Nàng công chúa thảm nhất lịch sử Trung Quốc
Trải qua rất nhiều thăng trầm đau đớn, đến tận lúc chết, công chúa Trường Bình vẫn không hết thương tâm. Cuộc đời của nàng truyền cảm hứng cho văn hóa dân gian, đại chúng, khiến hậu thế thương xót khôn nguôi.
Có lẽ mọi người đã từng nghe về công chúa Trường Bình, một trong những vị công chúa số khổ nhất lịch sử Trung Quốc cổ đại. Tuy nhiên, ít người biết chi tiết, ngọn nguồn về cuộc đời của nàng công chúa này.
Có thể nói, cùng là thân phận công chúa nhưng Trường Bình không được hưởng phúc giống như các vị mỹ nhân khác, ngược lại nàng ống cực kỳ thê thảm, đặc biệt trong những năm cuối đời.
Câu nói mà hoàng đế Sùng Trinh nói với công chúa Trường Bình cũng là một câu nói nổi tiếng bi thảm trong lịch sử: "Tại sao con lại sinh ra trong gia tộc của ta?"
Theo sử chép, thời khắc bị quân thù bao vây, hoàng hậu đã tự sát, công chúa Trường Bình nghe tin tức tốc chạy tới, quỳ trên mặt đất khóc thất thanh rồi bò đến ôm lấy đầu gối của cha mình là Sùng Trinh hoàng đế.
Công chúa bị vua cha "giận cá chém thớt"
Thế nhưng Sùng Trinh hoàng đế lúc này đã gần như phát điên. Ông đá bật công chúa Trường Bình ngã lăn ra đất và thê thảm nói: "Vì cớ gì con lại sinh ra trong hoàng tộc chứ? Tại sao con lại sinh ra trong gia tộc ta?". Nói rồi, Sùng Trinh giơ kiếm lên ý đồ muốn chém chết công chúa Trường Bình, phòng khi con gái bị quân thù dày vò.
Theo bản năng, công chúa Trường Bình vô thức nâng cánh tay trái đỡ. Thanh kiếm lướt qua má của nàng, cắt đứt cánh tay trái của công chúa Trường Bình.
Quá đau đớn và hoảng loạn, công chúa Trường Bình kêu lên một tiếng rồi ngã xuống đất hôn mê. Hoàng đế Sùng Trinh tiến thêm một bước muốn chặt đầu công chúa nhưng hai tay run rẩy dữ dội, cầm kiếm không nổi nên đành thôi. Đây cũng là một trong những cảnh tượng nổi tiếng nhất trong lịch sử Trung Quốc.
Sau khi bị chém đứt cánh tay, ai cũng nghĩ rằng công chúa Trường Bình sẽ chết vì chảy máu quá nhiều nhưng may mắn thay, nàng được cứu giúp và đưa đến phủ của ông ngoại là Chu Khuê.
Chu Khuê vì sợ liên lụy liền cho để công chúa Trường Bình trong một gian nhà trống và tự sinh tự diệt, không ai quan tâm đến nàng.
Công chúa Trường Bình thực sự là mệnh lớn, sau 6 ngày hôn mê, nàng tỉnh dậy và vượt qua nhiều cơn nguy kịch để sống tiếp. Thế nhưng công chúa không hề biết, có lẽ lúc đó chết đi còn sung sướng hơn, sống sót lại càng thêm bất hạnh.
Nhà Thanh sau đó công khai ban thưởng cho việc truy tìm tung tích các hậu duệ của hoàng đế Sùng Trinh. Hoàng tử thì sẽ bị giết, công chúa sẽ được "ưu đãi.
Công chúa Trường Bình sau đó bị nhà Thanh tìm thấy. Chính quyền nhà Thanh cung cấp cho công chúa phí sinh hoạt rất cao. Ông ngoại Chu Khuê được lệnh phải đối xử tử tế với Trường Bình để rêu rao "lòng tốt" của nhà Thanh.
Dù kết hôn công chúa vẫn "ngậm hờn" mà chết
Mất tất cả nhưng vì phận nữ nhi yếu đuối, công chúa Trường Bình không còn cách nào khác là nghe theo số phận. Mỗi ngày, nàng đều lấy nước mắt rửa mắt, đọc kinh Phật để cân bằng cảm xúc, tâm hồn, hy vọng các huynh đệ của mình có thể trốn thoát, ngày nào đó khôi phục Đại Minh, trả lại cuộc sống êm đềm, sung sướng cho nàng.
Trường Bình coi đó là hy vọng và mục tiêu sống duy nhất của nàng. Ngoài sức tưởng tượng của mọi người, thái tử của Hoàng đế Sùng Trinh là Chu Từ Lãng không xuống phía nam mà lại theo loạn quân quay về kinh thành, ăn xin suốt dọc đường rồi tìm được đến phủ của ông ngoại Chu Khuê. Mới đầu, Chu Khuê đối xử rất tốt với Thái tử thế nhưng sau đó sợ tội, ông lén báo cáo lên Thuận Trị đế.
Nhà Thanh không ngờ vị Thái tử kia lại tự chui đầu vào lưới nhanh như vậy. Muốn muốn chặt đứt gốc rễ của nhà Minh nhưng vì đã giả vờ ban chính sách đãi ngộ với hoàng tộc tiền triều nên Thuận Trị đế chuẩn bị một màn kịch đặc sắc. Vị hoàng đế này yêu cầu Chu Khuê ép công chúa Trường Bình phải nói rằng Thái tử Chu Từ Lãng là kẻ giả mạo.
Trường Bình công chúa không chịu liền bị ông ngoại tra tấn dã man, đành phải nói ra lời trái với lòng. Cứ như vậy, Thái tử tiền triều Chu Từ Lãng bị gắn cho tội giả mạo rồi đem giết, chặt đứt hy vọng phục quốc của nhà Minh.
Lúc này công chúa Trường Bình mới 16 tuổi, tuyệt vọng đến mức không thể chịu đựng nổi, công chúa xin Thuận Trị đế được xuất gia đi tu. Tất nhiên triều đình nhà Thanh đã từ chối yêu cầu của nàng không chút do dự vì vẫn muốn làm "hình ảnh" cho mình.
Đáng nói, sau đó Thuận Trị đế còn nối lại tình xưa cho công chúa Trường Bình và Châu Thế Hiển - phò mã được Sùng Trinh hoàng đế lựa chọn trước đây. Nhận được thánh chỉ ban hôn, công chúa Trường Bình như rơi xuống vực sâu. Mặc dù đám cưới sau đó được tổ chức vô cùng xa hoa, tiền thưởng cũng cực kỳ nhiều nhưng nàng công chúa số khổ với trái tim tan nát không thể cảm thấy gì ngoài sự nhục nhã và đau đớn, nàng thực sự không chịu nổi kiểu ân sủng này của Thanh triều.
Vài tháng sau hôn lễ, quân Thanh chiếm được Nam Kinh, giết sạch những người trung thành với nhà Minh còn sót lại. Điều này giánh thêm cho Trường Bình một đòn đả kích nặng nề.
Tháng 10 năm Thuận Trị thứ ba, công chúa Trường Bình lúc này đang mang thai vì quá đau đớn mà lâm bệnh nặng. Hi vọng phục quốc đã bị dập tắt, nàng qua đời khi chưa tròn 18 tuổi, mang theo cả đứa con mới được 5 tháng trong bụng rời xa cõi trần.
Lúc này, triều đình nhà Thanh mới buông tha, cho nàng an táng ở ngoài Quảng Ninh Môn.
Cuộc đời bi thảm của công chúa Trường Bình là chất liệu làm nên nhiều tiểu thuyết, vở kịch, bộ phim trong văn hóa đại chúng. Có nhiều thuyết cho rằng công chúa xuất gia làm ni cô, bí mật luyện tập võ nghệ và trở thành thủ lĩnh của phong trào Phản Thanh phục Minh với võ nghê cao cường. Tuy vậy, các thuyết này đều không hợp lý với dòng thời gian trong lịch sử.