Nâng chất lượng cai nghiện, đào tạo nghề cho học viên

Ngay khi tiếp nhận học viên, Cơ sở Cai nghiện ma túy (CNMT) số 1 Hà Nội tổ chức khám sàng lọc, phân loại sức khỏe và mức độ nghiện để có phác đồ điều trị phù hợp; đồng thời tổ chức đào tạo nghề, lao động trị liệu cho học viên.

Phác đồ điều trị cai nghiện ma túy cho từng học viên

Năm 2023, Cơ sở CNMT số 1 Hà Nội được Sở LĐTB&XH Hà Nội giao thực hiện cai nghiện bắt buộc cho 212 học viên. Tính đến đầu tháng 8/2023, Cơ sở đã tiếp nhận 159 học viên, đạt 75% kế hoạch năm. Phó Giám đốc Cơ sở CNMT số 1 Hà Nội Tô Văn Thật cho biết: Để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cai nghiện, phục hồi cho người cai nghiện, ngay từ cuối năm 2022, Cơ sở đã ban hành Kế hoạch công tác năm 2023. Cơ sở đã thực hiện tốt các hoạt động như: Cơ sở bố trí cán bộ ứng trực 24/24h để tiếp nhận người vào cai nghiện; tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các cơ quan đưa người nghiện ma túy vào cai nhanh gọn.

Học viên Cơ sở Cai nghiện ma túy số 1 Hà Nội lao động trị liệu bằng việc gia công giá gỗ để giầy, dép. Ảnh: Trần Oanh

Học viên Cơ sở Cai nghiện ma túy số 1 Hà Nội lao động trị liệu bằng việc gia công giá gỗ để giầy, dép. Ảnh: Trần Oanh

100% người đi cai nghiện khi được tiếp nhận vào Cơ sở đều được đơn vị khám sàng lọc, phân loại sức khỏe và mức độ nghiện. Đây là căn cứ để đơn vị xây dựng kế hoạch, phác đồ triều trị cai nghiện phù hợp với từng học viên để mang lại hiệu quả nhất.

Trong thời gian cai nghiện, tất cả các học viên đều được chăm sóc sức khỏe thường xuyên. Nếu học viên nào mắc bệnh thông thường sẽ được đội ngũ y, bác sĩ tại cơ sở khám điều trị kịp thời. Trường hợp học viên bị bệnh nặng, vượt quá khả năng điều trị của đơn vị thì cơ sở sẽ chuyển bệnh nhân ra các bệnh viện tuyến trên để điều trị.

Trong thời gian điều trị tại Cơ sở CNMT số 1 Hà Nội, học viên được tham gia nhiều hoạt động điều trị phục hồi như rèn luyện sức khỏe; được tập trên các máy chạy bộ, máy đạp xe, tập thể hình để nâng cao thể trạng. Ngoài ra, học viên được tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao; được tư vấn về tâm lý, kỹ năng sống tích cực, kỹ năng học nghề, học văn hóa, học chuyên đề sửa đổi hành vi nhân cách. Cơ sở cũng giáo dục cho học viên chuyên đề về tác hại ma túy, nhận thức được kỷ luật lao động, nội quy lao động, kiến thức và kỹ năng để tái hòa nhập cộng đồng, phòng chống tái nghiện…

Và một trong những điều quan trọng nhất là Cơ sở tổ chức lao động trị liệu thông qua lao động để quản lý học viên. Và qua đây, học viên biết được giá trị của sức lao động cũng như sản phẩm mình làm ra cho xã hội; đây cũng là một tiêu chí để nâng cao sức khỏe. Do sự kết hợp điều trị cai nghiện, đào tạo nghề, lao động trị liệu cộng với chế độ sinh hoạt hợp lý, phù hợp với từng đối tượng nên sức khỏe của học viên được cải thiện rõ rệt so với những ngày đầu mới vào Cơ sở cai nghiện và từ đó yên tâm cai nghiện.

Chú trọng đào tạo nghề và truyền nghề thủ công

Sau khi học viên hết thời gian CNMT hòa nhập cộng đồng thì rất cần việc làm để có thu nhập, ổn định cuộc sống. Xác định được yếu tố quan trọng này để tránh tái nghiện, Cơ sở CNMT số 1 Hà Nội đang đào tạo nghề tại chỗ và phối hợp với Trung tâm dạy nghề của huyện Ba Vì mở lớp đào tạo cho học viên nghề May, Hàn, có cấp chứng chỉ.

Ngoài ra, Cơ sở phối hợp với các công ty tổ chức truyền nghề thủ công (May, Hàn, Điện tử, Mộc) cho học viên. “Đây là những nghề đang rất phổ thông để sau khi hết thời gian cai nghiện tại Cơ sở, học viên hòa nhập cộng đồng có thể kiếm được việc làm, có thu nhập, tự nuôi sống bản thân” – ông Tô Văn Thật cho hay.

Để giúp học viên rèn luyện kỹ năng tay nghề, hiện tại, Cơ sở CNMT số 1 Hà Nội phối hợp với các công ty tổ chức cho học viên làm sản phẩm tại đơn vị và có trả tiền công theo quy định. Cụ thể, học viên học nghề Mộc được gia công giá gỗ để giầy, dép…; học viên học nghề điện tử được gia công cầu dao điện… Cơ sở còn liên hệ với các công ty xuất nhập khẩu hoa quả, nhận nguyên liệu về cho học viên dán túi. 100% sản phẩm xuất xưởng đều đạt yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng kỹ thuật của DN, không bị trả lại.

Trước khi học viên hòa nhập cộng đồng, Cơ sở CNMT số 1 đã tổ chức các buổi tư vấn tại các đội. Cơ sở còn phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tổ chức Hội nghị Tư vấn hướng nghiệp, học nghề, giới thiệu việc làm cho học viên trước khi trở về cộng đồng.

Theo đánh giá của lãnh đạo Cơ sở CNMT số 1 Hà Nội, nhiều học viên có nhu cầu được biết thông tin về thị trường lao động có những nghề gì đang cần nhiều người lao động. Trong buổi tư vấn, nhiều học viên đã mạnh dạn trao đổi, chia sẻ với tư vấn viên khó khăn gặp phải để tìm hướng đi sau khi tái hòa nhập cộng đồng.

Vừa bước ra khỏi bàn tư vấn trực tiếp, học viên D.V.H đến từ Đội 2 chia sẻ: 1 tháng nữa là em hoàn thành cai nghiện bắt buộc. Thời gian cai nghiện ở Cơ sở, em được tham gia các hoạt động nên sức khỏe cải thiện, tinh thần thoải mái; được học nghề May và làm sản phẩm có thu nhập. Em được cán bộ tư vấn khi về cộng đồng thì đến Sàn giao dịch việc làm Ứng Hòa – nơi gia đình em ở đó, để được giới thiệu miễn phí công việc phù hợp.

Từ nay đến cuối năm 2023, Cơ sở CNMT số 1 Hà Nội luôn chuẩn bị sẵn sàng tiếp nhận các học viên từ các địa phương để đạt chỉ tiêu được giao. Đồng thời, đơn vị làm tốt công tác quản lý và giáo dục học viên; đào tạo nghề cho học viên đạt 100% chỉ tiêu; nâng cao hiệu quả, năng suất các hoạt động làm nghề, lao động sản xuất tăng nguồn thu cho đơn vị…

Trần Oanh

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/nang-chat-luong-cai-nghien-dao-tao-nghe-cho-hoc-vien.html