SNR-125-2TM tăng phạm vi bắt mục tiêu diện tích phản xạ sóng radar (RCS) 0,02m2 lên 100km (trước nâng cấp chỉ là 80km). Thời gian để khóa một mục tiêu nguy hiểm trong nhóm mục tiêu phát hiện được chỉ mất 3 giây.
Radar Pechora-2TM có khả năng theo dõi đồng thời 2 mục tiêu cùng lúc, dẫn đường tiêu diệt cả 2 mục tiêu bằng 2 tên lửa hoặc một mục tiêu bằng 2 tên lửa. Ngoài ra, đài SNR-125-2TM được bổ sung thêm tổ hợp ngắm quang – điện tử cho phép phát hiện mục tiêu cỡ máy bay tiêm kích ở cự ly 40km. Trong ảnh là cabin hiện đại hóa của hệ thống Pechora-2M biên chế trong Quân đội Mông Cổ.
Nhìn chung tính năng của Pechora-2TM không thua kém mấy phiên bản nâng cấp Pechora-2M của Nga, có chăng nó thiếu đi khả năng cơ động bệ phóng. Việc kết hợp những ưu điểm của Pechora-2TM và Pechora-2M sẽ giúp Việt Nam bảo vệ bầu trời tốt hơn nữa.
Đạn tên lửa 5V27 của hệ thống Pechora-2TM cho phép diệt mục tiêu ở tầm bắn xa đến 35km, tầm cao đạt 25km (chưa nâng cấp là 18km), đánh chặn mục tiêu di chuyển tốc độ 900m/s. Hệ thống S-125-2TM có xác suất tiêu diệt mục tiêu máy bay chiến thuật từ 85-96%, tên lửa hành trình đạt từ 30-80%, trực thăng đạt 40-85%.
Video Tên lửa Việt Nam S-125 Pechora - Nguồn: QPVN
Hoàng Lê