Nâng chất lượng huấn luyện gắn với xây dựng địa bàn chiến lược Tây Nguyên

6 tháng đầu năm 2019, Quân đoàn 3 đã quán triệt sâu sắc Nghị quyết số 765-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương về nâng cao chất lượng huấn luyện giai đoạn 2013-2020 và những năm tiếp theo; đồng thời đổi mới toàn diện công tác huấn luyện gắn với xây dựng địa bàn vững mạnh, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Thiếu tướng Thái Văn Minh, Tư lệnh Quân đoàn 3 đã trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân về nội dung này.

Phóng viên (PV):Nâng cao chất lượng huấn luyện vừa là mục tiêu, vừa là yêu cầu xây dựng đơn vị hiện nay. Nhưng để đạt được điều đó, Quân đoàn 3 phải vượt qua những khó khăn, trở ngại gì, thưa đồng chí?

Thiếu tướng Thái Văn Minh: Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên là khu vực đang chịu sự tác động to lớn của biến đổi khí hậu, thời tiết diễn biến phức tạp, cực đoan, chi phối lớn đến nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ). Bên cạnh đó, các đơn vị của quân đoàn chủ yếu đóng quân ở vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống; kinh tế-xã hội chậm phát triển; hệ thống thao trường, bãi tập chưa đồng bộ và ngày càng bị thu hẹp. Các thế lực thù địch thường xuyên lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để chống phá; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn còn tiềm ẩn những yếu tố gây mất ổn định. Hậu phương gia đình của cán bộ khó khăn; một số cán bộ trẻ mới ra trường không muốn gắn bó lâu dài với địa bàn đã tác động lớn đến nhiệm vụ huấn luyện của đơn vị.

 Thiếu tướng Thái Văn Minh.

Thiếu tướng Thái Văn Minh.

PV: Thưa đồng chí, trước thực trạng đó, Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân đoàn 3 có những chủ trương, giải pháp gì mang tính đột phá để nâng cao chất lượng huấn luyện của đơn vị?

Thiếu tướng Thái Văn Minh: Với phương châm “chủ trương một thì biện pháp phải mười, quyết tâm phải hai mươi”, Đảng ủy, Bộ tư lệnh quân đoàn lãnh đạo, triển khai nhiệm vụ huấn luyện toàn diện, đồng thời chọn những trọng tâm, trọng điểm để đột phá. Quân đoàn tập trung xây dựng hai nhân tố quyết định đến chất lượng huấn luyện: Năng lực lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng và phẩm chất, trình độ của đội ngũ cán bộ. Trên cơ sở đó, triển khai thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII và Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị, Chỉ thị số 87-CT/QUTW của Thường vụ Quân ủy Trung ương về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; xây dựng đội ngũ cán bộ theo chuẩn mực “Kiên định-trách nhiệm, đoàn kết-nêu gương, cần kiệm-tự lực”.

Công tác chuẩn bị huấn luyện được ưu tiên chuẩn bị về con người, giáo dục, xây dựng niềm tin vào đường lối quân sự của Đảng, nghệ thuật chiến tranh nhân dân, vũ khí trang bị, cách đánh của Quân đội ta… cho mọi cán bộ, chiến sĩ. 100% cán bộ được tập huấn, bồi dưỡng theo phân cấp và các lớp chuyên sâu, trong đó đặc biệt chú ý rèn luyện bản lĩnh, tác phong, phương pháp tổ chức huấn luyện cho cán bộ trẻ, cán bộ người DTTS và cán bộ huấn luyện trực tiếp. Quân đoàn đầu tư hơn 7 tỷ đồng và 98.184 ngày công bộ đội để xây dựng thao trường, mô hình, đồ dùng huấn luyện nhằm đồng bộ với con người và điều kiện tác chiến. Quân đoàn cũng tiếp tục thực hiện tốt Phong trào “Bàn học chiến sĩ” và phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật trong huấn luyện để huy động nội lực của đơn vị.

 Chiến sĩ mới Trung đoàn 48, Sư đoàn 320, Quân đoàn 3 huấn luyện bắn súng AK bài 1. Ảnh: ANH SƠN.

Chiến sĩ mới Trung đoàn 48, Sư đoàn 320, Quân đoàn 3 huấn luyện bắn súng AK bài 1. Ảnh: ANH SƠN.

Quá trình huấn luyện, quân đoàn thực hiện triệt để chủ trương “3 thực chất” là dạy thực chất, học thực chất và kiểm tra, đánh giá kết quả thực chất; tăng cường huấn luyện thực hành, hiệp đồng chiến đấu ở các cấp và rèn luyện thể lực, khả năng chịu đựng cho cán bộ, chiến sĩ; kết hợp giữa huấn luyện, nâng cao trình độ SSCĐ với thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn trên địa bàn. Quân đoàn đã tổ chức tham quan, nhân rộng cách làm hay, việc làm tốt, như: Xây dựng điểm đơn vị vững mạnh toàn diện, tiêu biểu, mẫu mực ở Trung đoàn 66; huấn luyện chiến sĩ mới bắn súng AK bài 1 đạt giỏi ở Sư đoàn 320; công tác giáo dục, quản lý tư tưởng chiến sĩ người DTTS ở Sư đoàn 10…

PV: Vậy những kết quả nổi bật trong huấn luyện của Quân đoàn 3 trong 6 tháng qua là gì, thưa đồng chí?

Thiếu tướng Thái Văn Minh: Điểm sáng rõ nhất trong huấn luyện của quân đoàn 6 tháng qua là cấp ủy, chỉ huy và đội ngũ cán bộ các cấp nhận thức sâu sắc nhiệm vụ, có trách nhiệm, quyết tâm cao. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý điều hành huấn luyện có nhiều đổi mới, bám sát đối tượng huấn luyện và điều kiện thực tiễn của đơn vị. Thông qua các cuộc diễn tập cho thấy trình độ tổ chức chỉ huy của cán bộ và khả năng cơ động, hiệp đồng chiến đấu của phân đội được nâng lên một bước. Các nội dung kiểm tra đều đạt yêu cầu, có hơn 80% khá, giỏi; 95,15% cán bộ tiểu đoàn, 78,39% cán bộ trung đội, đại đội huấn luyện đạt khá, giỏi. 61/61 đại đội huấn luyện chiến sĩ mới kiểm tra 3 tiếng nổ đạt khá, giỏi. Trong đó, 100% đại đội ném lựu đạn xa trúng đích, đánh thuốc nổ và hai đại đội bắn súng AK bài 1 đạt giỏi.

PV: Tây Nguyên là địa bàn có vị trí chiến lược về quốc phòng, an ninh, nhưng cũng là địa bàn còn nhiều khó khăn. Vậy, Quân đoàn 3 đã kết hợp giữa huấn luyện với xây dựng địa bàn như thế nào?

Thiếu tướng Thái Văn Minh: Quân đoàn 3 ra đời, chiến đấu, trưởng thành trong sự yêu thương, đùm bọc của cấp ủy, chính quyền và đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Vì vậy, mọi cán bộ, chiến sĩ luôn xác định giúp địa phương xây dựng địa bàn vững mạnh, ứng phó với thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói, giảm nghèo là trách nhiệm chính trị của mình. Hiện nay, toàn quân đoàn đã kết nghĩa với 213 xã, phường, thôn, làng; ký kết giúp 13 xã xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn 2016-2020, đến nay đã có 3 xã về đích nông thôn mới. 6 tháng qua, đơn vị đã tổ chức 21 lượt đại đội, tiểu đoàn hành quân dã ngoại làm công tác dân vận và giúp địa phương hàng nghìn ngày công làm đường, di dời nhà, khai hoang phục hóa, nạo vét kênh mương, xây dựng các công trình văn hóa, sơ tán nhân dân tránh lũ... Quân đoàn cũng tiếp tục làm tốt công tác tạo nguồn cán bộ cho địa phương, bồi dưỡng, kết nạp 174 quần chúng là chiến sĩ vào Đảng; làm chỗ dựa vững chắc cho cấp ủy, chính quyền địa phương giải quyết các vấn đề nhạy cảm trên địa bàn. Các mô hình, phong trào, như: “Hũ gạo nghĩa tình”, “Ngôi nhà 100 đồng”, “Tấm áo tình thương”, “Ngày thứ bảy tình nguyện”, “Chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”… tiếp tục phát triển rộng khắp, làm cho hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ-Người chiến sĩ Binh đoàn Tây Nguyên tỏa sáng, tin cậy trong nhân dân.

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

NGUYỄN ANH SƠN (thực hiện)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/nang-chat-luong-huan-luyen-gan-voi-xay-dung-dia-ban-chien-luoc-tay-nguyen-582746