Nâng chất lượng sản phẩm - tạo lợi thế cạnh tranh (Bài 1): Du lịch biển đảo - điểm tựa để du lịch trở lại 'đường đua'
Với 102 km bờ biển, nhiều bãi tắm đẹp và các đảo, cụm đảo giàu tiềm năng du lịch, Thanh Hóa đã sớm xác định du lịch biển đảo là sản phẩm mũi nhọn cần tập trung phát triển. Trên cơ sở đó, du lịch biển Thanh Hóa đã và đang từng bước tạo dựng được thương hiệu, đáp ứng được nhu cầu đa dạng của các phân khúc thị trường khách du lịch từ trung đến cao cấp.
Vẻ đẹp hoang sơ của Bãi Đông (thị xã Nghi Sơn). Ảnh: Trần Hằng
Thanh Hóa có đường bờ biển dài, trải từ Nga Sơn vào tận Nghi Sơn, với nhiều bãi tắm đẹp có tiếng như Hải Tiến, Sầm Sơn, Tiên Trang, Hải Hòa, Bãi Đông... Nguồn tài nguyên vô giá mà biển mang lại đã được con người khai phá từ sớm để phục vụ nhu cầu nghỉ dưỡng. Điển hình là Sầm Sơn đã có lịch sử khai thác hơn trăm năm và đã trở thành một mũi nhọn phát triển của du lịch xứ Thanh. Điểm nổi bật của Sầm Sơn là bãi biển đẹp, nước trong xanh, sóng vừa phải; đồng thời, Sầm Sơn còn có một hệ thống di tích lịch sử văn hóa giàu giá trị và danh thắng núi Trường Lệ đang chờ được khai phá. Với tiềm năng du lịch được thiên nhiên ban tặng, Sầm Sơn đã thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn, mà điển hình nhất phải kể đến sự hiện diện của Tập đoàn FLC, với sự ra đời của quần thể nghỉ dưỡng cao cấp FLC Sầm Sơn. Đây là khu nghỉ dưỡng phức hợp đầu tiên tại Thanh Hóa, cũng là điểm thu hút khách du lịch hạng sang những năm gần đây. Với khoảng 400 phòng khách sạn và 70 villa cao cấp có hồ bơi và sân vườn riêng, quần thể nghỉ dưỡng này không chỉ đáp ứng nhu cầu của khách; mà còn là trung tâm tổ chức các sự kiện lớn của tỉnh. Điển hình như gần đây nhất, sự kiện “Gặp gỡ Hàn Quốc 2022” diễn ra thành công, đã góp phần nâng cao hình ảnh Thanh Hóa nói chung, du lịch Sầm Sơn nói riêng.
Du lịch nghỉ dưỡng biển từ lâu đã là sản phẩm đứng đầu danh sách các sản phẩm du lịch được du khách lựa chọn nhiều nhất. Đây cũng là cơ sở để đề án “Phát triển sản phẩm du lịch mũi nhọn Thanh Hóa đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030”, xác định sản phẩm du lịch mũi nhọn là du lịch biển đảo, để tập trung ưu tiên các nguồn lực cho phát triển. Theo đó, Chương trình phát triển du lịch Thanh Hóa giai đoạn 2016-2020 đã đề ra 23 nhiệm vụ phát triển sản phẩm du lịch; trong đó, đã và đang thực hiện 11/23 nhiệm vụ (21 dự án), với tổng kinh phí được giao thực hiện là 36,876 tỷ đồng. Công tác quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng, thu hút dự án đầu tư được tập trung ưu tiên triển khai, đặc biệt tại các khu du lịch biển Sầm Sơn, Hải Tiến, Hải Hòa; các doanh nghiệp du lịch được khuyến khích, tạo điều kiện để đầu tư, cải tạo, nâng cấp, mở rộng quy mô, dịch vụ du lịch. Nhờ đó, đã và đang có hàng chục dự án khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, với hệ thống khách sạn, biệt thự, resort, khu vui chơi giải trí, sân golf đa dạng dọc từ Hải Tiến vào tận Bãi Đông, hứa hẹn một sự lột xác đáng kể cho sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển Thanh Hóa.
Cùng với đó, trật tự kỷ cương, môi trường du lịch thường xuyên được chấn chỉnh; công tác quản lý Nhà nước được nâng cao; thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động du lịch được tăng cường. Riêng UBND TP Sầm Sơn, hàng năm luôn rà soát, bổ sung, ban hành và tổ chức thực hiện gần 20 phương án quản lý dịch vụ du lịch trên địa bàn. Đặc biệt, nhiều sản phẩm du lịch mới được đầu tư, đưa vào phục vụ khách du lịch. Điển hình như TP Sầm Sơn với lễ hội du lịch biển Sầm Sơn tổ chức hàng năm; lễ hội tình yêu; làng bích họa; mô tô nước; tuyến phố đi bộ và chợ đêm; lễ hội đường phố... Huyện Hoằng Hóa với lễ hội du lịch biển Hải Tiến tổ chức thường niên; duy trì tuyến du lịch đường thủy Hải Tiến - Đảo Nẹ; hình thành các homestay; phát triển loại hình du lịch dù bay. Thị xã Nghi Sơn với lễ hội du lịch biển...
Với sự quan tâm đầu tư của tỉnh, nhất là hiệu quả thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch, sản phẩm du lịch biển đảo đã và đang từng bước tạo dựng được thương hiệu nổi trội tại khu vực phía Bắc và Bắc miền Trung; đồng thời, cơ bản đáp ứng được nhu cầu đa dạng của các phân khúc thị trường khách du lịch từ trung đến cao cấp. Kết quả này được phản ánh rõ nét qua các con số tăng trưởng du lịch: giai đoạn 2016-2020, các khu du lịch biển ước đón được trên 32 triệu lượt khách, chiếm 75,2% tổng khách du lịch toàn tỉnh, gấp 2,2 lần giai đoạn 2011-2015; tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 15,7%/năm. Trong đó, các khu du lịch biển trọng điểm như Sầm Sơn ước đón gần 23 triệu lượt khách, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 8,8%/năm; huyện Hoằng Hóa ước đón được 5,8 triệu lượt khách, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 20,1% năm. Cũng trong giai đoạn 2016-2020, có 200 cơ sở lưu trú du lịch và 54 nhà hàng được đầu tư mới và đi vào hoạt động, góp phần đem đến diện mạo mới cho sản phẩm du lịch biển đảo.
Mặc dù hơn 2 năm qua, ngành du lịch nói chung, du lịch biển đảo nói riêng, chịu tác động tiêu cực từ dịch bệnh COVID-19. Song, tỉnh Thanh Hóa vẫn xác định mục tiêu đến năm 2025, sản phẩm du lịch mũi nhọn biển đảo được hình thành rõ nét, có hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật và dịch vụ hiện đại, chất lượng, hấp dẫn khách du lịch. Đến năm 2030, sản phẩm du lịch mũi nhọn biển đảo trở thành sản phẩm có vị trí quan trọng trong vùng Bắc Trung bộ và cả khu vực Bắc bộ, thúc đẩy tối ưu các sản phẩm du lịch khác thành những mũi nhọn mới. Theo đó, định hướng phát triển sản phẩm thuộc đề án “Phát triển sản phẩm du lịch mũi nhọn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, tầm nhìn 2030”, nêu rõ: Phát triển sản phẩm du lịch biển, đảo tại các khu du lịch trọng điểm Sầm Sơn, Hải Tiến, Hải Hòa, Nam Sầm Sơn, Nghi Sơn - đảo Mê là sản phẩm du lịch mũi nhọn. Cùng với đó là phát triển các sản phẩm du lịch có thế mạnh và sản phẩm du lịch bổ trợ khác. Để đạt được mục tiêu trên, các giải pháp về quản lý, cơ chế chính sách, quy hoạch, xúc tiến và huy động vốn, nhân lực, tuyên truyền quảng bá... sẽ phải được triển khai thực hiện một cách đồng bộ và hiệu quả. Từ đó, phát triển sản phẩm du lịch biển đảo gắn với nâng cao chất lượng, giá trị, để hình thành sản phẩm du lịch biển cao cấp. Đồng thời, đưa sản phẩm chủ lực này trở thành điểm tựa cho du lịch Thanh Hóa trở lại “đường đua” trong bối cảnh “bình thường mới” hiện nay.
Trần Hằng
Bài 2: Sản phẩm mới - “sân chơi” của doanh nghiệp.