Nâng hạng thị trường chứng khoán là đòn bẩy thu hút dòng vốn ngoại

Kỳ vọng về việc nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam trong kỳ đánh giá tháng 9/2025 đang thu hút sự quan tâm lớn từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Với những nỗ lực không ngừng của Chính phủ, cơ quan quản lý, thành viên thị trường..., mục tiêu nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi được kỳ vọng sớm hiện thực hóa. Quyết định này hứa hẹn không chỉ thúc đẩy dòng vốn ngoại mà còn củng cố vị thế của thị trường chứng khoán Việt Nam trên bản đồ tài chính toàn cầu.

Bàn về triển vọng thu hút dòng vốn ngoại khi thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam được nâng hạng từ cận biên lên mới nổi, cùng những cơ hội phát triển bền vững, phóng viên TBTCVN đã có buổi trao đổi với ông Phạm Mạnh Hùng – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học Ngân hàng, Học viện Ngân hàng.

PV: Ông đánh giá như thế nào về những nỗ lực nâng hạng của TTCK Việt Nam thời gian qua? Liệu rằng, chúng ta có thể đạt được mục tiêu đề ra là được nâng hạng lên thị trường mới nổi vào năm 2025 hay không?

Ông Phạm Mạnh Hùng.

Ông Phạm Mạnh Hùng.

Ước tính, ngay khi Việt Nam được FTSE chính thức nâng hạng, khoảng 1,6 tỷ USD từ các quỹ ETF sẽ đổ vào thị trường. Bên cạnh đó, dòng vốn từ các quỹ đầu tư chủ động dự kiến sẽ tăng gấp 4 - 5 lần so với hiện tại, khi Việt Nam trở thành một thị trường tiềm năng và an toàn hơn trong mắt các nhà đầu tư.

Ông Phạm Mạnh Hùng: Trong thời gian qua, quyết tâm nâng hạng TTCK Việt Nam đã được thể hiện rõ rệt, với sự quan tâm và chỉ đạo sát sao từ Chính phủ và Bộ Tài chính. Đặc biệt, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương phối hợp cùng các cơ quan liên quan để triển khai các kế hoạch và chương trình hành động thực hiện Chiến lược Phát triển TTCK đến năm 2030, theo Quyết định 1726/QĐ-TTg.

Một trong những bước quan trọng là rà soát, sửa đổi các quy định pháp lý, tháo gỡ các nút thắt, đáp ứng các tiêu chí, đảm bảo tính minh bạch và phù hợp với chuẩn quốc tế, nhằm nâng hạng từ thị trường cận biên lên mới nổi. Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cũng đã tích cực làm việc chặt chẽ với các tổ chức xếp hạng như FTSE và MSCI để thúc đẩy quá trình nâng hạng. Những nỗ lực này không chỉ toàn diện và hiệu quả mà còn kịp thời.

Tôi tin rằng, với sự lãnh đạo quyết liệt từ Chính phủ, sự đồng lòng của các cơ quan quản lý và sự hỗ trợ từ cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư, TTCK Việt Nam sẽ đạt được mục tiêu nâng hạng TTCK trong năm 2025.

PV: Vốn ngoại dự báo sẽ gia tăng khi TTCK được nâng hạng. Theo ông, dòng vốn này thường sẽ vào gia nhập thị trường khi nào? Và thường thông qua phương thức nào?

Ông Phạm Mạnh Hùng: Việc nâng hạng TTCK không chỉ tạo dựng hình ảnh cho thị trường tài chính quốc gia, mà còn mang lại cơ hội thu hút đáng kể dòng vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN).

Theo dự báo của World Bank, nếu Việt Nam được nâng hạng bởi FTSE Russell và MSCI vào năm 2025, có thể thu hút đến 25 tỷ USD vốn đầu tư mới từ các nhà đầu tư quốc tế đến năm 2030, thông qua cả dòng vốn thụ động và chủ động. Đối với các quỹ đầu tư thụ động như ETF (vốn đang đầu tư vào các thị trường mới nổi), việc Việt Nam được nâng hạng sẽ tự động phân bổ một phần vốn vào thị trường này.

PV: Có một số ý kiến cho rằng, việc được nâng hạng là mục tiêu quan trọng, nhưng quan trọng hơn là duy trì được thứ hạng. Ông nghĩ thế nào về ý kiến này?

Ông Phạm Mạnh Hùng: Tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiến rằng, Việt Nam cần thực hiện một số giải pháp để duy trì xếp hạng thị trường sau khi nâng hạng. Trong quá khứ, như trường hợp của Argentina, nhiều thị trường đã mất hạng vì không duy trì được các điều kiện cần thiết. Để tránh tình trạng này, Việt Nam cần thực hiện các pháp nhằm bảo đảm duy trì thứ hạng sau khi được nâng hạng.

Trước tiên, cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý và các quy định về TTCK. Dù đã có nhiều tiến bộ, các quy định hiện hành vẫn cần được điều chỉnh để tạo ra môi trường kinh doanh minh bạch và công bằng hơn. Điều này bao gồm việc rà soát và sửa đổi các văn bản pháp luật, quy định về công bố thông tin doanh nghiệp và quyền hạn của các bên tham gia thị trường, nhằm nâng cao tính minh bạch và tạo điều kiện thuận lợi cho NĐTNN.

Diễn biến giao dịch của NĐTNN trong phiên ngày 13/6 vừa qua. Nguồn: FiinTrade.

Thứ hai, nâng cấp cơ sở hạ tầng của TTCK theo hướng hiện đại là cần thiết. Ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số sẽ cải thiện quản lý và giám sát thị trường, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và nhà đầu tư. Khi thị trường được nâng hạng, sự gia tăng dòng vốn trong và ngoài nước sẽ yêu cầu hệ thống hạ tầng kỹ thuật phải đáp ứng tốt hơn.

Thứ ba, tăng cường công tác giám sát, thanh tra và kiểm tra để ngăn ngừa các hành vi vi phạm. Việc xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm sẽ đảm bảo thị trường phát triển bền vững, công bằng và an toàn.

Cuối cùng, mở rộng hợp tác quốc tế và quảng bá hình ảnh TTCK Việt Nam là rất quan trọng để thu hút vốn đầu tư gián tiếp. Đồng thời, việc tăng cường truyền thông và đào tạo sẽ giúp ổn định tâm lý thị trường, nâng cao kiến thức tài chính cho nhà đầu tư và tạo sự đồng thuận trong xã hội.

PV: Nâng hạng là quyết định khách quan của tổ chức xếp hạng thông qua đánh giá của khách hàng của họ. Vì vậy, theo ông, ngoài nỗ lực của cơ quan quản lý, các doanh nghiệp, tổ chức trung gian thị trường cần làm gì để TTCK được nâng hạng đúng lộ trình?

Ông Phạm Mạnh Hùng: Để TTCK Việt Nam nâng hạng lên thị trường mới nổi theo đúng lộ trình, ngoài nỗ lực từ cơ quan quản lý, các doanh nghiệp và tổ chức trung gian cũng cần có những biện pháp quan trọng.

Trước hết, các doanh nghiệp cần nâng cao chất lượng quản trị và minh bạch thông tin, đảm bảo công khai, chính xác để thu hút dòng vốn ngoại. Việc cải thiện báo cáo tài chính và tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế sẽ giúp tăng cường lòng tin của nhà đầu tư.

Thứ hai, việc phát triển đa dạng sản phẩm tài chính là yếu tố then chốt. Các công ty chứng khoán cần cung cấp nhiều lựa chọn đầu tư để tăng thanh khoản và thu hút NĐTNN.

Thứ ba, các tổ chức trung gian cần cải thiện năng lực cạnh tranh thông qua dịch vụ khách hàng và ứng dụng công nghệ hiện đại, giúp nhà đầu tư dễ dàng tiếp cận và đưa ra quyết định chính xác.

Bên cạnh đó, xây dựng môi trường đầu tư an toàn, ổn định cũng rất cần thiết. Các tổ chức cần tham gia bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư và phối hợp với cơ quan quản lý để xử lý các vấn đề trên thị trường, giảm thiểu rủi ro và gia tăng sức hấp dẫn.

Cuối cùng, tăng cường hợp tác quốc tế và tham gia các diễn đàn đầu tư sẽ giúp quảng bá thị trường chứng khoán Việt Nam, thu hút dòng vốn ngoại và nâng cao vị thế toàn cầu.

PV: Xin cảm ơn ông!

Thu Hương

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/nang-hang-thi-truong-chung-khoan-la-don-bay-thu-hut-dong-von-ngoai-159568.html