''Nặng gánh'' chuỗi cung ứng lương thực toàn cầu
Không chỉ ảnh hưởng tới thị trường năng lượng, 'điểm nóng' trong quan hệ Nga và Ukraine - hai nước có sản lượng lương thực cao trên thế giới, cùng với viễn cảnh các lệnh trừng phạt với Nga được áp đặt còn gây sức ép nặng nề cho chuỗi cung ứng lương thực toàn cầu và kéo theo sự leo thang giá cả của mặt hàng thiết yếu này.
Thu hoạch lúa mì tại Ukraine.
Theo tờ Economic Times, Nga và Ukraine chiếm khoảng 29% sản lượng lúa mì, 19% sản lượng ngô và 80% dầu hướng dương xuất khẩu toàn cầu. Dữ liệu của Hội đồng ngũ cốc quốc tế cho biết, Ukraine được dự báo là nhà xuất khẩu ngô lớn thứ ba và nhà xuất khẩu lúa mì lớn thứ tư thế giới trong niên vụ 2021-2022, trong khi Nga là nước xuất khẩu lúa mì hàng đầu.
Thống kê của Công ty Nghiên cứu thị trường Refinitiv cho thấy, khoảng 70% lượng lúa mì xuất khẩu của Nga đến tay người mua ở Trung Đông và châu Phi vào năm 2021. Còn theo kênh CNBC, các nhà phân tích cho biết, phần lớn châu Âu có sự phụ thuộc vào sản xuất lúa mì, lúa mạch và lúa mạch đen của Ukraine. Ông Alan Holland, Giám đốc điều hành, người sáng lập Công ty công nghệ tìm nguồn cung ứng Keelvar cho rằng, Ukraine được coi là “giỏ bánh mì” của châu Âu.
Mặc dù còn vài tháng nữa mới đến mùa thu hoạch chính, nhưng những diễn biến nóng bỏng mới nhất đang có nguy cơ làm tăng giá tiêu dùng vào mùa thu này. Chủ tịch Nhóm công nghiệp nguồn cung ứng Dawn Tiura cho biết, không chỉ châu Âu bị ảnh hưởng mà nhiều quốc gia ở các khu vực khác cũng dựa vào nguồn cung lúa mì và ngô của Ukraine, sự gián đoạn nguồn cung có thể ảnh hưởng đến an ninh lương thực ở những khu vực này.
Còn theo tờ Times of India, khi Nga tuyên bố sáp nhập Crimea năm 2014, giá lúa mì đã tăng vọt mặc dù các chuyến hàng vận chuyển bằng đường hàng không không bị ảnh hưởng đáng kể. Trên thực tế, Sàn giao dịch hàng hóa Chicago (CBOT) ngày 22-2 đã chứng kiến giá lúa mì kỳ hạn giao sau tăng 2%. Giá ngô cũng cán mốc cao nhất trong 7 tháng qua, cùng với đó là đà tăng mạnh của giá đậu tương. Cả ba mặt hàng lương thực chủ chốt và là nguyên liệu đầu vào cho thức ăn chăn nuôi đều ghi nhận đà tăng so với năm 2021, do sản lượng toàn cầu sụt giảm và nhu cầu tăng mạnh.
Hồi đầu năm, Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) nhận định, giá lương thực thế giới năm 2021 đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 1 thập kỷ. Chỉ số giá lương thực của FAO đạt trung bình 125,7 điểm vào năm 2021, cao nhất kể từ năm 2011 và cao hơn 28,1% so với năm trước đó. Giá lương thực tăng cũng góp phần làm tăng lạm phát trên diện rộng, trong bối cảnh các nền kinh tế toàn cầu chật vật để phục hồi trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Nhà kinh tế trưởng của FAO Abdolreza Abbassian nhận định, thông thường giá cả cao sẽ thúc đẩy việc tăng sản lượng. Song chi phí đầu vào tăng, đại dịch toàn cầu diễn biến phức tạp... đã hạ thấp triển vọng về việc thị trường trở nên ổn định hơn vào năm 2022.
Bên cạnh đó, ông Per Hong, nhân sự cấp cao của Công ty Tư vấn Kearney (Mỹ) chỉ ra rằng, bất kỳ sự gián đoạn nào đối với nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên sẽ ảnh hưởng đến việc sản xuất các sản phẩm sử dụng nhiều năng lượng như phân bón và điều đó sẽ ảnh hưởng đến nông nghiệp. Cùng với đà tăng giá dầu, việc sử dụng ngày càng nhiều hàng nông sản để sản xuất nhiên liệu thay thế lại càng khiến nhu cầu trên thị trường tăng mạnh.
Hãng tin Reuters nhận định, mọi sự gián đoạn đối với “dòng chảy” lương thực đều có thể gây ra tác động lớn đến giá cả và tiếp tục thúc đẩy giá tăng vào thời điểm mà khả năng chi trả là mối quan tâm lớn trên toàn cầu sau thiệt hại kinh tế do đại dịch Covid-19 gây ra. Do đó, những gì xảy ra giữa các bên đều đang được theo dõi sát sao, bởi nó có tác động không nhỏ đến thị trường lương thực toàn cầu.