Du khách say đắm ngắm vẻ đẹp của 'vương giả chi hoa' trong hoàng cung
Nhiều du khách khi đến thăm quan hoàng cung ở Huế vào mùa này cảm thấy rất thích thú và say đắm khi được ngắm nhìn vẻ đẹp 'mê hồn' của loài cây cực hiếm được mệnh danh là 'vương giả chi hoa'.
Hằng năm, cứ vào dịp cuối Xuân đầu Hạ, trong Hoàng cung Huế có một loài cây rất đặc biệt, chúng đua nhau khoe sắc hồng tím tươi thắm trông rất sang trọng và quý phái.
Đó là, cây ngô đồng hay còn được mệnh danh là loài "vương giả chi hoa", đây là loài cây được trồng phổ biến tại khu vực Đại nội Huế và một số công viên ven sông Hương, lăng tẩm nhà Nguyễn...
Theo Sách Đại Nam nhất thống chí, vua Minh Mạng sai biền binh lên các dãy núi rừng để tìm cây ngô đồng, sau đó, đem trồng ở các góc điện trong Hoàng thành. Từ những cây đầu tiên được mang về trồng ở điện Cần Chánh, đã có nhiều cây được nhân ra, được trồng mới ở nhiều lăng tẩm, đền đài.
Dưới đây là một số hình ảnh mà PV ghi nhận được trước vẻ đẹp say đắm của loài "vương giả chi hoa.

Theo các nhà nghiên cứu văn hóa Huế, hoa ngô đồng thực sự lộng lẫy và sang trọng vào thời kỳ đơm hoa.

Hoa ngô đồng thường nở vào tháng đầu tháng 3 đến cuối tháng 4.

Nhiều du khách khi vào Hoàng cung Huế để tham quan cảm thấy rất bất ngờ và mê mẩn với vẻ đẹp của loài hoa này.

Khi cây ngô đồng trút hết lá những chùm hoa nho nhỏ, dày đặc trên cành, từ màu tím nhạt rồi dần ửng hoa cà làm tô điểm nên một không gian hài hòa về màu sắc.

Đến Huế những ngày này, du khách không khó để tìm gặp và chiêm ngưỡng nhiều cây ngô đồng đang kỳ đơm hoa ở phía sau điện Thái Hòa, Đại nội Huế.

Chị Ngô Thị Minh Anh, một du khách đến tham quan ở Hoàng cung Huế chia sẻ, chị cảm thấy rất thích thú và say đắm trước vẻ đẹp của hoa ngô đồng. "Để lưu giữ lại những hình ảnh đẹp của loài hoa này, tôi đã dùng máy ảnh để quay video lại", chị Anh nói.

Vẻ đẹp của hoa ngô đồng điểm tô cho lối kiến trúc đặc sắc và tinh tế của Hoàng cung Huế.

Du khách chụp hình lưu niệm bên cây ngô đồng.

Ngô đồng còn là một trong chín loài cây hoa được vua Minh Mạng cho khắc vào bảo vật Cửu đỉnh (hiện là di sản văn hóa thế giới) tượng trưng vương quyền.
Hồng Diễm