Nâng hạn mức trả tiền bảo hiểm - người gửi tiền được bảo vệ tốt hơn
Hạn mức trả tiền bảo hiểm là công cụ cốt lõi để Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) thực hiện chính sách BHTG, qua đó góp phần thực thi kỷ luật thị trường và củng cố niềm tin công chúng vào chính sách BHTG, hệ thống các tổ chức tín dụng cũng như hoạt động ngân hàng.
Theo Khoản 1 Điều 24 Luật Bảo hiểm tiền gửi (BHTG), hạn mức bảo hiểm tiền gửi là số tiền tối đa mà tổ chức BHTG trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm của một người tại một tổ chức tham gia BHTG khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm. Hạn mức trả tiền bảo hiểm là công cụ cốt lõi để Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) thực hiện chính sách BHTG, qua đó góp phần thực thi kỷ luật thị trường và củng cố niềm tin công chúng vào chính sách BHTG, hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) cũng như hoạt động ngân hàng.
Hạn mức bảo hiểm tiền gửi tăng dần qua các năm
Hạn mức BHTG được xác định phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của từng quốc gia và phụ thuộc vào các yếu tố cơ bản sau: Thu nhập quốc nội bình quân đầu người (GDP); quy mô quỹ BHTG; tỷ lệ người gửi tiền được bảo vệ trên tổng số người gửi tiền.
Hạn mức chi trả được khuyến nghị là không quá cao để người gửi tiền quan tâm, lựa chọn tổ chức hoạt động an toàn để gửi tiền, đồng thời không quá thấp để khuyến khích người gửi tiền an tâm gửi tiền vào hệ thống ngân hàng.
Ở Việt Nam, hạn mức BHTG ban đầu (năm 1999) là 30 triệu đồng cho mỗi người gửi tiền tại một tổ chức tham gia BHTG. Hạn mức này được đánh giá là phù hợp với thông lệ quốc tế vào thời điểm áp dụng, tức là tương đương gấp 5,5 lần GDP bình quân đầu người và bảo vệ được toàn bộ tài khoản của khoảng 80% số người gửi tiền nếu ngân hàng bị phá sản, giải thể, trong khi hạn mức chi trả trên thế giới vào khoảng 3-12 lần GDP bình quân.
Năm 2005, hạn mức BHTG được điều chỉnh tăng lên 50 triệu đồng, bảo vệ được toàn bộ tài khoản khoảng 81% khách hàng gửi tiền và tương đương 3 lần GDP bình quân đầu người.
Năm 2017, hạn mức BHTG tăng lên 75 triệu đồng, có khả năng bảo vệ toàn bộ được 87,32% số lượng người gửi tiền, và gấp khoảng 1,5 lần GDP bình quân đầu người của năm 2016.
Người gửi tiền sẽ được bảo vệ tốt hơn. Ảnh: ML
Với tốc độ tăng trưởng kinh tế và tốc độ tăng giá tiêu dùng trong suốt 4 năm vừa qua, hạn mức này đến nay đã trở nên lỗi thời, do thu nhập và số dư tiền gửi bình quân của người gửi tiền đã tăng vượt xa mức 75 triệu đồng. Khi tổ chức tham gia BHTG bị đóng cửa, phá sản, phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm, người gửi tiền chỉ được chi trả tối đa 75 triệu đồng là con số quá ít, chỉ gấp khoảng 1,2 lần GDP bình quân đầu người ở nước ta năm 2020 – khoảng 2.750 USD, thấp hơn rất nhiều so với thông lệ quốc tế.
Người gửi tiền được bảo vệ tốt hơn
Theo kinh nghiệm quốc tế, hạn mức BHTG càng cao ở mức hợp lý, thì người gửi tiền càng yên tâm hơn khi gửi tiền vào hệ thống ngân hàng. Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến khó lường trên toàn thế giới, nhiều nước như Armenia, Kenya, Bangladesh, Jamaica hay Philippines...cũng đã đánh giá, đề xuất nâng hạn mức BHTG hoặc đã điều chỉnh tăng hạn mức BHTG nhằm mở rộng khả năng bảo vệ người gửi tiền.
Tại Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước đã trình Chính phủ tăng hạn mức BHTG lên 125 triệu đồng đối với mỗi người gửi tiền tại một tổ chức tham gia BHTG, tức là tương đương gần 2 lần GDP bình quân năm 2020 và bảo vệ được khoảng 90,94% người gửi tiền, phù hợp với mức khuyến nghị 90 - 95% của Hiệp hội BHTG quốc tế (IADI).
Hạn mức này cũng được đánh giá phù hợp với năng lực tài chính của BHTGVN. Tính đến hết 31/7/2021, tổng tài sản của BHTGVN đạt hơn 70.000 tỷ đồng, trong đó Quỹ dự phòng nghiệp vụ đạt hơn 64.000 tỷ đồng. Đây là nền tảng tài chính quan trọng giúp BHTGVN có đủ khả năng hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ người gửi tiền thông qua việc chi trả tiền bảo hiểm với hạn mức phù hợp với thông lệ, chuẩn mực quốc tế mà không cần tăng phí BHTG.
Với hạn mức BHTG mới, niềm tin của người gửi tiền sẽ ngày càng được củng cố, giúp thu hút được nguồn vốn nhàn rỗi trong dân cư vào hệ thống các TCTD nhiều hơn, qua đó góp phần tạo động lực cho tăng trưởng, đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang tác động bất lợi tới nền kinh tế.