Nâng chất lượng 'đầu vào' lớp 10 ở vùng khó khăn
Trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 những năm gần đây, nhiều trường THCS vùng khó khăn của tỉnh có số lượng học sinh trúng tuyển thấp. Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) chỉ đạo nâng cao chất lượng dạy và học bậc THCS, yêu cầu các trường đổi mới công tác giảng dạy ở từng bộ môn, khối lớp.
Phân loại học lực, củng cố kiến thức
Theo đánh giá của Sở GD&ĐT, kết quả các bài thi Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 ở nhiều trường khu vực miền núi, vùng khó khăn ở mức thấp. Trong kỳ thi vào lớp 10 năm 2023, toàn tỉnh có hơn 11,7 nghìn bài thi đạt điểm từ 5 trở xuống (Ngữ văn 1.358 bài, Toán 3.410 bài, Tiếng Anh 7.020 bài).
Tiếng Anh là môn có phổ điểm trung bình thấp nhất trong kỳ thi vào lớp 10 ở nhiều trường THCS. Môn Toán có 115 học sinh đạt điểm từ 1 trở xuống. Tổng điểm 3 môn thi vào lớp 10 dưới 5, tập trung nhiều ở một số trường tại xã khó khăn của các huyện Sơn Động, Lục Ngạn. Vì vậy, điểm chuẩn vào lớp 10 ở một số trường THPT ở mức rất thấp như: THPT Sơn Động số 3 (9 điểm); THPT Lục Ngạn số 4 (9,38 điểm); THPT Sơn Động số 2 (9,95 điểm).
Để cải thiện chất lượng đầu vào lớp 10 THPT công lập, Trường THCS Giáo Liêm (Sơn Động) chú trọng nâng chất lượng dạy và học các môn: Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh ngay từ đầu năm học cuối cấp. Theo phân bố chương trình lớp 9, môn Tiếng Anh học 3 tiết/tuần, môn Toán và Ngữ văn 4 tiết/tuần. Các tổ chuyên môn phân công giáo viên ôn tập, củng cố kiến thức cho học sinh sau từng bài giảng, giao bài tập nâng dần độ khó.
Nhiều năm gần đây, chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 THPT không thay đổi. Mỗi năm, toàn tỉnh tuyển khoảng 16 nghìn học sinh vào lớp 10 THPT công lập và 3,5 nghìn em vào lớp 10 THPT ngoài công lập.
Thầy giáo Đỗ Xuân Huấn, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Nhà trường giảng dạy bám sát khung chương trình ở từng môn học, nhất là môn Tiếng Anh cho học sinh ngay từ khi vào lớp 6 để các em có nền tảng kiến thức vững vàng, tiếp tục phát huy ở những năm tiếp theo. Ngoài các tiết học chính khóa, chúng tôi chia học sinh ở từng khối lớp thành 2 nhóm để phụ đạo, ôn tập cho phù hợp với lực học của các em”.
Tương tự, Trường THCS Phong Vân (Lục Ngạn) chủ trương dạy kiến thức cơ bản, bồi dưỡng nâng cao tùy theo lực học của các em. Với sự hướng dẫn của thầy, cô giáo, ngoài giờ chính khóa, học sinh dành nhiều thời gian tự học. Năm học này, nhà trường có 470 học sinh. Cùng với việc định hướng phân luồng sớm, những em có nguyện vọng tiếp tục học THPT sẽ được giáo viên bổ trợ kiến thức, phấn đấu đạt nguyện vọng vào lớp 10 các trường công lập.
Kinh nghiệm của nhiều giáo viên ôn luyện cho học sinh có lực học trung bình là khi giao bài tập về nhà, thầy, cô thường xuyên yêu cầu các em làm bài kiểm tra theo cấu trúc đề thi vào lớp 10, sau đó chữa bài và chấm điểm để các em tự đánh giá lực học, lựa chọn đăng ký dự thi vào trường THPT phù hợp.
Tăng cường bồi dưỡng đội ngũ giáo viên
Cùng với củng cố kiến thức, các trường THCS đều quan tâm phân luồng, hướng nghiệp cho học sinh. Tùy theo lực học và nhu cầu, nguyện vọng, giáo viên hướng dẫn các em ôn tập để dự thi vào THPT hoặc theo hướng vừa học văn hóa, vừa học nghề hệ 9+. Đối với các trường THCS có học sinh thi vào lớp 10 đạt điểm thấp, Phòng GD&ĐT các huyện tiếp tục yêu cầu các nhà trường rà soát, bố trí giáo viên giảng dạy phù hợp, thường xuyên tổ chức sinh hoạt chuyên môn cho giáo viên có năng lực chia sẻ kinh nghiệm trong giảng dạy, ôn tập với đồng nghiệp để có những giờ giảng hiệu quả hơn.
Ông Chu Bá Hưng, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Sơn Động cho biết: “Phòng đưa giáo viên cốt cán ở các môn Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh tăng cường về các trường xa trung tâm như: Tiểu học và THCS Phúc Sơn số 2; THCS An Bá; THCS An Lạc; THCS Giáo Liêm. Khắc phục tình trạng học sinh chưa đạt kết quả cao ở môn Tiếng Anh, các trường tạo điều kiện cho tất cả học sinh từ lớp 1 có nhu cầu được học Tiếng Anh dưới hình thức môn học tự chọn, mặc dù từ lớp 3 môn học này mới giảng dạy bắt buộc”.
Quyết tâm nâng chất lượng giáo dục ở những khu vực khó khăn, trong giai đoạn 2019-2025, UBND tỉnh bố trí hơn 3 nghìn tỷ đồng đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và 496,1 tỷ đồng mua sắm thiết bị, đồ dùng giảng dạy cho các trường. Năm học 2023-2024, huyện Lục Ngạn đưa vào sử dụng 144 phòng học mới; huyện Sơn Động hoàn thành xây mới và cải tạo 40 phòng học. Đến nay, trên địa bàn huyện Sơn Động có 100% phòng học bậc THCS đã được xây dựng kiên cố, tất cả các bậc học không còn phòng học tạm.
Mới đây, ngôi trường khó khăn nhất của huyện Sơn Động là Trường Tiểu học và THCS Phúc Sơn số 2 vừa khánh thành, đưa vào sử dụng khu nhà bán trú khang trang với 12 phòng khép kín và nhà ăn. Nhờ vậy, các em nhà xa được học 2 buổi/ngày không còn phải đi lại vất vả, tập trung nâng chất lượng học. Còn ở huyện Lục Nam, UBND xã Trường Sơn chủ trương mở con đường mới từ thôn Vua Bà về trung tâm xã, gần hơn đường cũ khoảng 7 km. Trong thời gian tới, các em ở những vùng khó khăn nhất có thể về trung tâm học tập thuận tiện.
Ông Bạch Đăng Khoa, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh cho biết: “Sở yêu cầu các nhà trường chủ động xây dựng kế hoạch giảng dạy, tổ chức các hoạt động giáo dục phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường theo hướng sắp xếp lại nội dung bài giảng, đổi mới phương pháp; rèn học sinh biết vận dụng kiến thức liên môn vào luyện tập, thực hành, phát huy tính chủ động, tích cực, tự học của các em. Ngành Giáo dục tiếp tục bồi dưỡng nghiệp vụ, nâng chất lượng đội ngũ, nhất là các trường vùng khó khăn.
Bố trí tăng cường đội ngũ giáo viên có trình độ chuyên môn tốt về giảng dạy tại những trường có chất lượng giáo dục chưa cao theo năm học. Mỗi cán bộ, giáo viên chủ động đổi mới phương pháp dạy học, chú trọng đầu tư cho bài giảng và đánh giá chính xác lực học của học sinh để có phương pháp bồi dưỡng phù hợp”.
Bài, ảnh: Minh Thu