Nặng lòng với y tế vùng cao

35 năm công tác trong ngành y cũng là chừng ấy thời gian, bác sĩ Đinh Văn Thạch gắn bó với bà con nhân dân xã Khả Cửu, huyện Thanh Sơn. Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất còn nhiều khó khăn này, ông thương lắm những con người vất vả, lam lũ để rồi nguyện hứa sẽ cống hiến cả cuộc đời để phục vụ, chăm sóc cho sức khỏe của nhân dân vùng cao.

Bác sĩ Đinh Văn Thạch thăm khám bệnh cho bệnh nhân.

Bác sĩ Đinh Văn Thạch sinh năm 1965 tại xã Khả Cửu, huyện Thanh Sơn. Ngay từ nhỏ, chứng kiến sự vất vả của gia đình, người thân quê mình mỗi khi ốm đau phải chạy mấy chục cây số đường rừng ra đến bệnh viện huyện, Đinh Văn Thạch đã nung nấu một ước mơ trở thành bác sĩ để tự tay khám, chữa bệnh cho người dân. Tháng 1/1988, sau khi tốt nghiệp Trường Trung cấp Y tế Phú Thọ, bỏ qua những cơ hội việc làm ở thành phố, ông về công tác tại Trạm Y tế xã Khả Cửu. Từ đây, chặng đường 35 năm gắn bó với y tế thôn bản và bà con vùng cao của bác Đinh Văn Thạch bắt đầu. Từ năm 2006 đến năm 2010, ông đi học bác sĩ chuyên tu tại Đại học Y Thái Nguyên. Tốt nghiệp ra trường, ông được điều động, bổ nhiệm làm Trưởng Trạm Y tế xã Tân Minh. Trong vòng 10 năm, bác sĩ Đinh Văn Thạch là người có công lớn trong việc giúp xã Tân Minh hoàn thành chuẩn Quốc gia về y tế giai đoạn 2010-2020. Từ năm 2015, ông được điều động về làm Trưởng Trạm Y tế xã Khả Cửu.

Cuộc sống của một bác sĩ vùng cao nhiều khó khăn, vất vả nhưng cũng không ít những niềm vui. Khó khăn lớn nhất là địa bàn rộng, dân cư phân bổ rải rác, đa số lại là đồng bào dân tộc thiểu số, hiểu biết về chăm sóc sức khỏe ở một số nơi còn hạn chế. Còn vui vì đã giúp đỡ được nhiều người dân hơn. Một trong những kỷ niệm mà bác sĩ nhớ nhất trong sự nghiệp của mình đó là một mình ông cùng lúc đỡ đẻ cho ba sản phụ. Đó là một ngày đầu tháng 4/2013, trong ca trực đêm, ông đón ba sản phụ đang có dấu hiệu chuyển dạ được đưa vào trạm. Thông tin liên lạc không có, ông không kịp gọi đồng nghiệp đến hỗ trợ. Cực chẳng đã, người nhà bệnh nhân “bất đắc dĩ” trở thành y tá giúp sức cho bác sĩ Thạch đón ba đứa trẻ sơ sinh chào đời an toàn trong niềm vui và hạnh phúc của các gia đình. Giờ đây, khi ngồi ngẫm lại những phút giây kề cận với sinh tử người bệnh, ông chỉ mỉm cười: “Mấy chục năm trong nghề y, bao nhiêu đêm thức trắng không nhớ nổi, đổi lại là sự tin tưởng của bệnh nhân và niềm vui của người nhà bệnh nhân mỗi khi thấy người thân của mình được mạnh khỏe”.

Chất lượng khám, chữa bệnh của Trạm Y tế xã Khả Cửu không ngừng được nâng lên, đảm bảo công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân.

Bác sĩ Thạch cũng là người đi tiên phong trong việc vận động nhân dân xóa bỏ hủ tục lạc hậu, sống và chăm sóc sức khỏe theo phương thức tiến bộ. Những lần đi bản, có lúc phải giằng co bệnh nhân với thầy cúng để đưa đến cơ sở y tế khám, chữa bệnh. “Để bà con thay đổi nếp nghĩ cần nhiều thời gian nhưng dù mất bao lâu, tốn bao nhiêu công sức, tôi cũng phải xóa bằng được những quan niệm xưa cũ, lạc hậu ấy” - bác sĩ Thạch cho biết.

Ở cái tuổi đã gần 60, đôi chân bác sĩ Thạch vẫn dẻo dai để trèo đồi, lội suối đi tuyên truyền cho những gia đình nằm sâu trên sườn núi về kế hoạch hóa gia đình, phòng tránh các bệnh truyền nhiễm... Nhiệt huyết và tình yêu nghề là hai phẩm chất không thể thiếu để bác sĩ vùng cao có thể bám trụ lại với ngành y. Trong hơn 35 năm công tác, bác sĩ Thạch đã hỗ trợ, chăm sóc cho hàng trăm lượt người bệnh, đóng góp công sức của mình xây dựng, hoàn thiện hệ thống y tế tại các xã khó khăn đạt chuẩn nông thôn mới. Với những cống hiến không ngừng nghỉ, năm 2015, bác sĩ Đinh Văn Thạch được Bộ trưởng Bộ Y tế tặng Kỷ niệm chương “Vì sức khỏe nhân dân” cùng với nhiều Bằng khen, Giấy khen của tỉnh và địa phương.

Hình ảnh vị bác sỹ nhiệt huyết, hết lòng với nghề của bác sĩ Đinh Văn Thạch là tấm gương sáng để thế hệ trẻ học tập và noi theo.

Thùy Trang

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//y-te/nang-long-voi-y-te-vung-cao/191111.htm