Nâng giá trị vùng nguyên liệu tre, luồng Bắc Trung Bộ

Thanh Hóa và Nghệ An là hai tỉnh có diện tích tre, luồng lớn nhất cả nước, với diện tích hơn 110 nghìn ha, tập trung ở các huyện nghèo miền núi phía tây. Thời gian qua, tre, luồng được xem là cây xóa đói, giảm nghèo cho bà con dân tộc thiểu số hai tỉnh này.

Nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ làm từ tre mét được thị trường ưa chuộng. (Ảnh THANH PHÚC)

Nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ làm từ tre mét được thị trường ưa chuộng. (Ảnh THANH PHÚC)

Tuy nhiên, hiện nay người dân vẫn khai thác bán thô là chủ yếu, cho giá trị kinh tế không cao. Vì thế, hai tỉnh cần tiếp tục có các chính sách phát triển tre, luồng để khuyến khích người dân, doanh nghiệp, tổ chức tham gia phát triển vùng nguyên liệu gắn với chế biến sâu, góp phần xóa đói, giảm nghèo cho người nghèo, cho bà con dân tộc ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới…

Cây sinh kế cho người dân vùng thượng

Đến các huyện Con Cuông, Tương Dương, Quế Phong, Quỳ Châu thuộc tỉnh Nghệ An; Ngọc Lặc, Lang Chánh, Bá Thước, Quan Hóa, Quan Sơn, vùng thượng du Thanh Hóa, hệ sinh thái đặc trưng là thảm rừng tre, luồng trải rộng hai bên bờ sông, suối, đứng chân trên đồi thấp, bao phủ các sườn núi... Thời điểm này, người dân ở các huyện miền núi Thanh Hóa và Nghệ An đang thu hoạch tre, luồng. Giá bán mỗi cây tre, luồng hiện dao động từ 15.000 đến 30.000 đồng nên nông dân rất phấn khởi. Nhiều hộ không chỉ thoát nghèo nhờ tre, luồng mà vươn tới nhóm hộ khá, giàu.

Anh Kha Văn Hợi (38 tuổi) ở bản Tam Liên, xã Tam Quang, huyện 30a Tương Dương (Nghệ An) bộc bạch, thừa kế 2ha mét (mét là một loại tre rừng, từ Thanh Hóa trở ra bắc gọi mét là luồng) ở khu vực dốc Pu Hín Hạ, anh xem là của để dành. Cần tiền đóng học phí cho con, hay thiếu gạo ăn..., gia đình mới vào rừng thu hoạch. Làm thợ nề, thu nhập không ổn định nhưng nhờ rừng mét cộng với hai sào ruộng lúa, nuôi ba con bò nên cuộc sống của gia đình anh tạm ổn. Anh Hợi nhẩm tính: Bình quân mỗi héc-ta trồng khoảng 200 ụ (bụi) mét, sau bảy năm cho thu hoạch. Mỗi năm thu hoạch từ 5 đến 8 cây/ụ, bán giá 15-23 nghìn đồng/cây, cho thu nhập khoảng 20 triệu đồng/ha. Chăm sóc mét rất đơn giản, tuân thủ nguyên tắc thu hoạch sát gốc; đến mùa măng mọc thì không thu hoạch, ngăn không cho trâu bò vào phá. Bố anh Hợi, ông Kha Văn Xuân (80 tuổi) phụ họa: Lương hưu của tôi để trong rừng mét, khi cần chi tiêu thì vào rừng mét thu hoạch hay đào măng bán... Mỗi tháng thu hoạch khoảng 200 cây mét, đã thu hơn ba triệu đồng.

Phó Chủ tịch UBND xã biên giới Tam Quang Quang Văn Mạo cho biết, Tam Quang trồng hơn 800ha cây mét; tập trung ở các bản: Tam Bông 257ha, Tam Liên 240ha, Tam Hương 150ha… Gần 2/3 số hộ trong xã (khoảng 1.200 hộ) có rừng mét trong kỳ thu hoạch nên cuộc sống khá ổn định. Nhiều chủ hộ như A Văn Toàn, Lữ Thanh Long… ở bản Tam Bông sở hữu 12ha mét/hộ, cho thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm. Vừa qua, có gần 100 lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 từ miền nam hồi hương, nhờ rừng mét mà sớm ổn định cuộc sống. Phó Chủ tịch UBND xã Quang Văn Mạo ghi nhận: Diện tích rừng mét lớn, cho thu nhập ổn định, thiết thực cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân các dân tộc, góp phần đưa Tam Quang, xã 135 biên giới đầu tiên của tỉnh Nghệ An về đích nông thôn mới vào năm 2017.

Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương Nguyễn Hữu Hiến cho biết: Huyện đã lập đề án phát triển vùng nguyên liệu mét gắn với chế biến, giai đoạn 2020-2025 cùng các chính sách lồng ghép hỗ trợ cây giống. Đến nay, toàn huyện có 1.900ha mét, tập trung các xã Tam Quang, Tam Thái, Yên Thắng…; phấn đấu đến năm 2025, huyện sẽ nâng tổng diện tích tre, mét nguyên liệu các loại lên hơn 30 nghìn ha. “Đã có nhà đầu tư lên Tương Dương khảo sát, nghiên cứu để phát triển hàng nghìn héc-ta rừng mét trên đất trống, đồi núi trọc và trồng xen canh ở vùng rừng nghèo kiệt gắn với xây dựng nhà máy chế biến”, Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương cho biết thêm.

Huyện Con Cuông cũng là một trong những “thủ phủ” tre, mét ở tỉnh Nghệ An với hơn 3.000ha đang cho khai thác. Cây mét tập trung nhiều ở các xã: Châu Khê, Bồng Khê, Chi Khê, Bình Chuẩn, Lạng Khê, Môn Sơn, Lục Dạ… Bình quân mỗi năm người dân thu hoạch, bán ra thị trường hơn 1,5 triệu cây, đạt doanh thu 30 tỷ đồng. Trên địa bàn huyện Con Cuông, ngoài các làng nghề mây, tre đan truyền thống còn có các doanh nghiệp, xưởng sản xuất sử dụng nguyên liệu mét sẵn có tại địa phương được thị trường ưa chuộng, một số sản phẩm đã xuất khẩu ra nước ngoài, tạo ra hướng mở nâng cao giá trị cây mét, giúp người dân yên tâm sản xuất, tạo sinh kế bền vững từ trồng và bảo vệ rừng.

Giới thiệu sản phẩm mây tre đan xuất khẩu cao cấp ở thành phố Vinh, Nghệ An.

Tại huyện miền núi Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa, nơi có hơn 13.000 ha luồng phân bố ở tất cả 10 xã, thị trấn, cho sản lượng khai thác 8-10 triệu cây/năm. Luồng là cây bản địa, đồng hành cùng người dân địa phương trong phát triển kinh tế hộ, tiếp tục được xác định là cây kinh tế mũi nhọn trên đất lâm nghiệp. Nhằm thay đổi tập quán “trồng, rồi để cho cây luồng phát triển tự nhiên”, khích lệ nông dân đầu tư thâm canh rừng luồng, Thanh Hóa có chính sách hỗ trợ bón phân, mức 2,5 triệu đồng/ha trong thời gian hai năm; hỗ trợ 230 triệu đồng làm đường lâm sinh đến khu vực có quy mô 200 ha rừng trồng tập trung. Theo đó, giai đoạn 2016-2020, huyện Lang Chánh đã phục tráng hơn 1.500 ha luồng, vận động nhân dân chủ động đầu tư thâm canh 5.000 ha luồng…

Cùng với đó, địa bàn miền núi Nghệ An có cây lùng (họ tre), phân bố chủ yếu ở Quế Phong, Quỳ Châu, trữ lượng gần 219 triệu cây. Lùng có đốt dài, thân to, dẻo, thích hợp cho phát triển mây, tre đan xuất khẩu. Tỉnh Nghệ An khai thác bình quân khoảng 25 triệu cây lùng/năm; tỉnh Thanh Hóa khai thác 60 triệu cây luồng/năm. Do ít đầu tư chăm sóc rừng lùng, luồng; khai thác không đúng quy trình, kỹ thuật, thậm chí khai thác quá mức theo nhu cầu thị trường nên thảm rừng lùng, luồng nảy sinh hiện trạng thoái hóa.

Hiện các địa phương chú trọng hướng dẫn, hỗ trợ các chủ rừng phục tráng, thâm canh, khoanh nuôi, bảo vệ thảm rừng lùng, luồng hiện có. Một số tổ chức quốc tế như OXFAM hỗ trợ phục tráng rừng lùng ở xã Châu Thắng, huyện Quỳ Châu hay Quỹ Môi trường toàn cầu hỗ trợ phát triển cây mét theo chuỗi giá trị tại xã Tam Quang, Tam Hợp (Tương Dương). Đã có gần 850ha lùng ở huyện Quế Phong được cấp Chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC) và huyện Quỳ Châu cũng đang triển khai các bước để sớm hoàn tất việc cấp Chứng chỉ FSC cho hơn 660 ha rừng lùng tại các xã Châu Thắng, Châu Hạnh… Dự kiến tỉnh Thanh Hóa phấn đấu đến năm 2025 có 112 nghìn héc-ta tre, luồng, vầu tập trung, trong đó 8% diện tích được cấp Chứng chỉ FSC. Bên cạnh đó, hai tỉnh luôn quan tâm, tập trung lãnh đạo, điều hành nâng cao chất lượng giống tre, luồng nhằm nâng cao sản lượng.

Tạo chuỗi giá trị cho cây tre, luồng

Tre, luồng là loài cây vừa có tác dụng phòng hộ, vừa có giá trị kinh tế trước mắt, lâu dài. Với tổng diện tích hơn 110.000ha, cho sản lượng khai thác khoảng 100 triệu cây/năm; rừng tre, luồng thuần loài ở nhiều huyện vùng thượng du Nghệ An, Thanh Hóa tạo thành vùng nguyên liệu tập trung cho ngành công nghiệp sản xuất giấy, chế biến sâu các sản phẩm thân thiện môi trường. Hàng chục nghìn người dân cũng đang canh tác, gắn bó cây luồng, đạt doanh thu hàng chục đến hàng trăm triệu đồng/năm. Ở Thanh Hóa, riêng hoạt động thu hoạch, chế biến luồng tạo việc làm cho 102 nghìn lao động, chiếm gần 41% lao động trong ngành lâm nghiệp.

Hiện tre, luồng được sử dụng làm nguyên liệu giấy, vật liệu xây dựng, ván ép, tăm, mành, đũa xuất khẩu; làm đồ trang trí, mỹ nghệ, chế biến thành than hoạt tính... Thanh Hóa có 50 cơ sở chế biến tre, luồng nhưng phần lớn là sơ chế, sản xuất bột giấy nên giá trị xuất khẩu sản phẩm từ tre, luồng mới đạt bình quân 2,17 triệu USD/năm. Nghệ An có một số doanh nghiệp sản xuất bột giấy hay liên kết với doanh nghiệp ở Hà Nội, các tỉnh phía bắc sản xuất tăm, hương; số ít doanh nghiệp tiên phong trong chế biến tre, luồng tiêu thụ nội địa và xuất khẩu, như Công ty Đức Phong, Công ty Thành Công, Lâm sản Khánh Tâm, Hợp tác xã Mây tre đan Bản Diềm, Công ty tre Trà Lân… Tuy nhiên, hình thức liên kết theo chuỗi giá trị trong sản xuất chưa phát triển, các nhà máy chế biến chưa gắn kết với vùng nguyên liệu; ứng dụng công nghệ mới vào chế biến tre, luồng chưa nhiều nên giá trị kinh tế không cao, lãng phí tài nguyên; một số cơ sở chế biến bột giấy, giấy vàng mã gây ô nhiễm môi trường.

Hiện nhiều địa phương ở Thanh Hóa và Nghệ An có chính sách khuyến khích thành lập các hợp tác xã, doanh nghiệp chế biến tre, luồng để làm mây tre đan, chân hương xuất khẩu, viên nén sinh khối, tăm tre… Phó Chủ tịch UBND huyện Lang Chánh Lê Đức Tiến trao đổi: Huyện định hướng phát triển 9.200ha rừng luồng thâm canh theo quy hoạch gắn với chế biến sâu. Tại cụm công nghiệp Bãi Bùi, Công ty cổ phần Bamboo King Vina đang triển khai xây lắp nhà máy chế biến tre, luồng công nghệ cao có tổng mức đầu tư gần 300 tỷ đồng tạo ra các sản phẩm ván ép, cọc chống cho ngành trồng trọt, đồ gia dụng, thủ công mỹ nghệ từ luồng. Dự kiến, quý III năm nay, nhà máy đưa dây chuyền sấy luồng vào hoạt động; quý I/2023 sẽ hoàn thành đầu tư, sản xuất đa sản phẩm từ luồng có công suất chế biến 1.500 tấn nguyên liệu/ngày...

Theo Hiệp hội Tre luồng Thanh Hóa, loài cây này có khả năng hấp thụ CO2 gấp năm lần các loại cây xanh khác; sau hấp, sấy, ép thành gỗ có độ cứng chỉ xếp sau sắt thép và khi ứng dụng công nghệ nhiệt phân, chế biến thành các sản phẩm phân bón. Qua chế biến, tre, luồng được ví như “vàng đen”, có giá trị gấp hàng chục lần bán nguyên liệu thô.

Chi cục trưởng Kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa Mai Xuân Phúc nhấn mạnh: Thanh Hóa tiếp tục thu hút đầu tư chế biến sâu, nâng cao giá trị kinh tế từ tre, luồng. Khuyến khích cơ sở chế biến liên doanh, liên kết với các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư có rừng luồng và có đất trồng luồng để bảo đảm vùng nguyên liệu; hỗ trợ các doanh nghiệp địa phương đào tạo nghề, chuyển giao công nghệ sản xuất, quản lý (FSC, ISO: 9001,…) và tiếp cận với các thị trường tiềm năng nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Tuy nhiên, phần lớn các địa phương hai tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An vẫn chủ yếu khai thác thô để bán, giá trị kinh tế không cao. Để phát huy giá trị tre, luồng, các bộ, ngành liên quan cùng các địa phương cần xác định đây là cây mũi nhọn, chủ lực ở vùng thượng du Thanh Hóa, Nghệ An, có chính sách thu hút các thành phần kinh tế đầu tư chế biến sâu tre, luồng để nhân dân vùng miền núi, dân tộc thiểu số thực hiện hiệu quả mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững... ■

THÀNH CHÂU và MAI LUẬN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tin-tuc-kinh-te/nang-gia-tri-vung-nguyen-lieu-tre-luong-bac-trung-bo-700125/