Năng lượng Ninh Thuận chậm thanh toán 2 tỷ đồng gốc trái phiếu

Ngày 26/6, CTCP Công nghiệp Năng lượng Ninh Thuận thông báo không thể mua lại một phần lô trái phiếu TT.BOND.2020 do chưa thu xếp kịp nguồn thanh toán.

 Năng lượng Ninh Thuận chậm thanh toán 2 tỷ đồng gốc trái phiếu

Năng lượng Ninh Thuận chậm thanh toán 2 tỷ đồng gốc trái phiếu

Công ty Cổ phần Công nghiệp Năng lượng Ninh Thuận mới đây đã thông báo về việc chậm thanh toán gốc trái phiếu TT.BOND.2020.

Cụ thể, lô trái phiếu TT.BOND.2020 là trái phiếu dài hạn, được CTCP Công nghiệp Năng lượng Ninh Thuận phát hành vào ngày 25/12/2020, kỳ hạn 17 năm. Lô này gồm 2.2 triệu trái phiếu, mệnh giá 1 triệu đồng, tổng giá trị phát hành là 2.200 tỷ đồng. Lãi suất áp dụng là 10.75%/năm.

Trong năm 2022 và 2023, doanh nghiệp đã có 4 lần thực hiện mua lại một phần lô trái phiếu này, mỗi lần 30,000 trái phiếu (tương đương 30 tỷ đồng). Tuy nhiên trong lần mua lại thứ 5 (theo kế hoạch vào ngày 25/06/2024), Năng lượng Ninh Thuận đã không thể thực hiện dù chỉ mua 2,000 trái phiếu (tương ứng 2 tỷ đồng), vì chưa thu xếp kịp nguồn vốn thanh toán.

Trước đó, năm 2023, Năng lượng Ninh Thuận đã chậm thanh toán hơn 149 tỷ đồng tiền lãi cho lô trái phiếu này do chưa thu xếp kịp nguồn. Kỳ thanh toán thứ 5 (từ 25/06 đến 25/12/2023) dự kiến ngày 25/12, nhưng doanh nghiệp đã thanh toán vào ngày 29/12.

 Tình hình thanh toán gốc trái phiếu của Công nghiệp Năng lượng Ninh Thuận

Tình hình thanh toán gốc trái phiếu của Công nghiệp Năng lượng Ninh Thuận

Về tình hình kinh doanh, tính đến giữa năm 2021, Năng lượng Ninh Thuận vẫn có lợi nhuận, nhưng từ năm 2022, doanh nghiệp kinh doanh sa sút, liên tục báo lỗ.

Kết thúc năm 2023, Công nghiệp Năng lượng Ninh Thuận ghi nhận khoản lỗ gần 242 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu giảm 22%, còn gần 880 tỷ đồng. Hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu tăng từ 2,38 lần lên 2,93 lần, tương đương tổng nợ vay 2.578 tỷ đồng, trong đó có 2.076 tỷ đồng là nợ trái phiếu.

 Tình hình tài chính năm 2023 của Năng lượng Ninh Thuận

Tình hình tài chính năm 2023 của Năng lượng Ninh Thuận

Được biết, Năng lượng Ninh Thuận thành lập vào tháng 2/2017, có trụ sở tại Ninh Thuận. Công ty hoạt động chính trong lĩnh vực sản xuất điện từ năng lượng mặt trời. Vốn điều lệ ban đầu là 360 tỷ đồng, do 5 cổ đông trong nước nắm giữ.

Trong đó, Chủ tịch HĐQT Nguyễn Quốc Vinh (sinh năm 1959) và bà Nguyễn Thu Mai nắm phần lớn, mỗi người 30% (tương đương 10,8 triệu cổ phần); ông Lê Anh Đức nắm 20% (tương đương 7,2 triệu cổ phần); ông Trần Đại Phong nắm 15% (tương đương 5,4 triệu cổ phần); và ông Lê Nguyên Hoàng nắm 5% (tương đương 1,8 triệu cổ phần).

Tháng 5/2018, vai trò người đại diện pháp luật của công ty chuyển sang cho ông Phạm Công Đoàn (sinh năm 1960), lúc này đang là Tổng Giám đốc doanh nghiệp. Cơ cấu cổ đông biến động mạnh, khi gần như toàn bộ các cổ đông sáng lập không còn giữ cổ phần, ngoại trừ ông Nguyễn Quốc Vinh nắm 5% (tương đương 1,8 triệu cổ phần).

Đến tháng 6/2019, cơ cấu ban lãnh đạo của Năng lượng Ninh Thuận tiếp tục thay đổi. Ông Đoàn nhậm chức Chủ tịch HĐQT, và vị trí Tổng Giám đốc chuyển sang cho ông Đặng Hoàng Tùng (sinh năm 1969). Đồng thời, ông Tùng cũng trở thành người đại diện pháp luật của công ty vào thời điểm này.

Tháng 11/2020, Năng lượng Ninh Thuận thực hiện tăng vốn điều lệ lên hơn 1.230 tỷ đồng (khoảng 123 triệu cổ phần), toàn bộ là vốn tư nhân. Các cổ đông sáng lập không còn nắm giữ cổ phiếu nào. Lúc này, ông Đặng Hoàng Tùng vẫn là đại diện pháp luật, kiêm Chủ tịch HĐQT, Giám đốc và Tổng Giám đốc công ty.

Đến tháng 5/2022, ông Lê Mạnh Hà lên nắm chức Tổng Giám đốc kiêm đại diện pháp luật của doanh nghiệp. Được biết, ông Hà còn đại diện pháp luật cho hai doanh nghiệp khác là Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Năng lượng Ninh Thuận và Công ty TNHH Đầu tư Thương mại và Sản xuất Kinh doanh Ninh Thuận.

Cập nhật thông tin đăng tải của T&T vào năm 2020, nhà máy điện mặt trời Thiên Tân 1.2 và Thiên Tân 1.3 do CTCP Công nghiệp Năng lượng Ninh Thuận, thành viên của Tập đoàn T&T Group, làm chủ đầu tư và đều do IPC làm tổng thầu thi công.

Nhà máy Thiên Tân 1.2 tọa lạc tại xã Phước Hà, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận, có công suất 100 MWp. Nhà máy Thiên Tân 1.3 nằm ở xã Phước Vinh, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận, có công suất 50 MWp. Cả hai nhà máy này đều đã hòa vào lưới điện quốc gia vào cuối năm 2020.

Hiện tại, trong danh sách đơn vị thành viên trên website của T&T Group không còn nhắc đến Công nghiệp Năng lượng Ninh Thuận.

Tháng 6/2020, Tập đoàn T&T và Công nghiệp Năng lượng Ninh Thuận đã khánh thành Nhà máy điện mặt trời Phước Ninh với tổng mức đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng. Nhà máy có công suất 45 MW, hòa lưới từ ngày 10/6/2020 và cung cấp sản lượng điện ước tính khoảng 75 triệu kWh/năm.

Quỳnh Ái

Nguồn Vietnamdaily: http://vietnamdaily.trithuccuocsong.vn/bat-dong-san/nang-luong-ninh-thuan-cham-thanh-toan-2-ty-dong-goc-trai-phieu-215381.html