Nâng chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh
Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong công tác cải cách hành chính (CCHC) những năm gần đây của Lâm Đồng; đặc biệt là trong giai đoạn 2016 - 2020.
Bài 1: Mỗi năm đào tạo, bồi dưỡng cả ngàn người
Trung bình mỗi năm hàng nghìn cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) trong tỉnh được cử tham dự các chương trình đào tạo, bồi dưỡng của tỉnh hoặc cử đi học tại các trường cao đẳng, đại học, học viện, kể cả trong nước lẫn nước ngoài.
Đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực cho tỉnh là một trong những nhiệm vụ quan trọng được Lâm Đồng lâu nay thực hiện khá hiệu quả, coi đây là một động lực để xây dựng địa phương ngày càng phát triển.
Trong tháng 4 năm 2017, ngành chức năng tỉnh đã tham mưu Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về đào tạo, phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tỉnh Lâm Đồng cho giai đoạn 2017 - 2020 và định hướng đến năm 2025.
Trên cơ sở nghị quyết của Tỉnh ủy, UBND tỉnh sau đó đã ban hành Kế hoạch số 5713/KH-UBND ngày 30/8/2017 về đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC và người lao động tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2025, đồng thời hằng năm phê duyệt các kế hoạch về đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC để các ngành, các cấp, các địa phương triển khai thực hiện.
Tính từ năm 2016 đến năm 2020, tỉnh đã cử nhiều lượt CBCCVC đi đào tạo nâng cao trình độ về chuyên môn, lý luận chính trị, ngoại ngữ, tin học nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác ngày càng tốt hơn.
Về chuyên môn, theo Sở Nội vụ Lâm Đồng, tỉnh trong 5 năm qua đã cử đi đào tạo trên đại học 639 người; đào tạo đại học 1.626 người; cao đẳng, trung cấp 303 người. Về lý luận chính trị, tỉnh đã cử đi đào tạo cao cấp 450 người, trung cấp 5.194 người. Về quản lý nhà nước có 49 người được cử đi đào tạo chuyên viên cao cấp; đào tạo chuyên viên chính 1.227 người, đào tạo chuyên viên 3.782 người, đào tạo cán sự 499 người, bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo 418 người; bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh 2.634 người. Tỉnh cũng cử đi đào tạo ngoại ngữ 684 người, tin học 705 người; đào tạo tiếng dân tộc thiểu số cho 1.595 người.
Trong 5 năm qua, toàn tỉnh cũng đã tổ chức rất nhiều lớp bồi dưỡng cho tổng cộng trên 18.500 lượt CBCCVC tham gia nâng cao chuyên môn theo yêu cầu vị trí việc làm, theo chức danh lãnh đạo, quản lý; nâng cao kỹ năng lãnh đạo, kỹ năng giao tiếp, thuyết trình, đạo đức công vụ. Bên cạnh đó, đẩy mạnh các chương trình hợp tác, liên kết trong đào tạo, tuyển chọn CBCCVC đưa đi đào tạo sau đại học trong nước và nước ngoài các ngành hành chính, y tế, giáo dục, khoa học - kỹ thuật, công nghệ cao, nông nghiệp, công nghiệp, tài chính…
Cho đến nay, Lâm Đồng đã ký kết các chương trình hợp tác với nhiều trường đại học trong nước để nghiên cứu khoa học, đào tạo nguồn nhân lực cho tỉnh như Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, Đại học Nông Lâm TP Hồ Chí Minh, Đại học Lâm nghiệp… Các trường này đến nay đã mở các khóa đào tạo sau đại học ngay tại tỉnh cho người đi học thuận tiện hơn, các lớp học tập trung vào các chuyên ngành như: Quản trị kinh doanh, Môi trường, Trồng trọt, Lâm nghiệp, Thú y, Quản lý đất đai, Kinh tế nông nghiệp...
Nhiều trường đại học khác cũng hợp tác với tỉnh như Đại học Kinh tế thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Luật TP Hồ Chí Minh, Đại học Sư phạm Hà Nội… để mở các lớp đào tạo sau đại học cho các ngành Tài chính - Ngân hàng, Luật, Quản lý giáo dục... Tổng cộng toàn tỉnh trong giai đoạn này có 821 người được gửi đi đào tạo sau đại học, trong đó có 2 nghiên cứu sinh bậc tiến sỹ ở nước ngoài.
Chỉ tính riêng năm 2020, đã có 2.853 học viên trong tỉnh tham dự 26 lớp đào tạo bồi dưỡng lý luận chính trị. Trong đó có 2 lớp do tỉnh phối hợp với Học viện Chính trị khu vực II đào tạo cao cấp lý luận chính trị với trên 100 học viên; giao Trường Chính trị Lâm Đồng phối hợp với các học viện, trường đại học mở 4 lớp cao cấp lý luận chính trị và đại học với 294 học viên tham dự. Ngoài ra, Trường Chính trị tỉnh cũng mở 15 lớp trung cấp lý luận chính trị - hành chính cho 892 học viên; đồng thời liên kết với các huyện mở 9 lớp trung cấp lý luận chính trị - hành chính với 689 học viên và mở các lớp bồi dưỡng lý luận chính trị với 925 học viên tham dự.
Trong bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước, năm 2020 có 921 học viên tham gia các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý nhà nước ngạch chuyên viên cao cấp, ngạch chuyên viên chính và ngạch chuyên viên do Học viện Chính trị khu vực II, Trường Chính trị Lâm Đồng và Đại học Nội vụ Hà Nội tổ chức.
Trong đào tạo chuyên môn; năm 2020, Lâm Đồng có 2 trường hợp đào tạo tiến sỹ, 167 người trong chương trình đào tạo thạc sỹ; 661 người trong chương trình đào tạo đại học; 147 người đào tạo cao đẳng và đào tạo trung cấp chuyên nghiệp có 45 người. Mặt khác, tỉnh cũng cho phép các cơ quan, đơn vị, địa phương phối hợp với các trường, các học viện, các cơ sở đào tạo trong và ngoài tỉnh đủ điều kiện để mở các lớp bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp các hạng trong tỉnh và đã có 908 học viên tham dự các lớp bồi dưỡng này.
Cũng trong năm 2020, tỉnh đã cử 1.113 cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý tham gia bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước trước khi bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý; đồng thời mở các lớp bồi dưỡng kỹ năng hoạt động cho đại biểu HĐND và lớp cập nhật kiến thức cho 643 lượt đại biểu HĐND các cấp. Bồi dưỡng ngắn hạn về kiến thức kỹ năng chuyên ngành, vị trí việc làm cho trên 13.000 lượt học viên; mở các lớp bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh cho 779 lượt học viên. Có 90 học viên tham dự các lớp đào tạo ngoại ngữ, 200 học viên tham dự các lớp tin học.
Để đào tạo CBCCVC công tác trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Lâm Đồng đã phối hợp với Học viện Dân tộc mở 2 lớp đào tạo cho 51 học viên; tổ chức kiểm tra và cấp chứng chỉ tiếng dân tộc thiểu số K’Ho, Chu Ru, Mạ cho 802 học viên. Theo chương trình đào tạo bồi dưỡng cán bộ cơ sở vùng Tây Nguyên, Lâm Đồng đã phối hợp với các cơ sở đào tạo bồi dưỡng có đủ điều kiện năng lực trong tỉnh để tổ chức 15 lớp cho trên 1.060 học viên.
Theo Sở Nội vụ Lâm Đồng, chỉ tính riêng năm 2020, tổng kinh phí đào tạo bồi dưỡng cho CBCCVC của tỉnh trên 3,9 tỷ đồng.
Bài 2: Để phát huy hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng