Nâng chất và phát triển sản phẩm OCOP để vươn xa thị trường

Thời gian qua, tỉnh tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện chương trình OCOP nhằm xúc tiến quảng bá, tư vấn, định hướng xây dựng sản phẩm mới, nâng chất sản phẩm hiện có đang có lên 4 sao, 5 sao.

Khâu tráng bánh tròn của cơ sở sản xuất bánh tráng sữa nước cốt dừa của bà Trần Thị Hiền.

Khâu tráng bánh tròn của cơ sở sản xuất bánh tráng sữa nước cốt dừa của bà Trần Thị Hiền.

Đến nay, toàn tỉnh có 291 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên, trong đó có 03 sản phẩm đạt 5 sao; 07 sản phẩm tiềm năng 5 sao; 42 sản phẩm đạt 4 sao; 239 sản phẩm 3 sao của 197 chủ thể (25 công ty, 06 doanh nghiệp; 30 hợp tác xã; 03 tổ hợp tác và 133 hộ kinh doanh). Năm 2024, phấn đấu có thêm 40 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên.

Để đạt mục tiêu trên, Ban Chỉ đạo xây dựng sản phẩm OCOP, thương hiệu, truy xuất nguồn gốc sản phẩm và phát triển thương mại điện tử tỉnh Trà Vinh đã chỉ đạo các đơn vị liên quan và địa phương tích cực tuyên truyền để các chủ thể hiểu rõ hơn về sản OCOP, nhằm khẳng định thương hiệu, tạo niềm tin cho người tiêu dùng và là điều kiện để vươn xa thị trường.

Bên cạnh đó, rà soát bổ sung các nhiệm vụ khoa học và công nghệ phát triển tài sản trí tuệ năm 2024 - 2025 (tổng thể có 4 chỉ dẫn địa lý và 9 nhãn hiệu chứng nhận). Thực hiện kịp thời công tác rà soát điều chỉnh, sửa đổi các cơ chế chính sách hỗ trợ trong hoạt động sở hữu trí tuệ, chuyển giao ứng dụng công nghệ, thiết bị để hỗ trợ cho các chủ thể OCOP đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm. Đẩy mạnh truyền thông, quảng bá các sản phẩm đã xây dựng thương hiệu, sản phẩm OCOP; tạo lập kênh và có cơ chế trợ giúp, khuyến khích các tổ chức, cá nhân đăng tin, bài, video quảng bá sản phẩm đã có thương hiệu. Thực hiện liên kết thị trường tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia “Gian hàng Việt trực tuyến”, sàn thương mại điện tử của tỉnh... Đồng thời, tổ chức ngày hội khởi nghiệp của tỉnh kết hợp với trưng bày các sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm khởi nghiệp để giới thiệu, quảng bá ra ngoài tỉnh.

Tuy nhiên, thực hiện chương trình OCOP trên địa bàn còn khó khăn do tiếp cận công nghệ thông tin cũng như quá trình thực hiện chuyển đổi số của các doanh nghiệp chưa đồng bộ, các doanh nghiệp đầu tư nâng cao chất lượng hàng hóa để đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế trên địa bàn tỉnh chưa cao, nhiều mô hình nhưng qui mô nhỏ khó nhân rộng, dẫn đến việc truyền thông để hội nhập kinh tế trên địa bàn tỉnh chưa phong phú. Trên địa bàn tỉnh có 98% doanh nghiệp nhỏ và vừa, nguồn vốn đầu tư khoa học - kỹ thuật còn hạn chế; chưa nhận thức đầy đủ về cơ hội, thách thức, thị trường và tiềm năng xuất khẩu; chưa mạnh dạn liên hệ với đơn vị chủ trì để phối hợp tìm kiếm các cơ hội mở rộng thị trường và hướng đến xuất khẩu.

Sản phẩm OCOP không chỉ góp phần tạo sức bật cho phát triển kinh tế, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, góp phần giúp các địa phương điều chỉnh quy hoạch, hình thành những vùng liên kết sản xuất, tạo những sản phẩm OCOP nông nghiệp, sản phẩm đặc trưng của địa phương. Thực tế cho thấy khó khăn trong phát triển sản phẩm OCOP xuất phát từ ý tưởng mới của những chủ thể có quy mô nhỏ lẻ, khả năng sản xuất và cung ứng thị trường không lớn.

Một số chủ thể chưa nhận thức được lợi ích, ý nghĩa của chương trình OCOP, ngại làm các hồ sơ, thủ tục tham gia chương trình. Một số địa phương chưa quan tâm đúng mức, chưa tạo điều kiện để người dân tham gia chương trình OCOP. Trong khi việc đánh giá lại và nâng cao sản phẩm OCOP gặp khó do tiêu chuẩn đánh giá khắt khe, mức hỗ trợ, đánh giá lại, nâng cao sản phẩm OCOP chưa đủ sức hấp dẫn các chủ thể xây dựng sản phẩm OCOP. Bên cạnh đó, các cơ sở sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm OCOP.

Điển hình như sản phẩm tương hột của cơ sở sản xuất tương hột Cẩm Hưng của bà Trần Thủy Tiên, Khóm 5, Phường 7, thành phố Trà Vinh sau khi đạt chứng nhận OCOP, tạo bước ngoặt kinh doanh và khẳng định được thương hiệu trên thị trường, nhưng vẫn chưa phát triển đột phá lớn. Khó khăn hiện nay của cơ sở chưa chủ động nguồn nguyên liệu (đậu nành) tại địa phương, phần lớn cơ sở mua nguyên liệu ngoài tỉnh, nên giá đầu vào tăng dẫn đến chi phí sản xuất tăng cao. Giá bán ra không tăng cao do cạnh tranh thị trường nên lợi nhuận không nhiều.

Cơ sở sản xuất bánh tráng sữa nước cốt dừa của bà Trần Thị Hiền, ấp Chà Và, xã Vinh Kim, huyện Cầu Ngang trước đây sản xuất phương pháp truyền thống không đáp ứng hết nhu cầu người tiêu dùng. Từ khi đầu tư máy móc thiết bị vào sản xuất, năng suất tăng lên gấp đôi, từ 5.000 lên 10.000 bánh/ngày.

Bà Hiền chia sẻ: tuy các loại máy móc thiết bị đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm, tiết kiệm thời gian và chi phí sản xuất, nhưng cần đòi hỏi những công đoạn làm bằng tay như phơi bánh, chế biến nguyên liệu,… Vì thế, được Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh hỗ trợ, cơ sở mạnh dạn đầu tư mới và cải tiến kỹ thuật một số thiết bị máy tráng bánh tráng tròn, lò hơi, máy nướng bánh tráng, máy đánh bột phục vụ sản xuất…

Tuy sản lượng tăng, nhưng thị trường tiêu thụ còn hạn chế, do một số người tiêu dùng yêu cầu chọn bánh tránh dài, phải cắt sản phẩm ra từng phân khúc và đóng gói theo nhu cầu của khách hàng, trong khi thiết bị máy móc của cơ sở sản xuất ra bánh tròn. Mặc dù cơ sở đã đầu tư, cải tiến thêm máy tráng bánh dài, máy trộn bột, máy cắt bánh tráng, máy ép nước cốt dừa và nhãn hiệu sản phẩm được các sở, ngành và địa phương hỗ trợ kết nối để đưa sản phẩm tiêu thụ tại các hội chợ, hội nghị kết nối cung - cầu, nhưng hiệu quả mang lại chưa đạt như kỳ vọng. Do đó, cơ sở sản xuất chỉ sản xuất theo đơn đặt hàng.

Mặc dù tỉnh đã có cơ chế hỗ trợ xây dựng sản phẩm OCOP, nhưng mức hỗ trợ chưa đáp ứng nhu cầu nguyện vọng của các chủ thể. Năm 2024, Ban Chỉ đạo tiếp tục hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý, quản trị doanh nghiệp, phát triển sản phẩm cho các cơ sở sản xuất tham gia chương trình OCOP. Hỗ trợ nâng chất và phát triển sản phẩm OCOP. Triển khai mới ít nhất 05 nhãn hiệu chứng nhận chứa đựng địa danh gắn với chương trình sản phẩm OCOP. Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, kết nối sản phẩm, phát triển thị trường tiêu thụ các sản phẩm OCOP của tỉnh theo Kế hoạch phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2021 - 2025. Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, thương mại điện tử vào quản lý, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm hàng hóa qua các sàn thương mại điện tử: Sendo.vn, Shopee.vn, Lazada, Tiki, Droppii…

Bài, ảnh: MẪN QUÂN

Nguồn Trà Vinh: https://www.baotravinh.vn/kinh-te/nang-chat-va-phat-trien-san-pham-ocop-de-vuon-xa-thi-truong-37511.html