Nâng chất lượng giám định tư pháp trong giải quyết tranh chấp sở hữu trí tuệ
Những năm gần đây, giải quyết các tranh chấp liên quan tới sở hữu trí tuệ (SHTT) không chỉ tăng lên về số lượng vụ, việc mà còn thu hút được sự quan tâm của đông đảo quần chúng. Theo đó, hoạt động giám định tư pháp về SHTT được kỳ vọng sẽ góp phần nâng cao hiệu quả giải quyết tranh chấp tố tụng, đẩy lùi nạn xâm phạm bản quyền chất xám.
Nhu cầu thiết yếu, khẩn cấp
Hiện, giám định về sở hữu trí tuệ (SHTT) bao gồm ba lĩnh vực cơ bản: giám định về quyền tác giả, quyền liên quan; giám định về quyền sở hữu công nghiệp; giám định về quyền đối với giống cây trồng.
Pháp luật Việt Nam cũng có một số văn bản quy định về giám định như Luật Giám định tư pháp năm 2012; Nghị định số 119/2010; Nghị định số 105/2006; Thông tư số 15/2012 quy định về “việc giám định quyền tác giả, quyền liên quan thuộc thẩm quyền của ngành văn hóa, thể thao và du lịch”. Mới đây nhất là Thông tư 02/2019 quy định quy trình giám định tư pháp về quyền tác giả, quyền liên quan sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/9/2019, được kỳ vọng sẽ góp phần đẩy lùi vấn nạn xâm phạm bản quyền.
Có thể thấy, đã có thông tư riêng hướng dẫn thủ tục giám định quyền tác giả và quyền liên quan nhưng lại chưa có thông tư riêng hướng dẫn thủ tục giám định quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng. Trong khi đó, các vi phạm quyền SHTT, các tranh chấp liên quan tới SHTT đều rất đa dạng, ngày càng có diễn biến tinh vi và phức tạp hơn, đặc biệt trong thời đại công nghệ số.
Viện Khoa học sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, hiện nay là tổ chức giám định sở hữu công nghiệp duy nhất, cũng thường xuyên cung cấp ý kiến giám định cho các cơ quan bảo vệ quyền SHTT cũng như các doanh nghiệp và cá nhân.
Phải đảm bảo chất lượng giám định
Đối với quyền SHTT là một lĩnh vực có nhiều đối tượng khác nhau, đa dạng ở mọi ngành nghề, tầng lớp xã hội. Tuy nhiên, nhu cầu giám định thường phát sinh khi xảy ra các hành vi xâm phạm đến các đối tượng này, cần trưng cầu giám định để thu thập chứng cứ.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, số lượng đội ngũ giám định viên, trình độ của giám định viên còn hạn chế nên không thể đáp ứng được yêu cầu của thực tế làm ảnh hưởng tới hiệu quả của quá trình tố tụng. Nhiều đối tượng của quyền SHTT có tính đặc thù cao đòi hỏi đội ngũ giám định viên bên cạnh trình độ chuyên môn còn phải có kiến thức chuyên sâu về đối tượng giám định. Đồng thời, phải có trang thiết bị, phương tiện phục vụ cho quá trình giám định.
Theo số liệu thống kê của cơ quan này, chỉ riêng trong giai đoạn từ năm 2009 – 2016, đã có 3.829 vụ, việc giám định được thực hiện, trong đó 416 vụ theo trưng cầu của cơ quan có thẩm quyền mà chủ yếu là các cơ quan bảo vệ quyền (383 yêu cầu, trong đó 57,7% từ cơ quan quản lý thị trường, 29% từ cơ quan công an, số còn lại từ các cơ quan khác, như thanh tra khoa học và công nghệ, hải quan, tòa án nhân dân). Pháp luật quy định, kết luận giám định cũng là một nguồn chứng cứ quan trọng giúp ích cho quá trình tố tụng và giải quyết tranh chấp được chuẩn xác, khách quan, minh bạch.
Theo báo cáo của Cục Sở hữu trí tuệ thì hiện nay mới chỉ có một số cá nhân được cấp Thẻ giám định viên sở hữu công nghiệp. Như vậy, đối với các đối tượng khác của quyền SHTT thì chưa có các văn bản pháp luật hướng dẫn về việc thành lập và hoạt động của các tổ chức và cá nhân giám định về SHTT trong lĩnh vực đó.
Cũng có tình trạng, việc cử người làm giám định của các ban, ngành chuyên môn được trưng cầu thường rất lâu, không kịp thời, có nhiều vụ việc kéo dài trong nhiều tháng, thậm chí kéo dài hàng năm, làm chậm tiến độ giải quyết vụ án. Một số cơ quan, đơn vị được trưng cầu còn từ chối tiếp nhận trưng cầu giám định với lý do không có chức năng, nhiệm vụ giám định. Chưa kể, chi phí giám định thường đắt đỏ nhưng lại được quy định cơ quan nào trực tiếp trưng cầu giám định thì cơ quan đó phải thanh toán chi phí giám định.
Trên thực tế đã phát sinh trường hợp phải chi trả số tiền lớn để trưng cầu giám định SHTT. Về nguyên nhân khách quan, nhiều hoạt động giám định SHTT yêu cầu trang thiết bị, máy móc,hiện đại mà nếu thiếu sẽ ảnh hưởng lớn đến chất lượng và độ chính xác của kết quả giám định.
Mặt khác, mức chi phí giám định về sở hữu trí tuệ chưa hề được quy định cụ thể tại bất kỳ văn bản nào nên người áp dụng cũng thường thấy “lúng túng”. Trong khi đó, kinh phí cấp cho giải quyết vụ án dân sự, hình sự lại hạn hẹp. Điều này đã dẫn đến hiện tượng đùn đẩy trách nhiệm trưng cầu giám định giữa các cơ quan tiến hành tố tụng.
Lại nói, vẫn còn “lỗ hổng” về quy định về thời hạn giám định tư pháp. Có ý kiến cho rằng, đối với nội dung giám định tư pháp đơn giản thì từ 10 đến 15 ngày; phức tạp thì thời hạn từ 02 đến 03 tháng, có thể gia hạn nhưng không quá 06 tháng. Có như vậy, giám định viên tích cực làm việc hơn và người quản lý sẽ dựa vào đó để có cơ chế quản lý, chế tài phù hợp, tránh trường hợp có những vụ án phải tạm đình chỉ, chờ kết quả giám định trong thời gian dài, thậm chí tới hàng năm, ảnh hưởng đến thời hạn điều tra, truy tố, xét xử.
Thiết nghĩ, giám định tư pháp về SHTT là một hoạt động quan trọng giúp cho quá trình tố tụng, giải quyết tranh chấp liên quan tới SHTT. Song, hoạt động này trên thực tế vẫn bị chi phối bởi nhiều yếu tố như số lượng tổ chức giám định, trình độ giám định viên, hệ thống pháp luật về quyền SHTT nói chung và giám định về SHTT nói riêng… Đó là thực tế, cũng là thách thức trong quá trình Việt Nam hội nhập sâu rộng với thế giới./.