Năng lượng tái tạo - Những bước đi trong tương lai
Năng lượng tái tạo đang được quan tâm và được định hướng phát triển mạnh, nhưng tính đồng bộ cả về cơ chế chính sách và công nghệ đều còn yếu. Phóng viên Tạp chí Năng lượng Mới đã ghi lại những ý kiến đáng lưu ý tại Diễn đàn Công nghệ và năng lượng Việt Nam 2020.
TS Lê Đình Chiển - Ban Công nghiệp khí và Lọc hóa dầu PVN: Xây dựng lộ trình nền kinh tế hydro
Khi tỷ trọng nguồn năng lượng tái tạo tăng cao sẽ dần làm mất sự ổn định của hệ thống năng lượng. Hydro là một giải pháp đầy hứa hẹn có thể ổn định hệ thống năng lượng.
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã nghiên cứu nếu sử dụng hydro thì giá bao nhiêu để tương đương với khí tự nhiên. Nếu thay đổi bằng hydro thì sẽ phụ thuộc vào giá khí, kịch bản sẽ khác nhau do giá dầu FO. Giá hydro tương ứng sẽ vào khoảng 1,42 USD/kg nhưng hiện tại giá hydro sản xuất cao hơn 2,4 USD/kg. Giá hydro có thể giảm trong tương lai khi điện từ năng lượng tái tạo sẽ giúp giảm giá điện. Bởi vậy, trong tương lai, PVN có thể đầu tư sản xuất thử nghiệm bằng công nghệ điện phân hydro do Cà Mau có tiềm năng lớn đầu tư điện gió.
PVN sẽ xem xét toàn diện sản xuất hydro bao gồm công nghệ, sản xuất, tồn chứa, tiêu thụ để đón đầu xu hướng chuyển dịch năng lượng thế giới. Đồng thời, PVN đề xuất với các bộ, ngành cần có cơ chế thúc đẩy sản xuất hydro và xây dựng lộ trình phát trình nền kinh tế hydro cho Việt Nam.
Ông Sven Enerdal - Giám đốc Dự án Năng lượng tái tạo và hiệu quả năng lượng (GIZ): Tầm nhìn chiến lược dài hạn
Lĩnh vực năng lượng cần có tầm nhìn chiến lược dài hạn 20-30 năm. Chuyển đổi năng lượng bền vững tại Việt Nam cần tập trung vào các vấn đề như môi trường, an ninh năng lượng, giảm giá thành năng lượng tái tạo, tập trung đầu tư cho năng lượng sạch.
Các yếu tố quan trọng trong phát triển năng lượng bền vững là làm sao phải giảm lượng carbon và giảm các nhà máy sử dụng năng lượng truyền thống như than đá. Phải xây dựng hệ thống từ các nhà máy thông minh, quản lý hệ thống năng lượng thông minh, mạng lưới điện thông minh...
Trong tương lai, Việt Nam cần phát triển nhiều hơn mạng lưới xe điện từ phương tiện cá nhân đến phương tiện công cộng.
Ông Trần Anh Tuấn - chuyên gia cao cấp Hội đồng Năng lượng thế giới tại Việt Nam: Phát triển kho lưu trữ điện
Nước sẽ là nguồn năng lượng trở nên khan hiếm nhất sau 20 năm nữa, tiếp theo các nguồn năng lượng hóa thạch sẽ cạn kiệt. Tương lai năng lượng truyền thống rất ảm đạm, nên thế giới sẽ chuyển qua giai đoạn mới là năng lượng sạch và bền vững. Theo thống kê, đến năm 2040, các phương tiện chạy điện sẽ tiêu thụ điện lớn nhất rồi mới đến công nghiệp. Xu hướng sử dụng hydro cho các phương tiện lớn như tàu thủy, tàu hỏa và cả máy bay.
Các biện pháp công nghệ tác động đến tiêu thụ nhiên liệu gồm tiết kiệm trong tiêu dùng, sản xuất; đổi mới công nghệ mới; áp dụng kỹ thuật số trong sản xuất quản lý hệ thống. Công nghệ được chờ đợi nhất để thay đổi bộ mặt năng lượng thế giới chính là các kho lưu trữ điện. Kho lưu trữ điện cùng với hệ thống phân phối thông minh sẽ giải quyết vấn đề cung cầu điện. Nghiên cứu của Hội đồng năng lượng thế giới cho thấy cần phải có kho lưu trữ điện trong hệ thống năng lượng của mỗi quốc gia.
Ông Trần Văn Tùng - Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ: Nội địa hóa công nghệ, thiết bị năng lượng
Trong giai đoạn vừa qua, ngành năng lượng Việt Nam đã có bước phát triển nhanh, tương đối đồng bộ trong tất cả các phân ngành, lĩnh vực, đạt được nhiều mục tiêu: Cung cấp năng lượng, đặc biệt là cung cấp điện cơ bản đáp ứng đủ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội với chất lượng ngày càng được cải thiện. Trong đó, chỉ số tiếp cận điện năng đứng thứ 27/190 quốc gia, vùng lãnh thổ; công nghiệp khai thác dầu khí và lọc hóa dầu phát triển mạnh...
Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, ngành năng lượng nước ta vẫn còn nhiều hạn chế: Các nguồn cung trong nước không đủ đáp ứng yêu cầu, phải nhập khẩu năng lượng ngày càng lớn; một số chỉ tiêu bảo đảm an ninh năng lượng đang biến động theo chiều hướng bất lợi; cơ sở hạ tầng còn thiếu và chưa đồng bộ; trình độ công nghệ trong một số lĩnh vực chậm được nâng cao, việc nội địa hóa và hỗ trợ thị trường từ công nghiệp cơ khí chế tạo sản xuất trong nước còn hạn chế...
Để có thể lựa chọn, làm chủ, nội địa hóa công nghệ, thiết bị trong lĩnh vực năng lượng, cần có sự đồng bộ của hệ thống chính sách cũng như sự vào cuộc của nhiều bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là các doanh nghiệp và nhà đầu tư.
Ông Nguyễn Tuấn Anh - Phó cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương): Cơ chế đấu thầu công bằng, minh bạch
Nghị quyết số 55 của Bộ Chính trị đã tạo thuận lợi cho tất cả các thành phần kinh tế, nhất là khu vực tư nhân, tham gia vào lĩnh vực năng lượng.
Trong thời gian tới, để có thể phát triển năng lượng tái tạo mạnh mẽ, bền vững, cần tập trung vào các nội dung chính: Chính sách, hạ tầng truyền tải và điều độ hệ thống điện. Về chính sách, các dự án năng lượng tái tạo sẽ chuyển sang cơ chế đấu thầu, nhà đầu tư phát triển được lựa chọn sẽ là nhà đầu tư đưa ra giá bán điện từ dự án điện năng lượng tái tạo thấp nhất. Thực hiện cơ chế này tuy sẽ mất nhiều thời gian hơn nhưng sẽ công bằng, minh bạch hơn cho các nhà đầu tư, bảo đảm sự hài hòa, cân đối giữa phát triển các dự án năng lượng tái tạo và truyền tải điện.
Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/nang-luong-tai-tao-nhung-buoc-di-trong-tuong-lai-579688.html