Nâng 'chất' cho vùng lúa thâm canh
Tính đến năm 2022, toàn tỉnh đã phát triển được hơn 158.000 ha lúa thâm canh. Định hướng phát triển của tỉnh cho vùng lúa thâm canh là duy trì ổn định về quy mô, diện tích. Đồng thời, tập trung nâng 'chất' cho diện tích lúa thông qua việc thực hiện các giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả.
Diện tích lúa thâm canh được áp dụng kỹ thuật canh tác tiên tiến tại xã Yên Phong (Yên Định).
Để nâng “chất” cho vùng lúa thâm canh, thời gian qua, ngành nông nghiệp cùng UBND các huyện, thị xã, thành phố đã và đang huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng, nâng cấp, từng bước hoàn thiện hệ thống giao thông, kênh mương nội đồng, các công trình thủy lợi đầu mối; kiên cố hóa các kênh tưới liên xã, liên huyện; kênh nội đồng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng cơ giới hóa đồng bộ, bảo đảm yêu cầu tưới, tiêu khoa học. Cơ cấu các giống lúa lai, lúa thuần mới đạt năng suất, chất lượng cao vào gieo trồng, nhiều huyện còn thực hiện mô hình cánh đồng 1 giống lúa được gieo cấy cùng thời điểm để hạn chế sâu, bệnh. Khuyến khích, hướng dẫn bà con nông dân ứng dụng quy trình tưới tiết kiệm, sản xuất theo hướng hữu cơ, quản lý dịch hại tổng hợp, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc “4 đúng”, “3 giảm, 3 tăng” và sử dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, sử dụng phân bón theo nguyên tắc 5 đúng 1 cân đối. Đồng thời, bố trí cơ cấu thời vụ hợp lý, quy trình kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh bảo đảm an toàn thực phẩm. Ngoài ra, nhiều huyện còn chủ động thu hút doanh nghiệp liên kết sản xuất, bao tiêu lúa giống, lúa thương phẩm, tạo ra những cánh đồng liên kết sản xuất lúa, bảo đảm hiệu quả kinh tế ổn định cho diện tích lúa thâm canh.
Những năm gần đây, nhiều giống lúa mới có năng suất và chất lượng cao, thích ứng với biến đổi khí hậu đã được đưa vào sản xuất đạt năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao. Theo thống kê của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, hiện tỷ lệ sử dụng các giống lúa tiến bộ kỹ thuật đạt 90%; trong đó, diện tích sử dụng lúa lai ước đạt 102.500 ha, chiếm 44% diện tích lúa toàn tỉnh; lúa chất lượng cao đạt 67.000 ha, chiếm 28,7%. Cơ cấu sản xuất lúa lai, lúa năng suất, chất lượng cao duy trì trên 60% diện tích trong vụ đông xuân và 40% diện tích trong vụ thu mùa, cơ cấu mùa vụ duy trì trên 85% diện tích lúa trà xuân muộn và 90% mùa sớm. Ngoài ra, có đến hàng chục nghìn ha lúa được áp dụng kỹ thuật canh tác tiên tiến. Những yếu tố này góp phần quan trọng giúp cho năng suất bình quân của vùng lúa thâm canh đạt 65 tạ/ha/vụ, cao hơn 5,6 tạ/ha/vụ so với năng suất bình quân của diện tích sản xuất lúa đại trà.
Quá trình nâng “chất” cho vùng lúa thâm canh, nhiều địa phương đã xây dựng được vùng lúa đạt năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao. Đơn cử như huyện Yên Định, trên diện tích 17.000 ha thuộc vùng lúa thâm canh, thì có tới 30% diện tích được áp dụng kỹ thuật canh tác tiên tiến, cơ giới hóa đồng bộ. Trong quá trình chăm bón, diện tích này được bà con nông dân sử dụng kết hợp phân hữu cơ vi sinh kết hợp với lân, phân đạm vàng theo tỷ lệ cân đối và vôi bột để bón cho lúa và sử dụng phun thuốc trừ cỏ kết hợp với nhổ cỏ còn sót. Ông Nguyễn Văn Hiếu, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Yên Định, cho biết: Việc áp dụng kỹ thuật canh tác tiên tiến giúp bà con nông dân giảm 20 đến 25% chi phí, năng suất đạt cao hơn khoảng 20% so với diện tích lúa sản xuất đại trà.
Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nâng chất cho vùng lúa thâm canh không những góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cho diện tích trồng lúa trên địa bàn tỉnh, mà còn góp phần thay đổi bộ giống sản xuất theo hướng tích cực. Đồng thời, thay đổi tư duy sản xuất, nâng cao trình độ sản xuất cho các hộ dân. Đây cũng là tiền đề để ngành nông nghiệp trong tỉnh thực hiện mục tiêu giá trị sản xuất lúa gạo đạt 7.460 tỷ đồng/năm.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/nang-chat-cho-vung-lua-tham-canh/156605.htm