Nắng lên dốc đá

Cũng lâu rồi, cả làng dời vào khu kinh tế mới Cây Cốc sinh sống. Đường đá lởm chởm, ai nấy mệt đứt hơi cho cuộc di cư. Tương lai về cuộc sống mới của dân làng được hiện thực khi ý chí cùng niềm tin có sự song hành. Đất đá như nở hoa. Ở đó, nguồn năng lượng âm u trong quá khứ đã thành 'mùi hương hạnh phúc' của thực tại.

Mỗi nhà mỗi cảnh, họ đều mong về đây sẽ ổn định hơn nơi cũ. Mặc dù còn nhiều khó nhọc nhưng đâu cũng vào đấy. Nhà cửa, công việc dần đi vào nề nếp. Từ ngày về làng mới, đất đai thiếu thốn, xa trường cách chợ, ai muốn làm ăn cũng suy đi tính lại thật kỹ. Chiều tà, bà Ba Tú đang ngồi nhặt mớ rau trước hiên, bỗng chí chóe tiếng la thất thanh làng trên xóm dưới. Ông Cả nhậu say về, đập ly thủy tinh nuốt đòi tự tử. Bà Ba Tú đứng hình.

Trời nửa đêm, cơn mưa nhẹ trút xuống. Cả làng Cây Cốc lạnh buốt khi hay tin ông Cả đã về trời, chẳng ai cứu nổi. Hai đứa con nít đứng lặng câm khi hàng xóm khiêng ba chúng từ bệnh xá về. Ai cũng lắc đầu ngao ngán cho cái cảnh nhà đã nghèo lại mất người vì rượu. Tự giác, người trong làng ai làm việc nấy, lo cái đám ma được chu tất.

Minh họa: Doãn Hoàng Kiên

Minh họa: Doãn Hoàng Kiên

Ngày ở làng Cây Cốc, anh Tàu, con trai bà Ba Tú thường nhận mấy việc vặt mọi người trong làng nhờ làm để kiếm tiền. Chưa vợ chưa con, Tàu làm ra bao nhiêu đồng đều đổ vào quán rượu chị Hiển đầu dốc. Không mục tiêu, cũng chẳng biết tính toán, thân hình thanh niên hai mấy tuổi của Tàu hao mòn nhanh chóng. Tóc tai luộm thuộm, nhìn Tàu già khú. Bận đó, vài gia đình đầu làng trên bàn bạc rủ nhau nuôi heo. Họ làm được, bắt đầu có heo con rồi heo thịt đủ cỡ. Chiếc xe tải ọp ẹp dưới thị xã rồ ga chạy ngược dốc lên mua đàn heo. Đá nằm vắt vẻo, có cục to gần bằng đầu người làm ông Tuấn lái xe toát mồ hôi.

Trời quá trưa, chiếc xe chở đàn heo nặng trịch phía sau thùng xổ dốc. Tiếng má phanh rít lên một hồi dài, bánh xe trượt trên đá rồi cả xe đâm rầm vô gốc cây, heo nhảy xuống đất chạy tán loạn. Ông Tuấn la thất thanh: “Mấy bác bắt bầy heo giúp với. Đập què chân cũng được, bắt lại giúp tôi với. Nhanh, heo chạy hết rồi!”. Hôm đó trúng ngày Rằm tháng tư, anh Tàu đang nhâm nhi ly rượu trong quán chị Hiển. Chân thấp chân cao, Tàu cũng lao ra bắt heo phụ ông lái xe.

“Đập chết luôn hả, ngày ni Rằm ai lại giết động vật?”, Tàu lý luận trong cơn say. “Đập được thì đập, không thì tránh ra”, ông Tuấn quát.

Lùa gần tiếng đồng hồ thì cả đàn ba mươi con heo đã lên lại thùng xe. Thấy việc cũng dễ ăn, Tàu lân la hỏi thăm ông chủ xe: “Dưới nhà ông có ai đi phụ ông mua heo chưa, làm với”. Nhìn bộ mặt già nua, đỏ bừng hơi men của Tàu, ông Tuấn hơi ngại nhưng thấy sức vóc nhanh nhẹn của anh nên ông Tuấn nhận lời. Vậy là cái ngày định mệnh đó đã đưa chàng thanh niên Tàu bắt đầu một công việc mới: đi mua heo.

*

Từ ngày vào lò mổ heo làm việc, anh Tàu dần thành thục mọi thứ. Từ việc đánh xe đi chở, trả giá với chủ đàn heo. Rồi về đến lò đưa chúng vào nơi nhốt tạm chờ đến khi mổ thịt. Một thanh niên nát rượu năm nào đã khác. Có tiền trong túi, khí thế lao động của Tàu lại hăng say hơn. Tích góp tiền, anh đã mua được chiếc xe Wave đời mới nhất.

Thấy Tàu đang lúi húi rửa thùng xe sau chuyến đi bắt heo về, ông Tuấn gọi vô: “Chú nghỉ việc vài ngày về nhà chơi với mẹ đi. Mấy năm ni có thấy chú về nhà ngày nào đâu. Tí nữa tôi cho ứng luôn tiền tháng sau mang về biếu bà cụ”. Tàu hí hửng ra mặt. Trước khi về nhà, anh chàng ghé chợ mua bánh trái, hoa quả mang về biếu mẹ.

Cưỡi xe máy bon bon về làng, Tàu cảm nhận rõ lối đi ngày xưa giờ đã khác đi nhiều. Từ cánh đồng lúa đến con đường bê-tông, nhìn đâu anh cũng thấy kỉ niệm ngày trước ùa về. Cái mương nước dọc hai bên đường ngày Tàu còn nhỏ hay cùng Út Nhị với đám bạn ra nằm dưới đó đùa nghịch thì nay đã có ống cống ngầm bên dưới. Đó là ống cống thủy lợi dẫn nước vào cánh đồng của bà con làng Cây Cốc. Quán chị Hiển cũng còn ở đầu dốc nhưng bây giờ là một mái che bằng tôn kiên cố, không còn mái lá lụp xụp xuề xòa.

Thấy bóng dáng Tàu tạt vô quán, chị Hiển hỏi dò: “Ai đây mà nhìn lạ hè?”. “Em là Tàu, con bà Ba Tú đây chị, nay em mới về”, Tàu nhanh nhảu đáp. Đảo mắt quanh quán một vòng, Tàu hỏi: “Quán nước chị buôn bán được luôn chứ?”. “Ngồi đây cả ngày cũng bán lai rai. Làng mình ai ngang qua cũng ghé nghỉ chân kêu ly trà, bịch bánh. À, mới nãy chị thấy Út Nhị vừa đi làm đồng về ngang qua đây nè”.

Câu nói thoáng qua của chị Hiển khiến Tàu chợt buồn. Ngày nhỏ, Út Nhị tính lanh lợi, vui tính nên được bà Ba Tú để mắt đến, hứa hẹn chọn cô làm dâu nhưng rồi thời gian Tàu bị ma men dẫn lối, mọi thứ đi vào ngõ cụt. Cũng vì quá khứ nhậu nhẹt, chè chén nên bây giờ nếu gặp lại Út Nhị, Tàu biết nói gì đây. Mấy phút ghé quán nước, Tàu cứ suy nghĩ vẩn vơ.

Lân la về cuộc sống của Út Nhị bây giờ, Tàu mới biết chồng cô ấy làm nghề thợ xây, đi theo đội công trình vài tuần mới về thăm nhà một lần. Việc trong ngoài, trước sau ở nhà đều một tay cô Út sắp xếp. Cả làng trên xóm dưới ai cũng nể cái tính kĩ lưỡng, chịu khó của cô Út. Sáng dậy, Út chuẩn bị cho con nhỏ đi học rồi ra đồng tới trưa đứng bóng mới nghỉ tay về nhà, rồi quay sang lo bầy vịt. Đầu giờ chiều lại ra ruộng, trời nhá nhem không thấy mặt, cô Út Nhị mới về nhà. Con dốc dẫn lên làng một ngày hai vòng ngược xuôi đều đặn, cô Út cứ lặng lẽ đi làm.

Lớp ký ức ngày thơ bé của Tàu cùng Út Nhị chạy chân không ngoài đám ruộng vừa gặt càng thêm rõ nét. Khi thì đốt đống rạ nhà hàng xóm khiến chủ ruộng lên nhà mắng nhiếc, rồi những buổi trưa nắng chang chang, cả đám con nít đi hái trộm mít. Ngay cái cây cốc trước quán nước này, nhóm của Tàu cũng không tha. Chúng dùng ná thun bắn tơi tả ngọn cây. Thuở còn nghèo, đám con nít ở quê chỉ giỏi việc nghịch hết trò này đến trò nọ. Câu chuyện đi học của lũ trẻ cũng là một điều rất lạ đời.

Gia đình nào đông con thì xếp mấy anh em dù lệch tuổi nhau sẽ đi học chung một lớp. Sở dĩ có việc đó chỉ là để tiện cho việc dùng chung sách vở. Ai cũng bảo rằng, ở cái đất khó này, mỗi người biết nhìn mặt chữ, cộng trừ đơn giản là đủ sống rồi. Chẳng cần phải học hành lên cao làm gì, quan trọng là có sức khỏe, lên rừng xuống ruộng để làm việc. Bởi vậy, tuổi thơ của lũ trẻ dù cơ cực nhưng cũng đầy ắp tiếng cười khi đứa lớn lại được đứa nhỏ hơn bày làm bài, đứa nhỏ về mách lẻo với mẹ là anh hai trốn học… Con nít là vậy, làm sao Tàu quên được. Càng lớn, hình ảnh ngày thơ bé càng hiện về rõ trong anh. Uống xong hai chén nước chè, Tàu chào chị Hiển rồi chạy xe về nhà.

*

Ở nhà suốt tuần qua, bà Ba Tú ho sặc sụa. Cái bệnh tuổi già lại sống một mình, con gái lớn đã theo chồng về xã bên, nhà cũng nghèo khó, chẳng giúp bà được gì. Trong làng xưa nay, bà Tú được cái khéo tay, biết bứt lá thuốc trị mấy bệnh lặt vặt cho đám trẻ gần nhà. Ngày còn bé, cô Út Nhị hay đau sốt, cũng nhờ tay bà Tú cầm đèn dầu bò lên gò đất sau nhà tìm lá hạ sốt lúc nửa đêm. Giờ cô Út Nhị cũng đã lên chức mẹ, thấy bà Tú sống một mình, cô Út Nhị coi bà như mẹ của mình.

Nhà cách mấy bước chân, khi nấu cơm xong, cô Út tranh thủ chạy qua mang cho bà bát cháo thịt, mấy liều thuốc ho. “Bác ráng dậy ăn cháo rồi uống mấy viên thuốc con mới mua ngoài chợ về đây. Dưới bếp còn chi ăn không, để con về nhà nấu thêm luôn cho nghe”, cô Út Nhị thỏ thẻ.

Đằng sau bếp, bà Ba Tú lọ mọ lấy chai mắm nêm vô bát cháo cô Út mang qua. Chiếc xe máy khựng lại trước mái hiên, Tàu bước vào nhà, không thấy mẹ đâu.

“Mẹ ơi, con về rồi nè!”.

Tự nhiên, hai hàng nước mắt chảy dài trên gò má bà Ba Tú. Hai mẹ con chẳng nói ra thành lời. Họ ôm nhau đứng khóc dưới căn bếp khói đen bám đầy giàn treo. Chặp lâu, bình tĩnh lại, bà Ba Tú mới gặng hỏi: “Con về luôn chứ, ở nhà chơi vài bữa đã”. Tàu đáp lại: “Dưới lò mổ, ông chủ nói con về chơi từ từ ra cũng được”. Nghe vậy, bà Ba Tú mừng bụng.

Bữa cơm tối, hai mẹ con nghẹn cứng cổ. Thức ăn bày đầy mâm nhưng không ai ăn. Trong bụng họ đã no. Cái no vì không khí gia đình, mẹ con lâu ngày gặp lại. Tàu nhìn chăm chăm ra con đường trước nhà. Làng bây giờ xe máy đã có nhiều, ánh điện chiếu sáng một góc đường. Hàng rào nhà ai cũng trồng hoa lá, nhìn mát mắt. Tàu về thăm mẹ trúng dịp Rằm Trung thu, tiếng trống múa lân do lũ trẻ đánh vang cả xóm.

“Cũng may con chịu đi ra thị xã làm công cho họ chứ nếu ở nhà, có khi chừ con cũng như ông Cả”, bà Ba Tú trầm ngâm với Tàu. Bây giờ, Tàu hỏi mẹ: “Cô Út chừ ổn luôn chứ mẹ? Lâu quá không gặp, chắc chừ cô Út quên con rồi!”.

Bỗng dưới ngõ, Út Nhị dẫn con trai mang chiếc bánh Trung thu lên biếu bà Ba Tú. Bốn người chạm mặt nhau giữa hiên nhà. Cô Út giật mình, bất ngờ với diện mạo rắn rỏi, mạnh mẽ của Tàu bây giờ. Họ khựng lại, rồi chào hỏi nhau như cách hồi còn nhỏ Tàu hay trò chuyện với cô Út Nhị.

Đêm Rằm hôm đó, ánh trăng trong vắt rọi sáng con dốc vào làng. Bà Ba Tú kêu mệt trong người, bà vào nhà ngủ trước. Tàu, cô Út và con trai cô ấy ngồi ngắm trăng trước hiên nhà. Chợt một nhóm trẻ đội đầu lân đi ngang qua, Tàu hỏi: “Cô Út còn nhớ con lân mà mình chung tiền lại để mua hồi nhỏ không? Cái đợt mới chơi một lát là đầu lân bị đứt khỏi đuôi kìa, cả nhóm ai cũng buồn đó”. Cô Út chỉ mỉm cười. Tàu lại kể những chuyện thời bé nghịch ngợm, hiếu động của anh cho thằng con trai cô Út cùng nghe. Thằng nhỏ cười khoái chí.

Tàu ngồi lướt lại hình ảnh cuộc sống ngày xưa ở cái làng này. Làng Cây Cốc ngày mới có dân kéo vào ở, tứ bề là rừng núi, cây cao tán rộng. Phải mất mấy năm khai hoang, từng mái nhà lần lượt mọc lên. Ngày đó, kinh tế còn thiếu hụt, ai cũng chọn cách chẻ nan tre đan thành bờ vách cho ngôi nhà của mình. Gọi là bờ vách cho cao sang nhưng độ cứng cáp của vách còn thua cả ngón tay của tụi trẻ con. Ai muốn chắc chắn thì dùng đất bùn đắp lên vách tre. Ngày đó, gia đình Út Nhị là hộ có điều kiện nhất. Tàu nhớ như in cái năm đầu tiên công chiếu bộ phim Tây Du Ký. Từ làng trên xóm dưới, đoàn người lũ lượt kéo nhau đến nhà Út Nhị vì nhà cô có một chiếc ti vi trắng đen, chạy bằng bình ắc quy. Mà muốn có điện để xem phim cũng rất kỳ công. Ngay từ trưa, mấy anh chàng có sức khỏe thay nhau khiêng ắc quy đi sạc. Điểm sạc cách làng Cây Cốc khoảng một tiếng đồng hồ đi bộ, băng qua cánh đồng. Giai đoạn đó, nhà Út Nhị nườm nượp trai làng đến chơi. Phần vì họ muốn giúp việc sạc ắc quy để cùng xem phim, phần khác là muốn thể hiện năng lực của bản thân để tán tỉnh cô nàng Út Nhị.

Buổi tối đến, phim được chiếu lên, những ai ngồi trước sẽ xem rất rõ. Còn người đến sau chỉ còn cách khoét bờ vách để ghé mắt vào xem. Đám trẻ bày đủ trò để được xem phim. Chúng cõng nhau, chen lên phía trên. Hai tay bẻ nát cả một bờ vách tre. Gia đình cô Út rất bực, chỉ vì bộ phim mà bờ vách nhà mình bị hư. Và rồi, họ cũng thông cảm vì cả làng này chỉ có đúng một cái ti vi. Bao nhiêu điều mới lạ của thế giới bên ngoài đều nằm trọn trong chiếc ti vi.

Xem đến đoạn nhân vật Tôn Ngộ Không cự cãi với Trư Bát Giới về việc chia hành lý, gương mặt dỗi hờn của Trư Bát Giới làm cả nhà được một trận cười ngất ngây. Thế giới về một đất nước Trung Quốc xa xôi hay những vùng miền xa lạ được đưa về làng Cây Cốc thông qua chiếc ti vi trắng đen. Cũng nhờ đó mà sau này đến tuổi đến trường, từng đứa trẻ đã hình dung trong đầu những điều thú vị, dễ dàng tiếp thu văn hóa ở trường lớp. Và thường đến đoạn phim gay cấn, ti vi lại bị tối đen. Đâu đó vọng ra: “Lấy tay đập mạnh vô sau lưng nó là màn hình sáng lên thôi”. Nói là vậy, nhưng chỉ cần để một lát cho nguồn điện ổn định, ti vi lại hoạt động tiếp.

Tàu đang mơ hồ lại buổi xem phim năm nào, bất ngờ, con trai cô Út hỏi: “Chú Tàu có bẻ bờ vách tre không?”. Tàu nhìn vào đôi mắt tròn xoe của cu cậu, gương mặt Tàu bừng đỏ. “Chú không bẻ, chú là đứa đứng ở dưới cõng bạn”. Thực ra, buổi xem phim năm đó, Tàu là đứa con nít đến muộn nhưng được ưu tiên cho vào ngồi hàng trên để xem vì thân hình Tàu quá nhỏ con. Nói xong, Tàu nhìn cô Út mà trong suy nghĩ, Tàu đang tự mỉm cười.

*

Từ ngày Tàu ra thị xã mổ heo, đã nhiều mùa Trung thu trôi qua nhưng chỉ có đêm trăng này, Tàu mới về với thực tại. Tàu quay sang nhìn. “Cu nhỏ không đi chơi với đám bạn à?”. “Chú đi với con nhé!”. Nhìn đứa trẻ có đôi mắt đen lánh, Tàu có chút bối rối. “Ừ thì… mình ra đằng kia chơi nhé”. Tự dưng, đêm rước đèn ông sao năm nay có thêm một thành viên ngót chừng bốn mươi tuổi đời nhập đoàn. Cả nhóm nhốn nháo kéo ra gốc cây cốc đầu dốc. Hò hét có, đánh trống có. Tàu góp vui bằng màn giả tiếng heo kêu, cả đám nhỏ cười nghiêng ngả.

Gió mùa thu dịu mát. Dưới ánh trăng tròn vành vạnh, từng mảng mây lững thững trôi. Ngọn cây cốc đung đưa, bóng đêm trở nên êm dịu, quyến rũ lạ thường. Thường ngày, cây cốc uy nghi, bề thế thì vào đêm trung thu, cây như người bạn của lũ trẻ. Ngọn cây nghiêng ngả theo nhịp trống dội vào màn đêm, xé toang bao nhiêu tĩnh mịch. Như bao làng quê khác, dân làng Cây Cốc đặt niềm tin tâm linh vào gốc cây cao này. Họ đi đâu, làm gì cũng đều ra khấn vái thần cây. Người lớn tuổi trong làng tâm niệm, cây che chở cho dân làng thì dân làng phải thành kính, tôn trọng cây. Kể cả lời ăn tiếng nói hàng ngày bên gốc cây, họ cũng kiêng cữ. Nghỉ ngơi dưới gốc cây, mặc nhiên không ai được nhắc đến những từ xui rủi như chết chóc, ốm đau, thiên tai… Dù chưa ai chứng minh được điều gì nhưng cứ tin rằng “có thờ có thiêng, có kiêng có lành” là vậy.

Bỗng dưng, cơn gió khuya ngừng lại, Tàu đứng như trời trồng. Trước mắt Tàu hiện ra cảnh hai mẹ con anh té xe đạp, cả người lẫn xe ngã lăn lóc ở chính gốc cây cốc vào ngày đầu tiên dời về làng này. Chút nữa, anh thấy trời mưa trắng xóa, thằng Tàu 10 tuổi đi học về cầm lá sen che mưa cho bé Út Nhị. Rồi cái phất tay vác áo leo lên xe heo ngày về thị xã. Mớ hỗn độn bao trùm lấy anh. Cuộc đời đã mang đến cho Tàu biết bao trải nghiệm, thăng trầm, đổi thay. Cái nét nông dân mộc mạc, chất phác không thể thoát khỏi con người của Tàu.

Thùng…thùng…thùng! Tiếng trống đội lân vang lên làm Tàu giật mình. Tàu nghĩ bụng: “Chuyện thời con nít, bao năm đi xa, tối nay ở làng phải chơi hết mình”. Trở về thăm làng khi đời sống kinh tế đã đi lên, bộ đầu lân dài gần 3 mét đủ để Tàu dẫn đầu đám trẻ đi “phá làng phá xóm” như ngày xưa. Có một đầu lân to lớn, màu sắc sặc sỡ là điều lũ trẻ ở quê luôn mong ước. Trời dần khuya, sương rơi lạnh ngắt. Mồ hôi tuôn ra không đủ át đi cái lạnh của sương đêm.

Đội lân của độ chục đứa con nít loai choai kéo nhau vô từng nhà tới gần 3 giờ sáng. Cả năm chỉ có đêm Trung thu là mọi nhà đều sáng đèn, chờ trẻ con đến nhà nhảy nhót để xua đuổi điều không may, đón những điều lành sẽ đến. Có nhà cho đoàn lân vài chục nghìn, có gia đình cho nhiều hơn. Trong đoàn lân, con trai Út Nhị được phân công nhiệm vụ nhận “quà” của các gia đình tặng đoàn lân. Phá cỗ Trung thu phải vui thì ai cũng biết. Cả đêm ấy, già trẻ gái trai làng Cây Cốc dường như đều thức trắng. Lúc ngang sân nhà mình, con trai Út Nhị khoe giàn hoa giấy tím biếc. Tàu bật cười: “Cái thằng!”. Trời độ canh tư, tiếng trống thùng thình lại vọng xa hơn, thanh âm trong trẻo!

*

Ở nhà chơi với mẹ được vài ngày, Tàu ra lại thị xã, tiếp tục công việc. Ngày đi, Tàu không chạy xe mà cố tình dắt bộ xe xuôi dốc. Có lẽ anh không muốn chia xa con dốc này. Con dốc lên làng Cây Cốc đầy đá tảng năm nào, giờ đây đá đã nằm dưới móng cho con đường bê tông được mở rộng. Xe bon bon chạy, người đi bộ cũng nhẹ cái chân hơn. Con dốc đã chứa đựng bao nhiêu thử thách, biến cố để hiện tại, người làng có một cuộc sống mới tốt hơn. Vượt đá lên đồi, mở đất dựng nhà, dân làng đã làm được. Chẳng ai biết, cây cốc sừng sững bao năm tuổi, nền đá rắn rỏi đã bao nhiêu mùa mưa nắng. Họ chỉ biết chắc rằng, người không quên ơn đất, đất càng thêm quý người.

Bóng lưng của Tàu dần khuất sau khúc cua, như bóng làng luôn ẩn mình sau dốc đá. Bao năm rồi vẫn vậy. Người là của làng, có đi đâu rồi cũng về nghe thanh bình trở mình sau con dốc này. Phía dốc, nắng lên vàng cả một vùng mênh mông.

Truyện ngắn của Mai Trường An

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/truyen/nang-len-doc-da-i739200/