Nặng lòng với những kỉ vật của đồng đội

Hơn 43 năm tìm kiếm, sưu tầm và giữ gìn những kỉ vật của người lính trong chiến tranh, cựu chiến binh Văn Xuân Giao, sinh năm 1955, ở khu phố 2, phường Đông Giang, TP. Đông Hà có hơn 100 kỉ vật quý hiếm. Những kỉ vậy ấy chứa đựng bên trong nhiều câu chuyện cảm động về tình đồng chí, đồng đội, đồng thời cũng là lời tri ân sâu sắc đối với những người đã anh dũng chiến đấu, hi sinh vì độc lập, tự do cho Tổ quốc và giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ hôm nay và mai sau...

 “Bảo tàng gia đình” về kỉ vật chiến tranh của cựu chiến binh Văn Xuân Giao

“Bảo tàng gia đình” về kỉ vật chiến tranh của cựu chiến binh Văn Xuân Giao

Giữ mãi tình đồng chí, đồng đội

Nhìn những kỉ vật chiến tranh được ông Văn Xuân Giao dày công sưu tầm, gìn giữ cẩn thận, chúng tôi cảm thấy rõ tấm chân tình của ông đối với đồng chí, đồng đội. Ông nói: “Tôi từng tham gia chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị, vì thế tôi hiểu rõ sự nghiệt ngã của chiến tranh khi ranh giới giữa sự sống và cái chết thật mong manh. Vì thế, tôi muốn lưu giữ những kỉ vật này để kể lại cho đời sau câu chuyện về cuộc sống cũng như tinh thần chiến đấu, hi sinh của những người lính trong chiến tranh”.

Ông Giao sinh ra ở làng Thâm Khê, xã Hải Khê, huyện Hải Lăng, một vùng quê giàu truyền thống cách mạng. Từ nhỏ, ông đã tích cực tham gia hoạt động cách mạng ở địa phương, đến năm 1972 tình nguyện gia nhập lực lượng An ninh Quảng Trị, thuộc đơn vị C45 anh hùng. Sau ngày hòa bình, ông được cấp trên cử đi học ở Hà Nội, sau đó về công tác tại Công an tỉnh Bình Trị Thiên. Đến năm 1984, vì lí do sức khỏe nên ông xin chuyển ngành và trở về Quảng Trị công tác, đồng thời dồn toàn bộ thời gian, tâm huyết để hoàn thành tâm nguyện sưu tầm kỉ vật chiến tranh. “Năm 1976, tôi nảy ra ý tưởng về lưu giữ những vật dụng gắn bó với cuộc đời mình trong chiến tranh làm kỉ niệm. Sau đó, được gia đình và đồng đội động viên, khuyến khích nên tôi tiếp tục sưu tầm thêm nhiều kỉ vật khác của người lính. Sau khi trở về Quảng Trị công tác, tôi đã có nhiều thời gian hơn cho việc sưu tầm kỉ vật chiến tranh”, ông nói trong niềm vui.

43 năm qua, ông Giao đã không ngại khó khăn, vất vả để đi tìm kỉ vật chiến tranh ở những vùng quê xa xôi của 3 tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình và Thừa Thiên-Huế. Mỗi kỉ vật là một câu chuyện về người lính, khi đặt các kỉ vật bên cạnh nhau trở thành một bức tranh thu nhỏ về cuộc sống sinh hoạt thường ngày của người lính trong chiến tranh.

“Bảo tàng” người lính Cụ Hồ Ngôi nhà của ông Văn Xuân Giao lúc nào cũng có nhiều đồng chí, đồng đội và người dân trong, ngoài tỉnh đến thăm, tìm hiểu về kỉ vật chiến tranh. Ai nấy đều khâm phục và đánh giá cao việc ông đầu tư công sức, tiền của để xây dựng “bảo tàng” người lính Cụ Hồ.

Mỗi khi nói về một kỉ vật nào đó là ông lại lắng sâu trong từng câu chuyện kể, cảm giác như được sống lại với một thời hào hùng của tuổi trẻ. Những kỉ vật đầu tiên là những kỉ vật gắn bó với cuộc đời người lính của ông như ba lô, dù ngụy trang, cây xẻng, bình nước. Chiếc dù ngụy trang có thể làm áo che mưa, che nắng, hoặc gấp gọn lại thành chiếc khăn quàng cổ cho mùa đông ấm áp; cây xẻng vẫn còn được ông sử dụng để đào đất, trồng cây cảnh…Biết việc làm ý nghĩa của ông Giao, nhiều người lính đã tìm đến để tặng nhiều kỉ vật quý giá, đồng thời cung cấp thông tin, địa chỉ về các kỉ vật để ông Giao đi sưu tầm. Niềm vui với ông trên hành trình sưu tầm kỉ vật chính là được sự động viên, hỗ trợ tích cực từ vợ ông, bà Hoàng Thị Ánh Hồng. Không chỉ là hậu phương vững chắc về tinh thần, bà Hồng còn đồng hành với chồng đến những vùng đất xa xôi, cách trở ở miền Trung để tìm kiếm kỉ vật; hay sẵn sàng bỏ tiền lương hưu để mua lại những kỉ vật để làm quà tặng ông...

Hơn 43 năm qua, ông Văn Xuân Giao đã sưu tầm được hơn 100 kỉ vật chiến tranh. Mỗi kỉ vật được ông cất giữ cẩn thận và ghi rõ thông tin để giúp người khác hiểu và trân trọng hơn giá trị của nó. Với ông, lưu giữ kỉ vật không phải để cho mình chiêm ngưỡng, mà còn muốn cho nhiều người khác biết đến. Vì thế, ông sẵn sàng tặng cho lực lượng Công an nhân dân 3 kỉ vật quý từ “bảo tàng” về người lính của ông.

Ngôi nhà của ông Giao trở thành nơi gặp gỡ của nhiều cựu chiến binh và người dân, nhất là thế hệ trẻ. Những kỉ vật của người lính được lưu giữ nơi này đã nhắc nhở thế hệ hôm nay, mai sau về quá khứ tự hào của những người lính. Họ đã anh dũng chiến đấu, hi sinh vì Tổ quốc và cho hòa bình hôm nay…

Nguyễn Minh Đức

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=140303