Nâng chất lượng cung ứng dịch vụ công
Từ tháng 7 đến tháng 12-2023, thành phố Hà Nội sẽ tiến hành 'khảo sát, đo lường và nghiên cứu, phân tích sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với một số dịch vụ công' và 'đo lường Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với các sở, cơ quan tương đương sở và UBND các quận, huyện, thị xã thuộc thành phố năm 2023'. Kết quả đo lường là cơ sở để nắm bắt nhu cầu, mong muốn của người dân, tổ chức, doanh nghiệp, qua đó nghiên cứu, phân tích, đề xuất các giải pháp phù hợp để cải thiện, nâng cao chất lượng cung
Bộ phận “một cửa” UBND xã Ninh Sở (huyện Thường Tín) được niêm yết thủ tục hành chính rõ ràng để người dân tiện theo dõi. Ảnh: Hiền Chi.
Chỉ số SIPAS chưa đồng đều
Theo thông tin từ Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội, kết quả khảo sát, đo lường Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các sở, ngành, đơn vị trên địa bàn thành phố (Chỉ số SIPAS) năm 2022 cho thấy: Người dân, tổ chức đánh giá cao sự phục vụ của các sở, cơ quan tương đương sở và UBND quận, huyện, thị xã thuộc thành phố. Đối với khối sở, kết quả Chỉ số SIPAS trung bình năm 2022 đạt 90,19%, tăng 1,07% so với năm 2021; khối huyện, kết quả Chỉ số SIPAS trung bình năm 2022 đạt 93,49%, tăng 2,4% so với năm 2021.
Mặc dù kết quả Chỉ số hài lòng chung các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố đạt được kết quả đáng ghi nhận, tuy nhiên vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Đó là kết quả Chỉ số SIPAS giữa các đơn vị trong khối không đồng đều. Tại khối sở, khoảng cách kết quả trung bình Chỉ số SIPAS năm 2022 của đơn vị đạt cao nhất (Văn phòng UBND thành phố là 97,62%) và đơn vị đạt thấp nhất (Sở Thông tin và Truyền thông là 73,69%) là 23,93%. Tại khối quận, huyện, thị xã, khoảng cách kết quả trung bình Chỉ số SIPAS năm 2022 của đơn vị đạt cao nhất (UBND huyện Mỹ Đức là 99,36%) và đơn vị đạt thấp nhất (UBND quận Hai Bà Trưng là 76,55%) là 22,81%.
Trong số 12 quận, khoảng cách đơn vị đạt cao nhất (UBND quận Long Biên là 99,27%) và đơn vị đạt thấp nhất (UBND quận Hai Bà Trưng là 76,55%) là 22,72%; đối với 18 huyện, thị xã, khoảng cách đơn vị đạt cao nhất (UBND huyện Mỹ Đức là 99,36%) và đơn vị đạt thấp nhất (UBND huyện Thạch Thất là 84,95%) là 14,41%.
Qua khảo sát cho thấy, các cơ quan, đơn vị, địa phương cần tiếp tục tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong việc triển khai nhiệm vụ, giải pháp hiệu quả nhằm cải thiện, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công.
Nhằm thực hiện có hiệu quả việc đo lường sự hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với sự phục vụ của các sở, cơ quan tương đương sở, UBND các quận, huyện, thị xã, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 120/KH-UBND ngày 14-4-2023 về khảo sát, đo lường và nghiên cứu, phân tích sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với một số dịch vụ công (Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; cấp phép xây dựng; dịch vụ y tế công; dịch vụ giáo dục công trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2023) và Kế hoạch số 121/KH-UBND ngày 14-4-2023 về đo lường Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với các sở, cơ quan tương đương sở và UBND các quận, huyện, thị xã thuộc thành phố năm 2023.
Phương pháp khoa học, sát thực tế
Thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội đã cụ thể hóa Kế hoạch số 120/KH-UBND và Kế hoạch số 121/KH-UBND. Theo đó, đối với nội dung “Khảo sát, đo lường và nghiên cứu, phân tích sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với một số dịch vụ công”, đối tượng khảo sát là cá nhân, người đại diện tổ chức trực tiếp thực hiện giao dịch, đã nhận kết quả, trực tiếp trải nghiệm, sử dụng các dịch vụ y tế, giáo dục từ ngày 1-1-2023 đến thời điểm khảo sát. Địa điểm khảo sát là Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội và chi nhánh đặt ở các quận, huyện, thị xã; bộ phận “một cửa” Sở Xây dựng và UBND các quận, huyện, thị xã; các cơ sở giáo dục công lập, cơ sở y tế công lập. Tổng phiếu khảo sát trực tiếp năm 2023 đối với 4 dịch vụ công (Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; cấp phép xây dựng; dịch vụ y tế công; dịch vụ giáo dục công) là 12.900 phiếu...
Đối với nội dung “Đo lường Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các sở, cơ quan tương đương sở, UBND các quận, huyện, thị xã thuộc thành phố năm 2023”, đối tượng khảo sát là cá nhân, đại diện tổ chức đã trực tiếp thực hiện giao dịch và nhận kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận “một cửa” của cơ quan, đơn vị, địa bàn được khảo sát từ ngày 1-1-2023 đến thời điểm khảo sát. Đơn vị được khảo sát là 22 sở, cơ quan tương đương sở, 30 quận, huyện, thị xã. Khảo sát trực tiếp tại bộ phận “một cửa”. Số phiếu khảo sát đối với các sở, cơ quan tương đương sở là 2.550 phiếu, đối với UBND các quận, huyện, thị xã là 9.000 phiếu…
Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội Lê Ngọc Anh, Viện phân công 132 cán bộ, công chức, viên chức và cộng tác viên khảo sát tại 52 đơn vị; tổ chức 3 đoàn khảo sát, thành phần mỗi đoàn gồm khoảng 45 người, đồng thời mời 33 giảng viên, chuyên viên, sinh viên Trường Đại học Thủ đô Hà Nội phối hợp thực hiện nhiệm vụ.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh cho rằng, công tác khảo sát, đo lường là rất cần thiết và đề nghị cần có phương pháp tổ chức khoa học, sát thực tế, không ngừng đổi mới, cải tiến về nội dung; đặc biệt, sau mỗi lần khảo sát cần khen thưởng các điển hình làm tốt...
Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/nang-chat-luong-cung-ung-dich-vu-cong-623600.html