Nâng hạng tạo 'bước ngoặt' phát triển mới của thị trường chứng khoán
Phát biểu tại hội thảo khoa học chủ đề 'Giải pháp nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam' ngày 16/4, TS. Nguyễn Như Quỳnh - Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách tài chính (Bộ Tài chính) nhấn mạnh, việc nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ là bước ngoặt quan trọng cho giai đoạn phát triển mới của thị trường; góp phần tăng quy mô, nâng cao hiệu quả huy động và sử dụng vốn, thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước.
Sẽ là bước ngoặt cho một giai đoạn mới
Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Nguyễn Như Quỳnh - Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách tài chính, đã khẳng định, thị trường chứng khoán (TTCK) là kênh huy động vốn quan trọng cho nền kinh tế. Năm 2023, tổng giá trị huy động vốn qua TTCK đạt hơn 418 nghìn tỷ đồng, tăng 33,5% so với năm 2022.
Tính đến ngày 12/4/2024, chỉ số VN-Index đạt 1.276,6 điểm, tăng 13% so với cuối năm 2023. Vốn hóa của thị trường cổ phiếu đạt 6,8 triệu tỷ đồng, tăng 13,8% so với cuối năm 2023, tương đương với 66,1% GDP ước tính của năm 2023.
“Việc nâng hạng TTCK Việt Nam sẽ là bước ngoặt quan trọng cho giai đoạn phát triển mới của thị trường, góp phần tăng quy mô, nâng cao hiệu quả huy động và sử dụng vốn, thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước” - TS. Nguyễn Như Quỳnh nhấn mạnh.
Các giải pháp nâng hạng TTCK có ý nghĩa thiết thực và hữu ích
“Các nội dung trao đổi, thảo luận về cơ hội, thách thức khi nâng hạng TTCK, giải pháp nâng hạng TTCK Việt Nam là những vấn đề mà hiện nay Bộ Tài chính đang rất quan tâm, có ý nghĩa vô cùng thiết thực và hữu ích cho Bộ Tài chính trong thực hiện chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, huy động nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội” - Chủ tịch UBCKNN Vũ Thị Chân Phương
Theo Quyết định 1726/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển TTCK đến năm 2030, mục tiêu tổng quát của chiến lược là phát triển TTCK ổn định, an toàn, lành mạnh, hiệu quả, bền vững, hội nhập; với quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 100% GDP vào năm 2025 và đạt 120% GDP vào năm 2030. Trong đó, có mục tiêu cụ thể là phấn đấu đến năm 2025 nâng hạng TTCK Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi theo tiêu chuẩn phân hạng TTCK của các tổ chức quốc tế.
Vừa qua, tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển TTCK, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương phối hợp, xử lý nhanh chóng, sớm có kết quả các vướng mắc thuộc trách nhiệm của ngành mình để đáp ứng được quy định tiêu chí nâng hạng TTCK từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi.
Mục tiêu nâng hạng TTCK cũng được đề cập tại các công điện của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các giải pháp thúc đẩy TTCK phát triển an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững và tại các nghị quyết điều hành của Chính phủ về phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả.
“Nâng hạng TTCK là vấn đề quan trọng, liên quan đến nhiều bộ, ngành. Đồng thời, việc nâng hạng TTCK cũng đặt ra các yêu cầu đối với việc thay đổi các chính sách, quy định pháp luật có liên quan. Vì vậy, hội thảo hôm nay nhằm mục tiêu phân tích những cơ hội và thách thức của nâng hạng thị trường và những tác động đối với nền kinh tế Việt Nam” - TS. Nguyễn Như Quỳnh nhấn mạnh.
Việt Nam đang ở một đẳng cấp khác...
Phát biểu tại hội thảo, ông Andrea Coppola - Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, cũng cho biết hiện tại, Việt Nam được các nhà cung cấp chỉ số quốc tế MSCI và FTSE Russell xếp vào loại thị trường cận biên. Được định vị là thành phần lớn nhất trong chỉ số thị trường cận biên, Việt Nam đã tối đa hóa lợi ích từ vị thế này. Kể từ tháng 9/2018, Việt Nam nằm trong danh sách theo dõi nâng hạng lên thị trường mới nổi của FTSE Russell.
“Việc nâng hạng sẽ nâng cao đáng kể vị thế thị trường của Việt Nam, mang lại khả năng tiếp cận đầy đủ cho các nhà đầu tư nước ngoài, với vốn sở hữu có quy mô và tính thanh khoản đủ để hấp dẫn ngang hàng với nhiều nước đang phát triển ở giai đoạn phát triển tương đương. Ngân hàng Thế giới ước tính rằng, việc nâng hạng thành công TTCK có thể thu hút tới 25 tỷ USD đầu tư mới từ các nhà đầu tư quốc tế vào năm 2030” - ông Andrea Coppola nói.
Bà Arabella Bennett - Bí thư thứ hai Đại sứ quán Úc tại Việt Nam, cũng cho rằng, mặc dù còn gặp thách thức nhưng Việt Nam đã đạt được kết quả trong nỗ lực hướng đến mục tiêu nâng hạng lên thị trường mới nổi. Việt Nam cũng đã được đưa vào danh sách theo dõi để nâng hạng TTCK Việt Nam của FTSE Russell.
“Việc nâng hạng hỗ trợ giúp thu hút dòng vốn nước ngoài hỗ trợ Việt Nam và doanh nghiệp Việt Nam thúc đẩy tăng trưởng. Việt Nam có thể huy động đến 25 tỷ USD vào năm 2030 đưa Việt Nam trở thành điểm sáng trong khu vực” - bà Arabella Bennett cũng nhấn mạnh.
Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch UBCKNN Vũ Thị Chân Phương cho biết, các tham luận tại hội thảo đã phân tích những cơ hội của nâng hạng đối với sự phát triển của TTCK Việt Nam nói riêng, nền kinh tế nói chung. Việc nâng hạng của TTCK Việt Nam sẽ khẳng định vị thế và nâng cao hình ảnh của TTCK Việt Nam, cải thiện tích cực thanh khoản của TTCK và chất lượng thị trường theo hướng tiếp cận tốt hơn với thông lệ quốc tế.
“Các nội dung trao đổi, thảo luận về cơ hội, thách thức khi nâng hạng TTCK, giải pháp nâng hạng TTCK Việt Nam là những vấn đề mà hiện nay Bộ Tài chính đang rất quan tâm, có ý nghĩa vô cùng thiết thực và hữu ích cho Bộ Tài chính trong thực hiện chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, huy động nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội” - Chủ tịch UBCKNN nói.
Lãnh đạo UBCKNN nhấn mạnh thêm, việc nâng hạng TTCK phụ thuộc vào sự đánh giá khách quan của các tổ chức xếp hạng quốc tế thông qua trải nghiệm thực tế của các nhà đầu tư nước ngoài. Do vậy, dưới sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bên cạnh sự nỗ lực cao nhất của cơ quan quan quản lý, để đem lại kết quả như kỳ vọng cần sự tham gia và quyết tâm của các bộ, ngành có liên quan.
Bên cạnh đó, “việc nâng hạng còn phụ thuộc vào sự trải nghiệm thực tế của nhà đầu tư nước ngoài khi tham gia TTCK Việt Nam nên rất cần sự chung sức của các thành viên thị trường trong cung cấp dịch vụ, các công ty niêm yết, đặc biệt là các tổ chức niêm yết lớn trong vấn đề công bố thông tin minh bạch, công bố thông tin bằng tiếng Anh, quản trị công ty theo thông lệ tốt…” - Chủ tịch UBCKNN cho biết thêm.
ÔNG NGUYỄN KHẮC HẢI - GIÁM ĐỐC KHỐI PHỤ TRÁCH LUẬT VÀ KIỂM SOÁT TUÂN THỦ, CÔNG TY CHỨNG KHOÁN SSI:
Công ty chứng khoán cần tự hoàn thiện về năng lực vốn và quản trị rủi ro
Để tham gia cung cấp dịch vụ không yêu cầu NĐTNN tổ chức phải có đủ 100% tiền trước giao dịch, các công ty chứng khoán (CTCK) cần phải tự hoàn thiện mình.
Năng lực tài chính là rất quan trọng, đồng nghĩa với việc CTCK cần phải tăng vốn. Bởi, khi thị trường chúng ta được FTSE chính thức nâng hạng thì gần như ngay lập tức sẽ có 1,6 tỷ USD vào Việt Nam từ các quỹ ETF bị động; đồng thời, vốn từ các quỹ đầu tư chủ động cũng sẽ vào gấp 4 - 5 lần hiện tại.
Vấn đề tiếp theo là quản trị rủi ro của các CTCK cũng quan trọng không kém. Các CTCK cần xây dựng và vận hành hệ thống quản trị rủi ro hiệu quả; từ đó mới đánh giá được năng lực của nhà đầu tư, vừa bảo vệ cho chính công ty mình, vừa bảo vệ an toàn cho thị trường chung.
BÀ WANMING DU - GIÁM ĐỐC CHÍNH SÁCH CHỈ SỐ CỦA FTSE RUSELL:
Tiếp tục hỗ trợ thị trường Việt Nam phát triển
TTCK Việt Nam đã đáp ứng được 7/9 tiêu chí và đang thuộc thị trường cận biên. Với 2 tiêu chí còn lại là chu trình thanh toán và chi phí thanh toán giao dịch sai lỗi đang bước đầu cho thấy, mô hình này đã hoàn thiện hơn.
Chính phủ Việt Nam đã đưa ra cam kết tiến trình nâng hạng TTCK thông qua việc tiếp tục tháo bỏ rào cản, bao gồm điều chỉnh pháp lý tạo điều kiện thuận lợi hơn cho NĐTNN tham gia.
Chúng tôi cũng khuyến khích các cuộc gặp gỡ giữa Chính phủ Việt Nam và cộng đồng quốc tế để giải quyết các khó khăn, thách thức, nhằm đảm bảo đến năm 2025 TTCK Việt Nam được nâng hạng. Chúng tôi cũng tiếp tục duy trì quan hệ mang tính xây dựng với UBCKNN và trao đổi với Ngân hàng Thế giới để hỗ trợ cho việc phát triển TTCK Việt Nam.
ÔNG ĐẶNG HỒNG QUANG - GIÁM ĐỐC, TRƯỞNG VĂN PHÒNG ĐẠI DIỆN HÀ NỘI CỦA VINACAPITAL:
Việt Nam xứng đáng nằm trong nhóm các thị trường mới nổi
Với quy mô tăng trưởng vượt bậc trong 10 năm qua, việc Việt Nam ở trong nhóm thị trường cận biên được ví như “một con cá lớn nằm trong ao nhỏ”. Bởi Việt Nam đang chiếm tỉ trọng cao nhất trong các chỉ số thị trường cận biên, lên đến gần 29% trong chỉ số cận biên của MSCI và gần 38% trong chỉ số của FTSE Russell.
Xét về quy mô vốn hóa và thanh khoản, TTCK Việt Nam hiện tại đã lớn hơn nhiều nước nằm trong các chỉ số chứng khoán thị trường mới nổi. Nói như vậy, để thấy rõ rằng, Việt Nam hoàn toàn xứng đáng nằm trong nhóm các TTCK mới nổi.
Hải Băng (ghi)