Nâng gấp đôi mức phạt tiền đối với hành vi bạo hành trẻ em

Nhằm nâng cao nhận thức của xã hội về mức độ nghiêm trọng của các hành vi bạo lực với trẻ em, Chính phủ vừa ban hành Nghị định 130/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo trợ, trợ giúp xã hội và trẻ em (gọi tắt là Nghị định 130).

Trẻ em là đối tượng cần được chăm sóc, bảo vệ, giáo dục trong môi trường tốt nhất. Trong ảnh: Học sinh Trường tiểu học Nguyễn An Ninh (TP.Biên Hòa) trong giờ ra chơi. Ảnh tư liệu: Kim Liễu

Trẻ em là đối tượng cần được chăm sóc, bảo vệ, giáo dục trong môi trường tốt nhất. Trong ảnh: Học sinh Trường tiểu học Nguyễn An Ninh (TP.Biên Hòa) trong giờ ra chơi. Ảnh tư liệu: Kim Liễu

Không chỉ nâng mức phạt đối với hành vi bạo lực với trẻ em, Nghị định 130 còn quy định rõ mức phạt đối với các hành vi cố tình “làm ngơ”, vô trách nhiệm trước việc trẻ em bị bạo lực. Nhiều người kỳ vọng đây sẽ là công cụ pháp lý hiệu quả trong bảo vệ trẻ, góp phần ngăn chặn tình trạng bạo lực trẻ em. Đơn cử như vụ việc đánh đập khiến một bé gái 8 tuổi ở TP.HCM thiệt mạng gây bức xúc trong dư luận thời gian qua.

* Bạo lực, bỏ rơi trẻ… bị phạt tới 25 triệu đồng

Nghị định 130 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-1-2022, thay thế Nghị định 144/2013/NĐ-CP ngày 29-10-2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo trợ, trợ giúp xã hội và trẻ em. Điểm mới của Nghị định 130 là nâng gấp đôi mức xử phạt nhóm hành vi bạo lực với trẻ em so với nghị định cũ.

Theo đó, mức phạt tiền từ 10-20 triệu đồng áp dụng cho các hành vi bạo lực với trẻ em như: bắt nhịn ăn, nhịn uống, không cho hoặc hạn chế vệ sinh cá nhân; bắt sống ở nơi có môi trường độc hại, nguy hiểm hoặc các hình thức đối xử tồi tệ khác với trẻ em; gây tổn hại về tinh thần, xúc phạm nhân phẩm, danh dự, lăng mạ, chửi mắng, đe dọa, cách ly ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em.

Các hành vi gồm: cô lập, xua đuổi hoặc dùng các biện pháp trừng phạt để dạy trẻ em gây tổn hại về thể chất, tinh thần của trẻ em; thường xuyên đe dọa trẻ em bằng các hình ảnh, âm thanh, con vật, đồ vật làm trẻ em sợ hãi, tổn hại về tinh thần theo Nghị định 130 cũng sẽ bị phạt từ 10-20 triệu đồng.

Theo Nghị định 130, cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em có hành vi cố ý bỏ rơi trẻ em sẽ bị phạt từ 20-25 triệu đồng. Các hành vi tổ chức, ép buộc trẻ em đi xin ăn; cho thuê, cho mượn trẻ em hoặc sử dụng trẻ em để xin ăn bị phạt tiền từ 10-15 triệu đồng.

Đặc biệt, mức phạt tiền từ 20-25 triệu đồng áp dụng cho các hành vi: dẫn dắt, rủ rê, xúi giục, lôi kéo, kích động, lợi dụng trẻ em lao động trái quy định; bắt trẻ lao động trước tuổi, làm việc nặng nhọc, nguy hiểm…

* Để Nghị định 130 là công cụ pháp lý bảo vệ trẻ hiệu quả

Bên cạnh việc nâng mức phạt đối với hành vi bạo lực trẻ em, Nghị định 130 còn quy định rõ mức phạt đối với các hành vi cố tình “làm ngơ”, vô trách nhiệm trước việc trẻ em bị bạo lực. Cụ thể, Điều 28 Nghị định 130 quy định phạt tiền từ 5-10 triệu đồng đối với một trong các hành vi: không thông báo, không cung cấp hoặc che giấu thông tin về việc trẻ em có nguy cơ bị bóc lột, bị bạo lực và có nguy cơ bị xâm hại khác cho cơ quan, cá nhân có thẩm quyền.

Quy định này được nhiều người đồng tình và đánh giá cao. Bà Đặng Thị Hồng Phúc (ngụ P.Hố Nai, TP.Biên Hòa) chia sẻ, nhiều vụ trẻ bị bạo hành xảy ra gần đây, mới nhất là vụ cháu bé 8 tuổi ở TP.HCM bị người tình của cha đánh đập tàn nhẫn dẫn đến tử vong cho thấy sự vô tâm của người lớn. Chính vì không có sự can thiệp kịp thời nên đã dẫn đến hậu quả đáng tiếc xảy ra. “Giờ đã có quy định chế tài rõ ràng, tôi tin khi các vi phạm được cơ quan chức năng xử lý nghiêm thì mọi người sẽ ý thức hơn về trách nhiệm của mình trong việc quan tâm, bảo vệ, chăm sóc trẻ em” - bà Phúc nói.

Để các quy định của Nghị định 130 đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả và thực sự trở thành công cụ pháp lý hiệu quả trong việc bảo vệ trẻ trước bạo lực, bóc lột lao động..., theo luật sư Ngô Văn Định, Phó giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý Hội Luật gia tỉnh, cần đẩy mạnh công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân về phòng ngừa bạo lực, xâm hại trẻ em. Khi hiểu rõ, hành vi vi phạm, người dân sẽ ý thức hơn, tránh vi phạm; đồng thời, sẽ nhận dạng, phát hiện và báo cáo kịp thời với các cơ quan chức năng để xử lý nghiêm khắc. Bởi trên thực tế, nhiều người lớn không nhận biết được đâu là hành vi bạo lực với trẻ em và coi đó là hành vi bình thường để giáo dục trẻ như trừng phạt, đe dọa trẻ em bằng nhiều hình thức.

Kim Liễu

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/bandoc/202201/nang-gap-doi-muc-phat-tien-doi-voi-hanh-vi-bao-hanh-tre-em-3098418/