Nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam: Cơ hội thu hút 25 tỷ USD vốn đầu tư
Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới (WB), trong trường hợp thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam được nâng lên thị trường mới nổi sẽ có khả năng thu hút khoảng 25 tỷ USD vốn đầu tư mới từ các nhà đầu tư quốc tế cho tới năm 2030.
Nỗ lực nâng hạng thị trường…
Tại Hội thảo khoa học "Giải pháp nâng hạng TTCK Việt Nam" do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính) phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) và Đại sứ quán Australia tổ chức ngày 16/4 tại Hà Nội, TS. Nguyễn Như Quỳnh, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính nhận định: Với những nỗ lực đổi mới, hoàn thiện khung khổ chính sách, trải qua hơn hai thập kỷ hoạt động, TTCK Việt Nam đã chứng tỏ được sức hút, tính hiệu quả, chất lượng ngày càng được nâng cao, trở thành một trong những thị trường có tốc độ tăng trưởng cao trên thế giới.
Cụ thể, năm 2023, tổng giá trị huy động vốn qua TTCK đạt hơn 418 nghìn tỷ đồng, tăng 33,5% so với năm 2022. Tính đến hết tháng 3/2024, chỉ số VN-Index đạt 1.284 điểm, tăng 13,6% so với cuối năm 2023 (chỉ xếp sau chỉ số Nikkei 225 thị trường Nhật Bản, tăng 20,6%); vốn hóa của thị trường cổ phiếu đạt 6,8 triệu tỷ đồng, tăng 13,9%, tương đương với 66,2% GDP ước tính của năm 2023.
Chiến lược phát triển TTCK Việt Nam đến năm 2030 đã đề ra mục tiêu tổng quát là phát triển TTCK ổn định, an toàn, lành mạnh, hiệu quả, bền vững, hội nhập, với quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 100% GDP vào năm 2025 và đạt 120% GDP vào năm 2030. Trong đó, mục tiêu cụ thể là phấn đấu đến năm 2025 nâng hạng TTCK Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi theo tiêu chuẩn phân hạng TTCK của các tổ chức quốc tế.
“Việc nâng hạng TTCK Việt Nam sẽ là bước ngoặt quan trọng cho giai đoạn phát triển mới của thị trường, góp phần tăng quy mô, nâng cao hiệu quả huy động và sử dụng vốn, thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước” - TS. Quỳnh nhấn mạnh.
Những vấn đề cần khắc phục
Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), khoảng 70% quyết định phân bổ vốn đầu tư vào các TTCK của các nhà đầu tư (NĐT) quốc tế chịu ảnh hưởng từ việc xếp hạng TTCK. Do đó, việc nâng hạng TTCK Việt Nam sẽ góp phần tăng quy mô, nâng cao hiệu quả huy động và sử dụng vốn, thu hút vốn đầu tư, đặc biệt là vốn đầu tư nước ngoài, thúc đẩy phát triển kinh tế.
Ông Andrea Coppola, chuyên gia Kinh tế trưởng của WB tại Việt Nam, WB ước tính trong trường hợp TTCK Việt Nam được nâng lên thị trường mới nổi sẽ có khả năng thu hút khoảng 25 tỷ USD vốn đầu tư mới từ các NĐT quốc tế vào thị trường Việt Nam cho tới năm 2030. Còn ông Ketut Kusuma - Điều phối viên Chương trình lĩnh vực tài chính của WB tại Việt Nam đánh giá, thị trường vốn của Việt Nam đã có sự tăng trưởng ấn tượng, bắt kịp các quốc gia đồng đẳng.
Tuy nhiên, TTCK Việt Nam vẫn chưa phát triển thành nguồn cung quan trọng mặc dù có tiềm năng to lớn. “Đến nay, TTCK Việt Nam chiếm tỷ trọng lớn nhất trong rổ chỉ số thị trường cận biên (khoảng 30% tổng tài sản quản lý). Do đó, TTCK Việt Nam cần ở đẳng cấp khác” - ông Ketut Kusuma lưu ý.
Theo chuyên gia tài chính của WB, ngay trong giai đoạn đầu khi TTCK Việt Nam được nâng hạng có thể thu hút được 5 tỷ USD/năm; giai đoạn 2 khi tăng tỷ trọng của Việt Nam trong thị trường mới nổi từ 0,5% lên 1% có thể thu hút được 8 - 12 tỷ USD/ năm. “Tỷ trọng có thể không đổi nhưng số tuyệt đối rót và thị trường Việt Nam sẽ gia tăng. Đó là lý do WB ước tính Việt Nam thu hút được 25 tỷ USD đầu tư mới tới năm 2030. Nếu việc nâng hạng nhanh hơn thì khả năng Việt Nam thu hút nguồn vốn này sẽ nhiều hơn” - ông Ketut Kusuma nói.
Để nâng cấp và tăng sức hấp dẫn của Việt Nam đối với các NĐT thị trường mới nổi, theo chuyên gia WB, có 3 trở ngại chính Việt Nam cần tháo gỡ. Đó là: Yêu cầu ký quỹ trước khi giao dịch và các giao dịch khối (Thành lập đối tác bù trừ trung tâm; Bảo lãnh thanh toán cho NĐT nước ngoài); Mức trần sở hữu nước ngoài và room cho NĐT nước ngoài (Chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết; Tăng trần sở hữu nước ngoài); Tiếp cận thông tin bình đẳng (Công bố thông tin bằng cả tiếng Anh và tiếng Việt; Áp dụng chuẩn mực Báo cáo tài chính quốc tế). Ngoài ra, một số vấn đề khác cần giải quyết như: Mở tài khoản/đăng ký NĐT, cấu trúc tài khoản; Quy trình, hiệu quả và minh bạch cho IPO; Truy cập, phòng ngừa rủi ro và khả năng chuyển đổi ngoại hối; Nâng cấp hệ thống giao dịch…
“UBCKNN đã, đang và sẽ tiếp tục nỗ lực đưa ra những giải pháp phù hợp đáp ứng được các tiêu chí của các tổ chức đánh giá xếp hạng thị trường hướng tới mục tiêu nâng hạng TTCK Việt Nam và bảo đảm sự vận hành liên tục, thông suốt, ổn định, minh bạch của thị trường” - ông Vũ Chí Dũng, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, UBCKNN nhấn mạnh.