Năng lượng sơ cấp sẽ khó đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của nền kinh tế
Theo đánh giá của các chuyên gia, việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là yêu cầu trọng tâm trong chiến lược bảo đảm an ninh năng lượng.
Chia sẻ tại Diễn đàn "Triển vọng ngành năng lượng Việt Nam", ông Đỗ Tiến Sỹ - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam cho biết, năm 2023 được xem là mốc thời điểm quan trọng trong tiến trình chuyển dịch cơ cấu năng lượng của Việt Nam, chuyển đổi xanh trong lĩnh vực năng lượng đang dần trở thành xu hướng chủ đạo, là một trong những ưu tiên và nhu cầu hàng đầu hiện nay.
Việt Nam thuộc danh sách các nước có tiềm năng lớn để đầu tư thêm các nguồn năng lượng tái tạo mới như điện mặt trời, điện gió, điện sinh khối, điện sóng biển và khí sinh học biogas, bên cạnh các nguồn năng lượng có sẵn như điện khí tự nhiên hóa lỏng, thủy điện và điện than.
“Để tận dụng được hết tiềm năng vốn có thì, nước ta rất cần những chính sách khuyến khích để mở rộng thị trường năng lượng tái tạo, thúc đẩy và triển khai công nghệ mới, cung cấp cơ hội thích hợp, cũng như khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo ở tất cả các lĩnh vực quan trọng”, ông Sỹ nói.
Ngoài ra, với sự hỗ trợ từ các chính sách cụ thể, những dự án năng lượng tái tạo sẽ có cơ sở để phát triển và thu hút nhà đầu tư, thúc đẩy chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp trong nước, giúp các doanh nghiệp có khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Theo ông Sỹ, triển vọng năng lượng Việt Nam thời gian qua nhận được nhiều sự quan tâm và tranh luận của các nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý, các chuyên gia, các tổ chức nghiên cứu và truyền thông.
“Ngành năng lượng Việt Nam trong những năm gần đây phát triển mạnh trong tất cả các khâu như thăm dò, khai thác, sản xuất, truyền tải, phân phối và xuất nhập khẩu năng lượng. Điều đó góp phần quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy vậy, quy mô và hiệu quả ngành năng lượng còn thấp, trạng thái an ninh năng lượng Việt Nam chưa được bảo đảm, hiện tượng “sa thải phụ tải điện” xảy ra thường xuyên vào kỳ cao điểm. Dự trữ dầu quốc gia chưa đủ khả năng bình ổn giá khi xảy ra khủng hoảng giá dầu trên thị trường quốc tế”, Tổng Giám đốc Đỗ Tiến Sỹ đánh giá về ngành năng lượng Việt Nam.
Ông Hoàng Việt Dũng - Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương cho biết, nhu cầu năng lượng trong nước tăng khoảng 10% trong giai đoạn 2001 - 2010, khoảng 7% trong giai đoạn 2011 - 2019 trong khi nhu cầu về điện tăng 13%/năm trong giai đoạn 2001 - 2010 và khoảng 9,71% trong giai đoạn 2011 - 2021.
Phát thải khí nhà kính từ ngành năng lượng chiếm khoảng 63% tổng phát thải khí nhà kính của Việt Nam năm 2010, khoảng 67,7% năm 2020, và sẽ chiếm khoảng 73,1% và 79,7% vào năm 2030 và 2050 theo kịch bản thông thường.
"Trong tương lai, các nguồn năng lượng sơ cấp sẽ không đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ năng lượng của nền kinh tế, Việt Nam sẽ phải nhập khẩu năng lượng sơ cấp phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội", ông Dũng nói.
Từ thực trạng trên, ông Dũng cho rằng cần rà soát, xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách cũng như hỗ trợ kỹ thuật và tài chính nhằm thúc đẩy các dự án đầu tư, sản xuất, kinh doanh về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả.
“Đặc biệt, Việt Nam cũng cần nghiên cứu xây dựng trung tâm dữ liệu năng lượng, cơ sở dữ liệu, ứng dụng công nghệ thông tin về năng lượng và sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả”, đại diện Bộ Công Thương nhấn mạnh.