Năng lượng tái tạo là 1 trong 10 thành tựu của Việt Nam khi thực hiện mục tiêu phát triển bền vững
Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa tổng hợp 10 thành tựu của Việt Nam trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững SDGs.
Sau gần 7 năm thực hiện Chương trình nghị sự 2030 và các mục tiêu phát triển bền vững SDGs, Việt Nam đã đạt được những bước tiến quan trọng, thể hiện qua 10 thành tựu.
Thứ nhất, tỷ lệ nghèo đa chiều giảm mạnh, từ mức 9,2% năm 2016 xuống còn 4,26% năm 2021.
Thứ hai, chỉ số bao phủ các dịch vụ y tế thiết yếu cao hơn mức chung toàn cầu. Năm 2021, tỷ lệ người tham gia bảo hiểm y tế đạt 91,01% dân số.
Thứ ba, tỷ lệ học sinh được công nhận hoàn thành chương trình tiểu học và tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở đạt ở mức cao, tương ứng là 97,2% và 98% năm 2021.
Thứ tư, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ 2021-2026 là 30,26% cao hơn mức trung bình toàn cầu là 23,4% và châu Á là 18,6%.
Thứ năm, tỷ lệ hộ có nguồn nước hợp vệ sinh năm 2021 là 98,1% so với 93% của năm 2016 là 93%.
Thứ sáu, hơn 99,5% hộ gia đình Việt Nam được tiếp cận điện lưới quốc gia.
Thứ bảy, tỷ lệ điện huy động từ nguồn năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối) trên tổng lượng điện huy động của cả nước năm 2021 đạt khoảng 12,3% so với mức chỉ khoảng 0,5% vào năm 2018.
Thứ tám, hạ tầng công nghệ thông tin đã được cải thiện đáng kể. Sóng di động đã phủ hầu khắp cả nước với độ bao phủ tới 99,8% dân số.
Thứ chín, tỷ lệ số hộ sống trong các nhà tạm giảm nhanh, chỉ còn 1,2% năm 2020. Tỷ lệ xã được công nhận đạt tiêu chuẩn nông thôn mới đạt 68,2% năm 2021.
Thứ mười, độ che phủ rừng được duy trì và tăng dần qua các năm, đạt 42,02% vào năm 2021.
Mặc dù đã đạt được những thành tựu quan trọng, song Việt Nam đang đứng trước 5 thách thức lớn trong tiến trình hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2030, bao gồm:
Một là, nền kinh tế chịu nhiều tác động nặng nề và đa diện từ dịch Covid-19, làm suy giảm nguồn lực cho thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững SDGs.
Hai là, chênh lệch giàu nghèo và trình độ phát triển giữa một số vùng, miền và địa phương có xu hướng ngày càng gia tăng.
Ba là, sức ép lớn về phát triển hạ tầng và xử lý ô nhiễm môi trường; tài nguyên thiên nhiên đang bị suy thoái nghiêm trọng; thiên tai, biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp.
Bốn là, khung khổ luật pháp chính sách của Việt Nam mặc dù ngày càng hoàn thiện, nhưng vẫn còn sự chồng chéo, thiếu đồng bộ; hiệu lực thực thi chính sách chưa cao.
Năm là, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; cạnh tranh chiến lược giữa một số quốc gia, đối tác trên thế giới và trong khu vực tiếp tục diễn ra gay gắt; các sự cố bất thường như xung đột quân sự Nga-Ucraine tác động tới chuỗi cung ứng toàn cầu, gia tăng lạm phát…
Chương trình nghị sự 2030 được các nước thành viên Liên hợp quốc thông qua vào tháng 9 năm 2015 với trọng tâm là 17 mục tiêu phát triển bền vững SDGs.
Nguyễn Hòa