Năng động hơn, sáng tạo hơn
Bản sắc, giá trị văn hóa, con người Việt Nam tiếp tục được kế thừa, phát huy cao độ khi đất nước gặp khó khăn, thử thách do thiên tai, dịch bệnh- nhất là đại dịch Covid-19 từ cuối năm 2019 đến nay.
“Sau 35 năm đổi mới đất nước, việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đạt được những kết quả quan trọng. 35 năm qua, Đảng không ngừng đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo, ban hành nhiều chủ trương, đường lối, nghị quyết, chỉ thị, kết luận về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam”- Ban Tuyên giáo Trung ương nhận định như trên tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc- một sự kiện đặc biệt lớn diễn ra cách nay vài ngày.
Ban Tuyên giáo Trung ương nhìn nhận, tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, tính tích cực xã hội của nhân dân về cơ bản được phát huy. Các tầng lớp xã hội quan tâm hơn đến giáo dục con người toàn diện ngay từ tuổi ấu thơ.
Các giá trị đạo đức truyền thống được giữ gìn, phát huy, đổi mới theo hướng phù hợp với nền kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế. Dân chủ xã hội từng bước được mở rộng, phát huy cùng với quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu đã làm cho con người Việt Nam đổi mới tư duy, năng động, sáng tạo hơn, có nhiều cơ hội tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại.
Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách, pháp luật, tạo cơ sở pháp lý xây dựng và phát triển văn hóa, con người. Quan tâm, tạo cơ chế triển khai chính sách văn hóa trong kinh tế, xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân, văn hóa công sở, văn hóa cơ sở, văn hóa gia đình.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động văn hóa, văn nghệ, báo chí, xuất bản; đấu tranh phòng, chống các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trên lĩnh vực văn hóa.
Nhà nước thúc đẩy việc thực hành quy chế dân chủ ở cơ sở tạo điều kiện phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của các tổ chức xã hội, cộng đồng dân cư và người dân trong tổ chức, quản lý và tiến hành các hoạt động văn hóa.
Chính phủ quan tâm hơn đến đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cán bộ, trang bị kiến thức lý luận chính trị, quản lý nhà nước, nghiệp vụ chuyên môn. Số lượng sinh viên, học sinh theo học ngành văn hóa, nghệ thuật tăng lên.
Nhiều sinh viên tốt nghiệp ra trường tìm được việc làm đúng ngành nghề. Nhà nước điều chỉnh chế độ tiền lương, trợ cấp, danh hiệu, giải thưởng... phù hợp đối với những người hoạt động trong các loại hình văn hóa, nghệ thuật đặc thù, các trí thức, văn nghệ sĩ, nghệ nhân dân gian.
Việc đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật, công nghệ tiên tiến và tập huấn nâng cao chất lượng nhân lực cho hoạt động văn hóa đã được quan tâm. Chính phủ ban hành một số văn bản tạo cơ sở pháp lý phân cấp, phân quyền để đầu tư nguồn lực cho văn hóa.
Nguồn vốn của Nhà nước được sử dụng có hiệu quả, tăng cường cơ sở vật chất, điều kiện hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa- nhất là ở nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, chống sự xuống cấp của các di tích lịch sử văn hóa, quan tâm bảo tồn một số di sản văn hóa phi vật thể truyền thống có nguy cơ mai một, từng bước phát triển một số ngành công nghiệp văn hóa.
Các hoạt động xã hội hóa trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ tạo thêm không gian, điều kiện, nguồn lực, nhân lực để phát triển văn hóa. Việc sắp xếp, đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp văn hóa của Nhà nước có những chuyển biến.
Nhiều đơn vị sự nghiệp văn hóa, nghệ thuật, báo chí, xuất bản đã chuyển sang cơ chế tự chủ hoặc tự chủ một phần, có thêm nguồn lực đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, kỹ thuật, áp dụng công nghệ tiên tiến trong tổ chức, quản lý và hoạt động văn hóa.
Nhân dân các vùng, miền, dân tộc, tôn giáo đóng góp sức người, sức của, tổ chức các hoạt động văn hóa, xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa trên địa bàn. Các cơ quan quản lý nhà nước đã chủ động rà soát, xây dựng lộ trình sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới một số văn bản quy phạm pháp luật nhằm khuyến khích sáng tạo, sản xuất, quảng bá, xuất khẩu sản phẩm văn hóa, tạo môi trường thông thoáng hơn để phát triển thị trường văn hóa,
Xây dựng môi trường văn hóa đạt được một số kết quả tích cực. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với cuộc vận động “Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, xây dựng nếp sống và văn hóa ứng xử nơi công cộng” có kết quả rõ rệt.
Sự liên kết, phối hợp của ba lĩnh vực gia đình - nhà trường - xã hội trong xây dựng tư tưởng, đạo đức, lối sống, nhân cách cho giới trẻ tiếp tục được phát huy. Quy chế dân chủ ở cơ sở với việc xây dựng quy ước văn hóa được quan tâm hơn trong quá trình triển khai thực hiện. Các lễ hội mang màu sắc hình thức, mê tín có chiều hướng giảm dần; môi trường văn hóa ở phần đông các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo đi vào nền nếp, lành mạnh hơn.
Hệ thống thiết chế văn hóa được đầu tư và từng bước chuyển đổi cơ chế, phương thức hoạt động phù hợp hơn với kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng được quản lý tốt hơn, tạo điều kiện để người dân tham gia sáng tạo và hưởng thụ các giá trị văn hóa. Từng bước thu hẹp khoảng cách hưởng thụ văn hóa giữa các vùng, miền, giữa các giai tầng trong xã hội.
35 năm qua, nhiệm vụ bảo tồn, phát huy di sản văn hóa dân tộc có chuyển biến tích cực, tạo cơ chế xử lý hợp lý, hài hòa giữa bảo tồn, phát huy di sản văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội. Di sản văn hóa các dân tộc thiểu số được quan tâm, giữ gìn và phát huy, nhất là nhiệm vụ bảo tồn khẩn cấp văn hóa các dân tộc thiểu số có số dân dưới 1 vạn người, hỗ trợ đầu tư bảo tồn lễ hội, làng, bản, buôn của các dân tộc, tổ chức các lớp truyền dạy chữ dân tộc, duy trì sinh hoạt văn hóa dân gian truyền thống và ngày hội văn hóa các dân tộc ở một số vùng, miền...
Đảng và Nhà nước luôn tôn trọng, bảo đảm quyền tự do sáng tạo gắn với trách nhiệm xã hội và đánh giá cao sự đóng góp của văn nghệ sĩ, trí thức đối với sự nghiệp văn hóa dân tộc. Nền văn học, nghệ thuật của nước nhà khởi sắc, tiếp nối dòng tư tưởng chủ đạo là chủ nghĩa yêu nước, dân tộc, dân chủ, nhân văn, phản ánh chân thật đời sống của nhân dân.
Đấu tranh lên án, đẩy lùi cái xấu, cái ác, những lai căng, lạc lõng; ca ngợi vẻ đẹp của đất nước, con người Việt Nam, thành tựu công cuộc đổi mới, tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống, lịch sử dân tộc, những thành tựu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội.
Nhà nước tiếp tục các chính sách hỗ trợ sáng tác, phong tặng danh hiệu nhà nước, giải thưởng văn học, nghệ thuật, trợ cấp đời sống, quỹ nhà ở xã hội đối với văn nghệ sĩ, trí thức tiêu biểu. Công tác lý luận và phê bình văn hóa, văn nghệ từng bước đổi mới, quan tâm tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, bồi dưỡng lực lượng trẻ, đề cao hoạt động phê bình, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và bản sắc văn hóa dân tộc.
Việc xây dựng văn hóa trong chính trị được triển khai gắn với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành một số văn bản nhằm cụ thể hóa, hiện thực hóa quan điểm, chủ trương xây dựng văn hóa trong chính trị, tăng cường kỷ luật của Đảng.
Chính phủ chủ động xây dựng Chính phủ kiến tạo, phát triển, liêm chính, hành động phục vụ nhân dân. Tiếp tục xây dựng và thực hiện quy hoạch cán bộ, quy chế văn hóa công sở, cải cách thủ tục hành chính, quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan nhà nước.
Đấu tranh chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, quan liêu; đề cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên- nhất là người đứng đầu với quan điểm chức vụ càng cao càng phải gương mẫu. Bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn, ý thức phục vụ nhân dân của cán bộ, đảng viên từng bước được nâng lên. Chuẩn mực văn hóa chính trị từng bước được hình thành.
Bản sắc, giá trị văn hóa, con người Việt Nam tiếp tục được kế thừa, phát huy cao độ khi đất nước gặp khó khăn, thử thách do thiên tai, dịch bệnh- nhất là đại dịch Covid-19 từ cuối năm 2019 đến nay.
Hàng trăm tỷ, hàng ngàn tỷ đồng được quyên góp để hỗ trợ các địa phương và người dân gặp khó khăn từ ngân sách nhà nước, các doanh nghiệp, đoàn thể, cơ quan, đơn vị, doanh nhân và nhà hảo tâm.
Từ khi đại dịch Covid-19 xảy ra cuối năm 2019 và bùng phát gây hậu quả nặng nề, đã có hàng trăm ngàn tỷ đồng góp vào Quỹ phòng, chống Covid-19 và hỗ trợ các địa phương, cơ quan, đơn vị, người dân vùng dịch.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Nhà nước, sự tập hợp lực lượng của Mặt trận Tổ quốc các cấp, cả hệ thống chính trị, các giới, các lực lượng, tiêu biểu là các ngành y tế, quân đội, công an, công đoàn, cựu chiến binh, thanh niên, phụ nữ, nông dân, báo chí, văn hóa, văn nghệ đã hăng hái đi đầu trong cuộc chiến đấu phòng, chống dịch bệnh.
Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/nang-dong-hon-sang-tao-hon-a139800.html