Nâng chất lý luận, phê bình văn học nghệ thuật

Trong chặng đường 50 năm sau Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, hoạt động văn học nghệ thuật (VHNT) trên địa bàn tỉnh đã để lại những thành tựu nhất định trên lĩnh vực sáng tác. Tuy nhiên, lĩnh vực lý luận, phê bình VHNT lại có phần trầm lắng cả về số lượng lẫn chất lượng tác phẩm.

Thiếu những tác phẩm lý luận, phê bình chất lượng

Hoạt động phê bình VHNT nhằm góp phần phát hiện, giới thiệu với công chúng thêm nhiều tác giả có tài năng, những tác phẩm VHNT hay; hướng công chúng thưởng thức nghệ thuật, tạo cầu nối giữa văn nghệ sĩ với công chúng... Theo thông tin từ Hội VHNT tỉnh, hiện đội ngũ làm công tác lý luận, phê bình là hội viên có 15 người. Thời gian qua, các tác giả cũng đã cố gắng để có những tác phẩm lý luận, phê bình VHNT, thông qua đó công chúng thấy được những khía cạnh mới mẻ của một tác phẩm, tác giả, nhân vật văn học.

Giải thưởng văn học nghệ thuật hằng năm của tỉnh có rất ít tác phẩm lý luận, phê bình dự giải. (Ảnh minh họa)

Giải thưởng văn học nghệ thuật hằng năm của tỉnh có rất ít tác phẩm lý luận, phê bình dự giải. (Ảnh minh họa)

Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận, hoạt động lý luận, phê bình VHNT của tỉnh vẫn chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng. Một phần nguyên nhân do lực lượng tham gia hoạt động lý luận, phê bình còn mỏng. Mặt khác, chất lượng các bài viết, tác phẩm về lý luận, phê bình VHNT chưa có chiều sâu, chưa đi sâu đến chức năng thẩm định, đánh giá tác phẩm, tác giả, phát hiện những cái mới… Thật khó để có thể kể tên được những tác phẩm lý luận, phê bình VHNT tạo được ấn tượng đối với công chúng. Hầu hết chỉ mới dừng lại ở những bài viết đơn lẻ mang tính cảm nhận riêng về từng tác giả, tác phẩm mà thiếu đi sự phân tích, lý giải một cách cặn kẽ về phong cách, xu hướng, cái độc đáo… của tác giả, tác phẩm nào đó. Việc công bố các bài viết lý luận, phê bình VHNT cũng chủ yếu trên Tạp chí Nha Trang với số lượng hơn 70 bài/năm.

Họa sĩ Trần Hà - Chủ tịch Hội VHNT tỉnh nhìn nhận: “Lĩnh vực lý luận, phê bình VHNT chưa có nhiều tác phẩm mang tính đột phá. Đội ngũ làm công tác lý luận, phê bình VHNT hiện nay còn ít. Những năm gần đây, xuất hiện một số cây bút viết lý luận, phê bình VHNT được văn nghệ sĩ và công chúng chú ý, nhưng chủ yếu trên lĩnh vực văn học, còn các lĩnh vực nghệ thuật khác như: Mỹ thuật, nhiếp ảnh, âm nhạc, sân khấu, múa… vẫn chưa vươn tới”.

Tăng cường hoạt động lý luận, phê bình

Trong báo cáo tổng kết 50 năm nền VHNT Việt Nam sau ngày thống nhất đất nước, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã nhận định: “Mảng lý luận phê bình còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu của thực tiễn sáng tác và tiếp nhận VHNT”. Lãnh đạo Tỉnh ủy cũng nêu lên nhiệm vụ, giải pháp để khắc phục tình trạng này trong thời gian tới, đó là cần phải chú trọng xây dựng, phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ để có những tác phẩm xuất sắc, nổi trội, có tiếng vang lớn đối với công chúng. Cùng với đó, phải tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ văn nghệ sĩ làm công tác phê bình VHNT trên địa bàn tỉnh; sửa đổi, bổ sung các chế độ, chính sách đối với đội ngũ văn nghệ sĩ phù hợp với tình hình thực tế; có các cơ chế có tính đột phá phát triển hoạt động VHNT.

Một tiết mục múa dân tộc do nghệ sĩ Đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng biểu diễn. (Ảnh minh họa)

Một tiết mục múa dân tộc do nghệ sĩ Đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng biểu diễn. (Ảnh minh họa)

Có thể thấy, lý luận, phê bình VHNT là để góp phần giúp công chúng tiếp cận với tác phẩm VHNT được nhiều chiều, đa dạng hơn, thấy được cái hay, cái đẹp của tác phẩm. Trong xu thế chấn hưng, phát triển VHNT của đất nước thì ở tỉnh Khánh Hòa cũng cần phải tiếp tục xây dựng hoạt động lý luận, phê bình VHNT trở thành một bộ phận quan trọng trong đời sống VHNT, đồng thời cũng là một bộ phận trong công tác lý luận chính trị của Đảng. Hoạt động lý luận, phê bình VHNT phải thể hiện được tiếng nói quan trọng của mình nhằm nâng cao nhận thức về vai trò của VHNT đối với sự phát triển chung; cung cấp luận cứ khoa học cho hoạt động VHNT. Trong bối cảnh hội nhập thế giới ngày càng sâu rộng về mọi mặt, hoạt động VHNT cũng chịu những tác động mạnh mẽ về các trào lưu, xu hướng sáng tác. Chính vì thế, làm tốt công tác lý luận, phê bình VHNT cũng là cách để chúng ta biết nhìn nhận, khéo léo vận dụng, chọn lọc những trào lưu, xu hướng phù hợp với bản sắc, đặc trưng của VHNT trong nước và địa phương.

Theo họa sĩ Trần Hà, để hoạt động VHNT nói chung và lý luận, phê bình VHNT nói riêng có bước phát triển trong thời gian tới, Hội VHNT tỉnh cũng như các cấp, ngành liên quan sẽ chú trọng triển khai thực hiện có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về VHNT, quyết tâm đưa VHNT tỉnh Khánh Hòa phát triển nhanh, rộng và vững chắc; tạo điều kiện thuận lợi để đội ngũ văn nghệ sĩ giao lưu, học hỏi, trao đổi nghề nghiệp, nâng cao trình độ. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến công tác lý luận, phê bình VHNT, để lý luận, phê bình VHNT thực sự là động lực thúc đẩy văn nghệ sĩ sáng tạo nên những tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng, nghệ thuật; xây dựng, phát triển đội ngũ làm công tác lý luận, phê bình VHNT vừa có chiều sâu, vừa rộng khắp trên các lĩnh vực VHNT...

GIANG ĐÌNH

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/van-hoa/202504/nang-chat-ly-luan-phe-binh-van-hoc-nghe-thuat-d15227a/