Năng lượng sạch - bài toán chưa dễ giải của các nước Đông Nam Âu
Khu vực Đông Nam Âu có nhiều tiềm năng về năng lượng tái tạo phi carbon như điện gió, điện mặt trời và năng lượng sinh học...
Các nghiên cứu đều xác nhận mặt trời chiếu sáng nhiều giờ, các bờ biển lộng gió và nhiều núi ở Đông Nam Âu. Đây là nguồn năng lượng sinh khối dồi dào tạo nhiều điều kiện để phát triển mảng năng lượng tái tạo.
Lợi ích của cuộc cách mạng năng lượng sạch là một ân huệ lớn lao cho khu vực này. Hiện nay, điện gió và điện mặt trời là hai nguồn năng lượng rẻ tiền nhất về lâu dài, tiết kiệm được hàng tỉ euro chi phí năng lượng và hàng tỉ euro nữa từ những ích lợi khác như không khí sạch hơn giúp cải thiện sức khỏe con người.
Cơ quan Năng lượng tái tạo quốc tế (IRENA) cho biết, bằng cách dùng điện mặt trời và điện gió, Đông Nam Âu có tiềm năng sản xuất được 739 gigawatt điện xanh, tức ngang bằng sản lượng một năm của 739 lò phản ứng hạt nhân cỡ trung bình, nhiều hơn gấp 3 lần sản lượng điện mà Albania và các nước thuộc Nam Tư cũ đang tiêu thụ.
Trên hết, các hệ thống năng lượng do địa phương phát sẽ giúp nâng nguồn thu nhập của địa phương, thay vì nguồn thu ấy được đưa vào sổ cái của các tập đoàn đa quốc gia. Và một hệ thống năng lượng khu vực hiện đại và bền vững sẽ giúp cải thiện đáng kể an ninh của nguồn cung năng lượng, một vấn đề đáng lo lâu nay ở khu vực Balkan.
Hơn nữa, dù khu vực này không là nơi thải phát khí carbon nhiều nhất, nó vẫn là một phần trong nỗ lực hạ giảm khí nhà kính của châu Âu và đạt được các mục tiêu chống biến đổi khí hậu của quốc tế.
Cơ sở để chuyển đổi qua năng lượng sạch
Báo Đức Deutsche Welle (DW) khẳng định việc sở hữu nguồn năng lượng tái tạo tiềm năng là “trong tầm tay” của các nước thuộc khu vực Balkan. Nhưng hiện tại 5 nước Albania, Bosnia - Herzegovina, Kosovo, Bắc Macedonia và Serbia vẫn nhập khẩu các nguồn nhiên liệu hóa thạch đắt tiền và đốt than, cây rừng.
Cuộc điều tra của DW đã chỉ ra các rào cản chính khiến 5 nước này chưa thể tận dụng nguồn năng lượng sạch dồi dào, cùng những bất thường ở mỗi nước.
Điểm chung của 5 nước là những đột phá trong việc soạn luật mà những năm gần đây đã cho phép mở cửa thị trường năng lượng cho các nhà sản xuất năng lượng sạch. Công tác soạn luật này mất nhiều năm và dù không phải là không có sơ hở, đang là điểm xuất phát cho cuộc chuyển mình.
Tại Albania, Kosovo, Montenegro và Bắc Macedonia, các sàn giao dịch điện mới đang mở, sẽ cung cấp các thị trường ngắn hạn cần thiết cho việc tiêu thụ khối lượng lớn năng lượng tái tạo theo từng giai đoạn.
Tuy nhiên, trừ khi giới chính trị và kinh doanh trong khu vực chấp nhận logic của năng lượng tái tạo - điều này không xảy ra ở thời điểm hiện tại - thị trường của khu vực Balkan sẽ vẫn thuận lợi cho nhiên liệu hóa thạch và thủy điện, một loại năng lượng tái tạo vốn đã dồi dào ở đó, trong nhiều năm tới.
Các nước vùng Balkan đang dần dần bắt đầu dựa vào nguồn năng lượng tái tạo dồi dào, nhưng còn vướng tình trạng giấy tờ, tham nhũng, lưới điện lạc hậu và thị trường chưa phát triển mạnh.
DW nêu đang có những vấn đề về quyền lực và lợi nhuận, khiến Bosnia - Herzegovina vẫn còn sử dụng điện từ chạy than; hay việc dùng thủy điện ở Albania và dầu khí ở những nơi khác.
Những nỗ lực đầu tiên hướng tới năng lượng tái tạo
Tại Albania, các nhà phát triển điện gió và điện mặt trời đang bị chặn hoàn toàn. Các turbin đầu tiên đang mọc ở vùng bắc nước này và sẽ còn nhiều turbin nữa, nhưng chỉ đến khi thị trường và lưới điện hiện đại và đủ trách nhiệm (một vấn đề nan giải ở khắp khu vực) được vận hành, chứ sự phát triển lĩnh vực điện gió sẽ vẫn chậm và manh mún.
Một yếu tố để ngành điện khu vực sử dụng năng lượng tái tạo đó là giá nhiên liệu hóa thạch tăng cao. Khi đó việc đầu tư vào năng lượng sạch sẽ nhanh chóng thu về kết quả thuận lợi.
Hơn nữa, vì quốc tế nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng biến đổi khí hậu, cộng đồng quốc tế đang nỗ lực giúp thực hiện các dự án năng lượng sạch, ví dụ nhà máy điện sinh học ở Kosovo.
Yếu tố quyết định sẽ là sự ủng hộ của người dân trong khu vực Balkan dành cho năng lượng tái tạo để tạo ra điện sạch và có giá rẻ.