Nặng lòng với bến sông quê

Hình ảnh bến sông quê luôn là nguồn cảm hứng sáng tác của nhiều thi nhân, với Lê Thanh Phách (hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh) cũng không ngoại lệ. Lê Thanh Phách quê xã Đức Lợi (Mộ Đức), nơi gắn với dòng sông, bến nước, con đò. Anh đã thổi vào hồn thơ tình cảm dạt dào với bến sông quê.

Bìa tập thơ “Bến sông quê”. Ảnh: PVH

Bìa tập thơ “Bến sông quê”. Ảnh: PVH

Tập thơ “Bến sông quê” của Lê Thanh Phách vượt trội so với 2 tập thơ xuất bản trước đó của anh (“Về giữa làng Yên”, “Viễn du”), xét về độ chín cảm xúc và thi pháp nghệ thuật mà tác giả sử dụng trong việc diễn đạt ý tưởng, tâm trạng ở các bài thơ. Bài thơ “Bến sông quê”, được tác giả chọn làm nhan đề, gợi lên trong lòng người đọc hình ảnh bến sông quê bùi ngùi trong ký ức qua hình ảnh hoán dụ, ẩn dụ, từ láy cũng như cách chia khổ. Bài thơ có 3 khổ, nhưng khổ thơ cuối chỉ có một câu thơ: “Chiếc bè hồn tôi neo bến sông quê”, cùng với thủ pháp ẩn dụ đã khắc họa sâu đậm tình yêu của tác giả đối với bến sông quê.

Đọc tập thơ “Bến sông quê”, ta dễ dàng cảm nhận được tình cảm mà tác giả đã dành cho bến sông quê thật ân tình, sâu lắng: “Mãi mười năm chưa thăm lại bến xưa/ Nhớ tha thiết cánh buồm nâu một thuở/ Xoan hoa tím, tím riêng bờ nghiêng nở/ Buồn theo chân từ buổi gió sang mùa”(Cố hương). Bến sông quê ngày xưa là nơi người dân gặp gỡ, chuyện trò, sinh hoạt. Đó cũng là nơi những người mẹ, người chị, người em ra sông giặt giũ, tắm mát; nơi những trẻ thơ bơi lội giữa trưa hè... Những hình ảnh và tình cảm mến thương về bến sông quê cứ neo đậu trong tâm hồn nhà thơ Lê Thanh Phách. “Tôi nợ dòng sông, như cánh đồng nợ nước/ Những đôi bờ khuya khoắc xóm làng yên/...

Em có giữ tiếng gọi đò thổn thức/ Tôi quay về nước mắt đẫm thành thơ” (Thương nhớ dòng sông). Những cảm xúc mãnh liệt qua những vần thơ đã khiến người đọc nhớ lại kỷ niệm xưa của chính mình bên dòng sông quê, nơi “Có con đò tuổi thơ trên bến”. Điều khiến tôi tâm đắc là hình ảnh dòng sông Vệ trong thơ của Lê Thanh Phách: “Tôi thả xuống dòng sông/ Những kỷ niệm xưa cũ/ Chiều Vệ Giang man mác điệu buồn xa/ Những mảnh gốm mài mình ngàn năm dưới phù sa” (Vệ Giang). Những kỷ niệm ấy chợt trào lên dạt dào và tha thiết, khi anh phải sống xa quê: “Ngỡ khói làng lên từ chái bếp ngày đông/ Mẹ xông chiều ấm lại/ Bước con trên đường viễn xứ/ Tha thiết tiếng gọi bên sông rong đời lữ thứ/ Muộn màng ngày rơi ai lỡ bước đường” (Ngày nhớ bến sông).

Nhớ bến sông quê, Lê Thanh Phách nhớ đến mẹ. Hình ảnh người mẹ là đề tài muôn thuở của thơ ca, nhưng để lột tả hết cảm xúc quả là vấn đề không dễ. Ở tập thơ “Bến sông quê”, Lê Thanh Phách đã làm được điều đó. Dồn nén tâm tư trong những ngôn từ mộc mạc, anh đã khắc họa được tình thương bao la của người mẹ hiền suốt đời tận tụy lo lắng cho con: “Trên đôi vai mẹ/ Gánh gồng chạy giặc triền miên/ Gánh cả quê hương/ Vào trong giấc ngủ ưu phiền” (Đôi bầu Quảng); hay “Đêm yên bình nghe tiếng mẹ ru nôi/ Mưa nắng trần gian xao xuyến bồi hồi/ Gió chướng mắt buồn thăm thẳm đợi/ Phương xa một cánh buồm trôi/... Tôi đốt rơm thơm gói tình quê theo khói/ Ấm khung trời tha thiết mẹ ru nôi” (Một miền quê). Lời thơ thật nồng nàn, sâu đậm, làm cho người đọc có cảm giác lâng lâng một niềm thương cảm.

Bên cạnh những nỗi niềm ấy, người đọc “Bến sông quê” không khỏi xót xa cho nỗi niềm yêu đau đáu của mối tình đầu: “Bằng lăng hoa nghiêng tím phố/ Nẻo chiều em vội về đâu/ Tôi thương bàn chân ai nhỏ/ Dẫm đau lên mối tình đầu/... Mai em có về phố cũ/ Chân quen lối nhỏ đường mờ/ Môi thơm mắt buồn đôi dạo/ Niềm đau biết đến bao giờ?” (Phố cũ).

Tập thơ "Bến sông quê" của Lê Thanh Phách chứa đầy những nỗi niềm tâm sự. Với sự đa dạng về thể thơ và cách sử dụng thủ pháp nghệ thuật tu từ, tập thơ “Bến sông quê” của anh lắng sâu và lan tỏa trong tâm hồn người đọc.

PHẠM VĂN HOANH

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/channel/2028/202209/nang-long-voi-ben-song-que-3132984/