Năng lực một số ngành công nghiệp trong kế hoạch 5 năm 1961-1965
Trong Kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, 1961-1965, năng lực của các ngành công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp trung ương được nâng lên rõ rệt, đã cung cấp cho nền kinh tế một khối lượng lớn những sản phẩm tư liệu sản xuất và hàng hóa tiêu dùng quan trọng: điện, than, gang, máy cắt gọt kim loại, động cơ điện…
Theo sách “Lịch sử Công Thương Việt Nam 1945-2010”, hệ thống công nghiệp mới của thời kỳ này bao gồm ba bộ phận chủ yếu: công nghiệp trung ương, công nghiệp quốc doanh địa phương và tiểu thủ công nghiệp, hợp tác xã, trong đó công nghiệp nặng trung ương là xương sống của nền kinh tế quốc dân, với năng lực sản xuất được mở rộng đáng kể. Cụ thể:
Điện lực: Đạt tốc độ phát triển nhanh: 248% (so tốc độ chung của công nghiệp 189%). Đã xây dựng thêm các nhà máy điện như Uông Bí - Nhà máy nhiệt điện có công suất lớn nhất đầu tiên ở miền Bắc, Việt Trì, Thái Nguyên, Hà Bắc, Vinh... đưa tổng số cơ sở từ 33 năm 1961 lên 40 năm 1965. Đã làm xong 571 km đường dây 110 kV, 1.135 km đường dây 35 kV. Hình thành mạng lưới điện 110 kV thống nhất phân phối điện cho phía Nam và Bắc Hà Nội, khu vực Nam Định, Hải Phòng, Bắc Giang, Việt Trì, Phú Thọ, Thái Nguyên, khu mỏ than.
Hoàn thành các đường dây 110 kV Đông Anh - Hà Nội - Nam Định, Uông Bí - Mông Dương, Đông Anh - Bắc Giang. Hoàn thành và đưa vào sử dụng các trạm biến thế 110/35/6 kV như Hà Đông (40 ngàn kVA), Trình Xuyên và Mông Dương (20 nghìn kVA).
Ngoài ra, đã xây dựng một số trạm phát điện nhỏ ở các thị xã, thị trấn, các trạm thủy điện nhỏ miền núi. Năm 1964, khởi công xây dựng các nhà máy thủy điện Thác Bà - Nhà máy thủy điện có công suất lớn đầu tiên ở miền Bắc, Na Hang, Suối Cun, khởi công nhà máy thủy điện Lạng Sơn.
Năm 1965, điện lực miền Bắc đạt sản lượng điện 633,6 triệu kWh, tăng gấp 2,5 lần so với năm 1960. Công suất huy động thêm của ngành Điện trong thời gian này là 103.000 kW; công suất có khả năng huy động là 192.000 kW, đảm bảo cung cấp điện ổn định cho các nhà máy và khu công nghiệp quan trọng, cho nông nghiệp chống úng và chống hạn ở đồng bằng Bắc bộ, một số khu vực trung du và miền núi.
Khai thác than: Sản lượng than khai thác tăng từ 2,6 triệu tấn năm 1960 lên 4,2 triệu tấn năm 1965, trong đó, Công ty Than Hòn Gai sản xuất phần chủ yếu, ngoài ra có các mỏ Uông Bí, Mông Dương.
Ngành Than đã xây dựng thêm một số mỏ phụ, khởi công xây dựng mỏ than Mông Dương, nghiên cứu khôi phục mỏ than Mạo khê, mở rộng mỏ than Uông Bí, hoàn thành xây dựng cơ sở luyện cốc Hồng Gai, thăm dò bổ sung trữ lượng các mỏ than Vàng Danh, Cánh Gà, Mông Dương, Mạo Khê, nâng cấp trữ lượng than Hà Tu, Hà Lầm, Tây Bắc, khởi công thăm dò Khe Chàm…
Cơ khí: Đã có khả năng chế tạo các máy công cụ chính xác cấp 2, các loại máy nổ, máy bơm, các thiết bị toàn bộ cho một số ngành Công nghiệp nhẹ. Xây dựng thêm một số nhà máy cơ khí quan trọng, như: Cơ khí Trung tâm Cẩm Phả, Cơ khí Nông nghiệp Hà Đông, cải tạo và mở rộng các nhà máy cơ khí Duyên Hải, Điện Cơ, Cơ khí Uông Bí, Xe đạp Thống Nhất, Cơ khí Trần Hưng Đạo, hoàn thành xây dựng phân xưởng cắt gọt và mở rộng phân xưởng cơ khí của Nhà máy Cơ khí Hà Nội, hoàn thành Nhà máy Đóng tầu Bạch Đằng (đợt I), mở rộng Nhà máy Xe lửa Gia Lâm.
Khởi công các nhà máy Liên hợp Diesel và nhà máy Cẩm Phả, Nhà máy Điện cơ Hungari, Nhà máy Dụng cụ đồ nghề và cân, Nhà máy Cơ khí Gia Lâm... đưa số xí nghiệp cơ khí lên 148 năm 1965, đạt giá trị sản lượng 309 triệu đồng, trong đó cơ khí chế tạo chiếm tỷ trọng 80% và cơ khí sửa chữa: 20%, cơ khí phục vụ sản xuất: 90% và phục vụ tiêu dùng: 10%.
Luyện kim: Sản lượng gang miền Bắc vào năm 1965 đạt 115 ngàn tấn (riêng Thái Nguyên là 90 nghìn tấn), thép thỏi đạt 10 nghìn tấn. Nghiên cứu đúc các bán thành phẩm để giảm ứ đọng thép thỏi, chuẩn bị phương án cho mở rộng Khu Liên hợp Gang thép Thái Nguyên đợt 2.
Ngoài ra, tích cực đẩy mạnh khai thác kim loại mầu, đạt sản lượng thiếc thỏi: 436 tấn và quặng cơrômit khô: 13,1 nghìn tấn, tổ chức khai thác mỏ thiếc Sơn Dương (Tuyên Quang), tích cực giải quyết bãi thải và áp dụng phương pháp khai thác mới để nâng sản lượng khai thác quặng cromit Cổ Định (Thanh Hóa).
Phân bón, hóa chất: Năm 1965, các loại phân bón đạt: supe phốt phát: 87,2 nghìn tấn, quặng apatit cục: 680 nghìn tấn, thuốc bột 666:1.569 tấn, axit sunfuric: 4.688 tấn. Đã hoàn thành xây dựng Nhà máy Phân đạm Hà Bắc trong năm 1965, bắt đầu xây dựng cơ sở nghiền apatít, mở rộng phân xưởng axit sunfuric, gấp rút nghiên cứu xây dựng nhà máy điện giải và thuốc nhuộm.
Sản xuất hàng tiêu dùng: Số cơ sở công nghiệp thực phẩm và công nghiệp hàng tiêu dùng tăng từ 321 cái năm 1960 lên 336 cái năm 1965. Chúng ta đã tập trung mở rộng và nâng công suất cho hai nhà máy đường Nghệ An và Việt Trì (đưa công suất từ 350 tấn lên 500 tấn mía/ngày).
Nhà máy Thuốc lá Thăng Long đã tăng công suất lên 100 triệu bao/năm; cân đối thiết bị và nâng công suất Nhà máy Giấy Việt Trì (đạt công suất 20 ngàn tấn), mở rộng Nhà máy Gỗ Cầu Đuống, hoàn thành xây dựng và huy động hết công suất Nhà máy Dệt 8/3 (35 triệu mét vải).
Hoàn thành các phân xưởng phụ và huy động hết công suất Nhà máy Mì chính Việt Trì, tăng thiết bị cho các cơ sở sản xuất đường, chè, rượu, xà phòng, sữa bột, đậu nành, bột ngô. Ngoài ra, cũng khởi công xây dựng các nhà máy Đường Sao Vàng, Hoa quả Việt Trì, Sấy thuốc lá Ninh Bình, Giấy Vạn Điểm, Thuộc da Vinh, Chế biến thịt Phú Thụy...