Nâng 'chất' tiêu chí thu nhập trong xây dựng nông thôn mới
Trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), tiêu chí số 10 về thu nhập được đánh giá là một trong những tiêu chí quan trọng hàng đầu. Bởi khi làm tốt tiêu chí này sẽ tạo 'đòn bẩy' để hoàn thành, nâng 'chất' nhiều tiêu chí khác. Xác định rõ điều đó nên sau khi về đích NTM, các địa phương trong tỉnh vẫn tiếp tục triển khai nhiều giải pháp thiết thực để nâng cao chất lượng tiêu chí thu nhập và xem đây là yếu tố quan trọng để thực hiện thành công chương trình xây dựng NTM kiểu mẫu.
Trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), tiêu chí số 10 về thu nhập được đánh giá là một trong những tiêu chí quan trọng hàng đầu. Bởi khi làm tốt tiêu chí này sẽ tạo “đòn bẩy” để hoàn thành, nâng “chất” nhiều tiêu chí khác. Xác định rõ điều đó nên sau khi về đích NTM, các địa phương trong tỉnh vẫn tiếp tục triển khai nhiều giải pháp thiết thực để nâng cao chất lượng tiêu chí thu nhập và xem đây là yếu tố quan trọng để thực hiện thành công chương trình xây dựng NTM kiểu mẫu.
Huyện Bình Lục được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn huyện NTM năm 2019 với việc hoàn thành 9/9 tiêu chí huyện NTM và đặc biệt là không còn nợ đọng xây dựng cơ bản. Xem việc đạt chuẩn NTM chỉ là tiền đề để hướng tới xây dựng huyện NTM kiểu mẫu, sau khi hoàn thành đạt chuẩn huyện NTM, huyện Bình Lục đã chỉ đạo các xã tiếp tục quan tâm nâng cao thu nhập cho người dân thông qua hoạt động sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, thương mại, tạo đà đến năm 2025, thu nhập bình quân của người dân trong huyện đạt từ 79 triệu đồng.
Trên cơ sở mục tiêu đề ra, từ năm 2020 đến nay, huyện Bình Lục tập trung thực hiện mạnh mẽ cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, thay đổi cây trồng, vật nuôi theo hướng công nghiệp, bán công nghiệp, nông sản sạch, hình thành vùng sản xuất tập trung, tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm cho người dân… Tính riêng từ đầu năm 2021 đến nay, toàn huyện đã xây dựng được hơn 10 mô hình tích tụ, liên kết sản xuất; chuyển đổi trên 86 ha đất lúa sang trồng cây ăn quả; chuyển đổi đất lúa sang mô hình nuôi trồng thủy sản được trên 115 ha; triển khai đề án phát triển đàn lợn nái áp dụng thụ tinh nhân tạo phục vụ nhiệm vụ tái đàn lợn trên địa bàn tỉnh… Bên cạnh đó, huyện cũng chỉ đạo thực hiện có hiệu quả việc áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật, đưa cơ giới hóa vào sản xuất (tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp đạt trên 80%) nhằm giải phóng sức lao động, giảm chi phí sản xuất cho nông dân.
Ông Nguyễn Đăng Định, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Lục khẳng định: Với huyện Bình Lục, xây dựng NTM dựa vào thế mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp, tăng năng suất, chất lượng nông sản, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trên thị trường để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân nông thôn, kết hợp phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, các ngành nghề nông thôn... đang là hướng đi phù hợp. Thời gian tới, huyện sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân tích tụ ruộng đất, xây dựng các mô hình sản xuất nông sản sạch để liên kết với các doanh nghiệp theo chuỗi; hướng dẫn các xã thực hiện xây dựng nhà kính, nhà màn, hoàn thiện để đưa vào sử dụng theo Đề án “Xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2021 - 2025”; triển khai thực hiện kế hoạch chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả và mô hình lúa – cá… để nâng cao thu nhập cho người dân.
Cũng như huyện Bình Lục, để nâng “chất” tiêu chí thu nhập, các địa phương trong tỉnh đã và đang triển khai các đề án, mô hình phát triển sản xuất có hiệu quả, nâng cao thu nhập cho người dân, như: Đề án phát triển chăn nuôi bò sữa; đề án phát triển chăn nuôi bò sinh sản, bò thịt chất lượng cao; thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng và nuôi trồng thủy sản trên đất trồng lúa; hình thành các vùng sản xuất tập trung, từng bước nâng cao kiến thức cho nông dân trong vùng chuyển đổi về quy trình trồng và chăm sóc một số loại cây ăn quả chủ lực theo hướng chuyên canh, nâng cao năng suất, giá trị sản phẩm; nhân rộng mô hình nuôi cá ứng dụng công nghệ “Sông trong ao”… Cùng với đó, ngày 11/3/2021, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 557/KH-UBND triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2021 trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở đó, các địa phương đã đẩy mạnh triển khai các chương trình, dự án, đề án để hỗ trợ phát triển kinh tế hộ, nhân rộng mô hình hay về giảm nghèo, tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các hộ nghèo, cận nghèo, góp phần duy trì, giữ vững, nâng cao chất lượng tiêu chí hộ nghèo, thu nhập trong Bộ tiêu chí quốc gia NTM.
Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mặc dù hoạt động sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch Covid – 19, nhưng đến thời điểm này, các xã đăng ký về đích NTM kiểu mẫu năm 2021 đã cơ bản hoàn thành chỉ tiêu thu nhập. Còn các xã đã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu năm 2020 đều triển khai thực hiện hiệu quả việc duy trì, giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí, nhất là tiêu chí thu nhập.
Đơn cử như xã Mộc Bắc – xã đầu tiên của thị xã Duy Tiên và là một trong những xã tốp đầu của tỉnh cán đích NTM kiểu mẫu vào năm 2020, việc nâng cao chất lượng chỉ tiêu thu nhập trong nhóm tiêu chí: Thu nhập – Sản xuất – Hộ nghèo luôn được xã xác định là nhiệm vụ quan trọng cần thực hiện thường xuyên, hiệu quả để làm “đòn bẩy” nâng cao các chỉ tiêu, tiêu chí còn lại. Theo đó, ngay từ đầu năm 2021, xã Mộc Bắc ban hành kế hoạch về xây dựng, nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM kiểu mẫu đã đạt. Trong đó, chú trọng nhóm giải pháp giúp người dân tăng thu nhập: triển khai kịp thời các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo trên địa bàn; tạo điều kiện cho người dân tiếp cận các kênh hỗ trợ, như: vay vốn tín dụng ưu đãi, hỗ trợ giống, vốn, ứng dụng tiến bộ khoa học- kỹ thuật vào phát triển sản xuất; đẩy mạnh phát triển chăn nuôi bò sữa; phối hợp với các doanh nghiệp đóng trên địa bàn và các doanh nghiệp trong khu, cụm công nghiệp trên địa bàn thị xã tuyển chọn lao động đi đào tạo và nhận về làm việc; vận động, hướng dẫn người dân đi xuất khẩu lao động…
Theo Ban Chỉ đạo xây dựng NTM xã Mộc Bắc, ngay sau khi đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, xã Mộc Bắc đã triển khai đồng bộ các giải pháp và huy động tối đa mọi nguồn lực để phát triển toàn diện các lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ, thu hút các công ty đầu tư vào địa bàn. Nhờ đó, đến nay, xã Mộc Bắc đã phát triển đàn bò sữa lên gần 2.000 con; trên địa bàn xã có gần chục công ty, nhà máy đang hoạt động, giải quyết việc làm cho khoảng 500 – 600 lao động. Thu nhập bình quân đầu người năm 2021 trên địa bàn xã ước đạt 79 triệu đồng (tăng 2 triệu đồng so với năm 2020).
Nâng cao mức sống, thu nhập cho người dân là mục tiêu quan trọng của chương trình xây dựng NTM, NTM kiểu mẫu. Theo đó, để nâng “chất” tiêu chí này, các xã trong tỉnh cần đẩy mạnh thực hiện các chương trình, đề án, nhân rộng các mô hình phát triển sản xuất có hiệu quả; quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa tập trung đối với sản phẩm chủ lực của xã; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; có chính sách kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, nhất là doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao…