Năng lực của liên doanh Văn Phú – Bắc Ái ra sao?
Tp.HCM đổi nhiều khu 'đất vàng' cho liên doanh Văn Phú - Bắc Ái để lấy hơn 2,7km đường. Sau nhiều năm, dự án chậm tiến độ và chỉ là cỏ cây dại mọc quá đầu người nhưng đất công đã vào tay tư nhân.
Bài 1: Văn Phú – Bắc Ái: Thi công 2,7km đường Vành Đai 2 đổi lấy “đất vàng”
Tuyến đường kết nối, đoạn từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao thông Gò Dưa (Tp.Thủ Đức) là dự án thành phần thuộc tuyến đường Vành Đai 2. Con đường này có vốn đầu tư hơn 2.700 tỷ đồng, do Công ty Cổ phần Đầu tư Văn Phú – Bắc Ái đầu tư, thực hiện theo hình thức BT (xây dựng, chuyển giao).
Đổi nhiều “đất vàng”
Dự án được khởi công xây dựng từ năm 2017, có chiều dài khoảng hơn 2,7 km và để có được công trình này, Tp.HCM đã đổi 6 khu đất cho nhà đầu tư.
Cụ thể 6 khu đất này là: khu đất 129 Đinh Tiên Hoàng, nay là đường Lê Văn Duyệt (phường 3, quận Bình Thạnh) có diện tích 7.200m², khu đất 234 Lý Tự Trọng (phường Bến Thành, quận 1) rộng 643m², khu đất 582 Kinh Dương Vương (phường An Lạc, quận Bình Tân) có diện tích hơn 12.000m², khu đất 132 Đào Duy Từ (phường 6, quận 10) có diện tích hơn 10.600m², khu đất 12 Kỳ Đồng (phường 9, quận 3) có diện tích 940m² và khu đất số 42 Trương Định (phường Võ Thị Sáu, quận 3) có diện tích 807m².
Tuy nhiên, từ tháng 10/2020 đến tháng 2/2021, UBND Tp.HCM đã điều chỉnh, hủy chủ trương thanh toán bằng quỹ đất cho nhà đầu tư đối với khu đất số 129 Lê Văn Duyệt và khu đất số 42 Trương Định.
Như vậy, đến nay, quỹ đất dự kiến thanh toán Hợp đồng BT cho Công ty Văn Phú - Bắc Ái chỉ còn 4 khu đất. Với canh bạc đổi đất lấy hạ tầng, chưa rõ, Tp.HCM lỗ hay lời nhưng trên thực tế, cho đến thời điểm này, đoạn đường dài hơn 2,7 km vẫn đang cỏ mọc um tùm quá đầu người. Ghi nhận của PV cho thấy, tuyến đường này vẫn còn dang dở, cỏ cây dại mọc um tùm. PV phải rất vất vả mới tìm đến được điểm thi công dự án trên con đường Ụ Ghe (khu phố 2, phường Tam Phú, Tp.Thủ Đức).
Theo bảng thông tin, đây là dự án nhóm B: đường trong đô thị cấp II, cầu đường bộ cấp IV do Công ty Văn Phú – Bắc Ái làm chủ đầu tư. Nhà thầu thi công là Công ty CP Đầu tư Xây dựng Bắc Ái, ngày khởi công 18/12/2017 và thời gian thi công là 24 tháng, kể từ khi hoàn thành bàn giao mặt bằng.
Tại khu vực này có một trạm để nhà đầu tư thi công dự án, tuy nhiên, “cửa đóng then cài”, bên trong một số phương tiện như xe tải, xe múc nằm tại chỗ, phơi nắng mưa, sắt hoen ghỉ… Trạm trộn bê tông cũng nằm im lìm. Từ tháng 3/2020, đã thực hiện được hơn 40% giá trị hợp đồng xây lắp và tạm dừng thi công từ đó đến nay. Một trong những nguyên nhân đình trệ là do chưa thống nhất được quỹ đất thanh toán cho nhà đầu tư.
Dự án chậm, lấy tiền đâu trả lãi vay?
Về dự án này, ngày 25/11/2016, UBND Tp.HCM ký Hợp đồng BT (số 6827HĐ/UBND) với liên danh nhà đầu tư gồm: Công ty Cổ phần Đầu tư HNS Việt Nam, Công ty Cổ phần Đầu tư Văn Phú Invest và Công ty Cổ phần Tư vấn Đầu tư Xây dựng Bắc Ái. Tên dự án là Đầu tư xây dựng đoạn tuyến kết nối đường Phạm Văn Đồng đến nút giao thông Gò Dưa - Quốc lộ 1 theo hình thức đối tác công - tư BT (Hợp đồng BT).
Về giá trị Hợp đồng BT là hơn 2.765 tỷ đồng, gồm giá trị Dự án BT là hơn 944 tỷ đồng và chi phí giải phóng mặt bằng là hơn 1.821 tỷ đồng. Theo hợp đồng, thời điểm thanh toán cho nhà đầu tư là thời điểm UBND Tp.HCM ban hành quyết định giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với quỹ đất thanh toán cho nhà đầu tư và các khu đất được đề nghị để thanh toán cho nhà đầu tư.
Theo báo cáo của nhà đầu tư thì việc chậm trễ giải quyết các kiến nghị dẫn đến phát sinh nhiều vấn đề. Cụ thể, theo nhà đầu tư thì giá trị lãi vay ước tính UBND Tp.HCM sẽ phải chịu tới thời điểm hiện tại là 232 tỷ đồng, trung bình mỗi tháng khoảng 10 tỷ đồng. Vậy, câu hỏi đặt ra là Tp.HCM lấy nguồn thu nào để trả?
Trong khi đó, theo Báo cáo thường niên năm 2021, Công ty CP Đầu tư Văn Phú - Invest (Công ty mẹ của Công ty Văn Phú - Bắc Ái) ghi nhận số tiền gần 130 tỷ đồng “nhận góp vốn hợp tác đầu tư”.
Cụ thể: “Số dư gần 130 tỷ đồng vào ngày 31/12/2021 là các khoản nhận góp vốn hợp tác đầu tư cho Dự án đầu tư xây dựng đoạn tuyến kết nối từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao thông Gò Dưa – Quốc lộ 1 và Dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp quốc lộ 1 – đoạn Hà Nội – Bắc Giang. Theo các hợp đồng hợp tác đầu tư, Công ty thay mặt các bên góp vốn thực hiện các quyền và nghĩa vụ liên quan tới việc thực hiện dự án và cam kết chia lãi cho các đối tác theo tỷ lệ góp vốn”.
Đồng thời còn đó là số tiền gần 122 tỷ đồng “vốn huy động thực hiện dự án” ghi nhận vào ngày 31/12/2021 là các khoản vốn huy động từ Công ty Văn Phú - Bắc Ái, Công ty Cổ phần Đầu tư HNS Việt Nam để thực hiện Dự án đầu tư xây dựng đoạn tuyến kết nối từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao thông Gò Dưa”.
Trước đó, Văn Phú Invest cũng ghi nhận số dư gần 119 tỷ đồng vào ngày 31/12/2020 nhận góp vốn hợp tác đầu tư cho Dự án đầu tư xây dựng đoạn tuyến kết nối từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao thông Gò Dưa – Quốc lộ 1 theo Hợp đồng Xây dựng – Chuyển giao và Dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp quốc lộ 1 – đoạn Hà Nội – Bắc Giang theo hình thức Hợp đồng Xây dựng – Kinh doanh – Chuyển giao.
Còn số dư gần 95 tỷ đồng vào ngày 31/12/2020 là các khoản vốn huy động từ Công ty Cổ phần Tư vấn Đầu tư Xây dựng Bắc Ái và Công ty Cổ phần Đầu tư HNS Việt Nam để thực hiện Dự án đầu tư xây dựng đoạn tuyến kết nối từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao thông Gò Dưa.