Nâng hạng lên thị trường mới nổi có thể thu hút dòng vốn từ các quỹ tăng hàng tỷ USD
Các chuyên gia cho rằng, với việc nâng hạng chứng khoán lên thị trường mới nổi, theo ước tính sơ bộ dòng vốn từ các quỹ ETF có thể lên đến 1,7 tỷ USD, chưa tính đến dòng vốn từ các quỹ chủ động (FTSE Russell ước tính tổng tài sản từ các quỹ chủ động gấp 5 lần so với các quỹ ETF).
Cơ hội để phát triển thị trường vốn
Nhận định về việc dòng vốn sẽ đổ vào thị trường chứng khoán Việt Nam nếu sự kiện nâng hạng thị trường chứng khoán lên thị trường mới nổi thành công, ông Huỳnh Anh Tuấn – Tổng giám đốc Công ty CP Chứng khoán Đông Á (DAS) cho hay, ngày 18/9/2024, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 68/2024/TT-BTC, cho phép nhà đầu tư tổ chức nước ngoài giao dịch mua cổ phiếu không yêu cầu có đủ tiền khi đặt lệnh.
Quy định này đã tháo gỡ một nút thắt quan trọng về cơ chế, giúp thị trường chứng khoán Việt Nam đến gần hơn mục tiêu nâng hạng lên thị trường mới nổi. Đây là một cột mốc quan trọng, đánh dấu sự trưởng thành và hội nhập sâu rộng của nền kinh tế Việt Nam vào thị trường tài chính toàn cầu.
Sự kiện này không chỉ mang lại những cơ hội phát triển mới cho thị trường chứng khoán mà còn tác động sâu sắc đến nền kinh tế nói chung. Trong bối cảnh khối ngoại bán ròng 2,6 tỷ USD trên sàn HOSE từ đầu năm 2024 đến nay, thì việc thu hút dòng tiền phân bổ từ các quỹ đầu tư tham chiếu chỉ số FTSE Emerging markets Index, được nhiều chuyên gia dự báo có thể lên đến hàng tỷ USD, sẽ là một yếu tố quan trọng đối với sự phát triển của thị trường.
“Nhà đầu nên nắm bắt cơ hội trước khi thị trường được nâng hạng vì đa phần thì từ 1- 2 năm trước thời điểm nâng hạng chính thức, thị trường chứng khoán đều có dấu hiệu bật tăng. Cụ thể: Qatar tăng hơn 45% từ (9 tháng đầu năm 2013 đến cùng kỳ năm 2014), Saudi Arabia tăng hơn 23% (3 tháng đầu năm 2017 đến cùng kỳ năm 2018), Romania tăng hơn 18% từ (9 tháng đầu năm 2018 đến cùng kỳ năm 2019)”
Qua đó, ông Huỳnh Anh Tuấn đã có phân tích về những tác động tích cực và tiêu cực của việc nâng hạng; đồng thời đưa ra một số gợi ý để tận dụng tối đa cơ hội và giảm thiểu rủi ro, với trọng tâm là phân tích tác động lên các ngành. Cụ thể:
Theo ông Tuấn, dịp này sẽ là cơ hội để thu hút dòng vốn ngoại, phát triển thị trường vốn. Trong khi dòng vốn FDI vào Việt Nam năm 2023 đã tăng 32% so với năm trước đó, đạt mức 36,6 tỷ USD (tập trung chủ yếu vào các ngành chế biến, chế tạo và bất động sản) thì dòng vốn gián tiếp chưa đạt được như kỳ vọng.
Việc được công nhận là thị trường mới nổi sẽ thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư tổ chức lớn trên thế giới, qua đó gia tăng lượng vốn ngoại chảy vào thị trường chứng khoán Việt Nam.
Song song đó, nâng cao vị thế của doanh nghiệp Việt khi các doanh nghiệp niêm yết có quy mô lớn thường sẽ có cơ hội tiếp cận nguồn vốn lớn để đầu tư vào công nghệ, đổi mới sản phẩm và mở rộng thị trường, từ đó giá cô phiếu cũng tăng theo.
Những thách thức đi kèm
Bên cạnh những kỳ vọng sau khi nâng hạng thị trường chứng khoán, CEO Công ty CP Chứng khoán Đông Á cũng chỉ ra những thách thức mà các doanh nghiệp cũng như cơ quan quản lý cần đối mặt.
Theo ông Tuấn, với sự gia nhập của nhiều nhà đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp niêm yết sẽ phải đối mặt với áp lực về hiệu quả hoạt động, cạnh tranh thu hút vốn với các doanh nghiệp thế giới dẫn đến áp lực giữ hạng.
Một yếu tố khác là biến động thị trường khi mà dòng vốn ETF vào nhiều và sẵn sàng rút đi theo các tiêu chí kỹ thuật về phân bổ vốn đầu tư giữa các quốc gia, sẽ làm chỉ số VN-Index biến động mạnh hơn, đặc biệt trong những thời kỳ khủng hoảng kinh tế toàn cầu.
Đồng thời, khả năng rủi ro bong bóng tài sản bởi việc dòng vốn đổ vào quá nhanh có thể dẫn đến tình trạng định giá tài sản bị đẩy lên quá cao, tiềm ẩn rủi ro bong bóng.
Ông Tuấn cũng cho hay, khi nâng hạng thị trường chứng khoán yêu cầu về minh bạch và quản trị doanh nghiệp cao hơn nên doanh nghiệp cần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của minh bạch. Ngoài ra, doanh nghiệp còn cần nâng cao năng lực cạnh tranh, minh bạch hóa hoạt động và tuân thủ các quy định của pháp luật.
“Việc nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam lên "mới nổi" là một cơ hội lớn nhưng cũng đi kèm với nhiều thách thức. Để tận dụng tối đa cơ hội và giảm thiểu rủi ro, các bên liên quan cần có những hành động cụ thể. Trong đó, Nhà nước tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chất lượng quản lý thị trường và hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ” - ông Tuấn nói.