Năng lượng mặt trời, tại sao không?
Năng lượng mặt trời, năng lượng gió là những nguồn tài nguyên vô tận mà thiên nhiên ưu đãi cho con người, nhất là những quốc gia vùng nhiệt đới như Việt Nam. Tại An Giang, 100% diện tích đều có thể khai thác năng lượng mặt trời. Thực tế cho thấy, việc khai thác năng lượng mặt trời ngày càng phát huy hiệu quả.
Thu hút đầu tư mạnh mẽ
Phó Giám đốc Sở Công thương Trần Thanh Tâm cho biết, so các địa phương khác, An Giang có tiềm năng về năng lượng mặt trời tương đối cao và điều kiện khai thác thuận lợi. Về mặt lý thuyết, 100% diện tích trên địa bàn tỉnh đều có tiềm năng về năng lượng mặt trời. Trong đó, mức bức xạ bình quân 5,1kWh/m2/ngày, tập trung hầu hết tại các địa phương, gồm: An Phú, TX. Tân Châu, TP. Châu Đốc, Phú Tân và một phần huyện Chợ Mới. Đối với khu vực đồi núi thuộc huyện Tri Tôn và Tịnh Biên, bức xạ đạt bình quân 4,7kWh/m2/ngày, trong khi hầu hết các huyện, thành phố còn lại đạt bức xạ bình quân 4,9kWh/m2/ngày.
Từ bản đồ tiềm năng mặt trời tỉnh An Giang, ông Tâm cho rằng, sơ bộ lựa chọn các vùng phát triển điện mặt trời theo từng giai đoạn, phù hợp các tiêu chí như: các dự án thuộc khu vực đất hoặc mặt nước có giá trị sử dụng thấp, không chồng lấn với các dự án hoặc quy hoạch ngành khác; hạ tầng giao thông tương đối thuận lợi, gần các trục giao thông chính, thuận lợi trong công tác vận chuyển thiết bị, nguyên vật liệu xây dựng và vận hành; địa hình tương đối bằng phẳng hoặc có độ dốc nhỏ; khoảng cách đấu nối gần lưới điện và lưới điện có khả năng truyền tải hết công suất nhà máy; bức xạ mặt trời bình quân được đánh giá vào loại khá trở lên (4,7kWh/m2/ngày trở lên).
Thời gian qua, đã có nhiều dự án năng lượng tái tạo đầu tư vào An Giang. Theo ông Tâm, hiện có 13 dự án nhà máy điện mặt trời đăng ký đầu tư trên địa bàn tỉnh, với tổng công suất khoảng 1.699MWp, tập trung tại các huyện: Tịnh Biên, Tri Tôn, Châu Thành, Châu Phú và An Phú. Đến nay, có 4 dự án đi vào hoạt động, phát điện thương mại với tổng công suất 214MWp.
Nếu tính Nhà máy điện mặt trời Sao Mai giai đoạn 2 (dự kiến đóng điện vào cuối năm 2020), sẽ nâng tổng công suất phát điện thương mại lên 320MWp. Đối với 9 dự án còn lại, đang trình Bộ Công thương thẩm định, phê duyệt. Riêng điện mặt trời áp mái lắp cho các doanh nghiệp (DN), cơ sở kinh doanh, hộ gia đình trên địa bàn tỉnh, đến tháng 10-2020 đạt công suất khoảng 30MWp.
Bên cạnh đó, các DN còn đăng ký 5 dự án nhà máy điện gió với tổng công suất khoảng 656MWp, tập trung tại Thoại Sơn và Tri Tôn. Hiện nay, các dự án đã được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương nghiên cứu, khảo sát, lắp đặt cột đo gió.
Tiềm năng mở rộng
Theo quy hoạch điện năng lượng mặt trời của tỉnh giai đoạn đến 2020, diện tích đất cần khoảng 300ha, tương ứng với tổng công suất lắp đặt 250MWp. Tuy nhiên, tổng công suất phát điện thương mại đến cuối năm 2020 khả năng vượt kế hoạch (320MWp).
Ông Tâm cho biết, giai đoạn sau năm 2020, diện tích đất cần khoảng 860ha, tương ứng với công suất lắp đặt 557MWp. Mục tiêu này khả năng sẽ vượt bởi chỉ trên địa bàn huyện Tịnh Biên, các xã có tiềm năng như: An Cư, Văn Giáo, An Hảo có thể khai thác 580MWp.
Trên địa bàn xã Cần Đăng (Châu Thành) có tiềm năng khai thác khoảng 67MWp; xã An Thạnh Trung (Chợ Mới) khoảng 90MWp. Tại huyện Tri Tôn, các xã có tiềm năng như: Châu Lăng, Núi Tô, An Tức có tổng công suất tiềm năng 253MWp. Ở các địa phương còn lại, có tiềm năng phát triển nguồn năng lượng mặt trời trên mái nhà.
“Theo Kế hoạch số 116-KH/TU ngày 13-7-2020 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, phấn đấu đến năm 2030, An Giang phát triển các nguồn năng lượng tái tạo đạt công suất 3.000MW và đến năm 2045, đạt công suất 4.000MW” - ông Tâm nhấn mạnh.
Cũng theo Phó Giám đốc Sở Công thương, khi thực hiện đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo trên địa bàn An Giang, DN sẽ được hưởng nhiều chính sách ưu đãi theo quy định về miễn tiền thuê đất, hỗ trợ vay vốn tín dụng, ưu đãi về thuế thu nhập DN, ưu đãi thuế nhập khẩu hàng hóa, linh kiện tạo tài sản của dự án…
Là một chuyên gia nghiên cứu về năng lượng tái tạo, PGS.TS Nguyễn Thị Vân Hà (Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, cơ hội phát triển điện mặt trời, điện gió rất lớn bởi đây là nguồn năng lượng sạch, tái tạo và vô tận, trong khi nguồn năng lượng hóa thạch, dầu mỏ ngày càng cạn dần và giá thành cao.
Với công nghệ khai thác điện mặt trời hiện tại, chi phí đầu tư khá hợp lý, hiệu quả và nhanh thu hồi vốn. Theo đó, năng lượng mặt trời được hấp thu trực tiếp qua tấm pin năng lượng để tạo ra dòng điện một chiều (DC), qua bộ chuyển điện inverter, dòng điện sẽ chuyển thành dòng 2 chiều và ở cùng tần sóng với lưới điện.
“Tất cả điện tải lên lưới sẽ được bán cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam theo Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg ngày 11-4-2017 của Thủ tướng Chính phủ về khuyến khích phát triển năng lượng mặt trời ở Viêt Nam. Đây là cơ sở để người dân, DN yên tâm đầu tư” - PGS.TS Nguyễn Thị Vân Hà nhấn mạnh.
NGÔ CHUẨN
Trong khuôn khổ dự án hợp tác An Giang - Pitea, Ban Điều hành chương trình hợp tác giữa An Giang và Thụy Điển đã phối hợp Sở Công thương, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo “Phát triển năng lượng tái tạo - cơ hội đầu tư cho DN”. Các đại biểu đã đánh giá tiềm năng, cơ hội, chia sẻ kinh nghiệm đầu tư năng lượng mặt trời tại An Giang; tham quan thực tế Nhà máy điện mặt trời Sao Mai. Qua đó, khuyến khích DN đầu tư vào năng lượng mặt trời trên địa bàn tỉnh.
Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/nang-luong-mat-troi-tai-sao-khong-a288770.html