Năng lượng tái tạo tại Việt Nam: Nhận diện xu thế không thể đảo ngược (Bài 3)

'Năng lượng tái tạo - xu thế không thể đảo ngược' là nhận định của TS. Lê Hải Hưng - Chủ tịch Viện IRAT, nguyên giảng viên Viện Vật lý kỹ thuật, Đại học Bách khoa Hà Nội, thành viên Ban Khoa học công nghệ - Hội Chiếu sáng Việt Nam.

Bên lề Hội thảo "Nhu cầu và cơ hội phát triển ngành thiết bị điện" được tổ chức tại TP.HCM vừa qua, Tạp chí Kinh tế Môi trường đã có trao đổi nhanh với TS. Lê Hải Hưng - Chủ tịch Viện Nghiên cứu và Ứng dụng công nghệ (IRAT), nguyên giảng viên Viện Vật lý kỹ thuật - Đại học Bách khoa Hà Nội, thành viên Ban Khoa học công nghệ - Hội Chiếu sáng Việt Nam. Qua đây, cung cấp thêm thông tin cho độc giả từ góc nhìn của một nhà nghiên cứu, quản lý trong lĩnh vực năng lượng.

Bài học đáng giá

PV: Thưa TS Lê Hải Hưng, khi phát biểu tại Hội thảo, ông đã nhận định, một trong những thách thức về công cuộc chinh phục tài nguyên năng lượng tái tạo (NLTT)của chúng ta chính là công nghệ. Nhưng, công nghệ của Việt Nam lại đi sau thế giới hàng thập kỷ. Tuy vậy, có ý kiến cho rằng, đây cũng chính là cơ hội. Ông có thể đánh giá và phân tích sâu hơn về nhận định này?

TS. Lê Hải Hưng: Đúng như vậy. Hệ thống thiết bị kỹ thuật để phục vụ quy hoạch điện VIII như: Các tua bin điện gió, thiết bị điện mặt trời như solar panel, inverter, tổ hợp thiết bị công nghiệp Hydrogen như điện phân, nén hóa lỏng, lưu trữ bảo quản và vận chuyển hydrogen, thiết bị lưu trữ điện như pin Lithium, pin Vanadium… đều là những sản phẩm công nghệ cao vượt tầm trình độ công nghệ của Việt Nam. Chắc chắn rằng, trong 5 đến 7 năm tới nó vẫn vượt tầm công nghệ của Việt Nam. Điều này vừa là thách thức nhưng lại vừa là cơ hội cho chúng ta, đó là được “đứng trên vai những người khổng lồ”. Nhận thức rõ điều kiện hoàn cảnh như vậy, chúng ta buộc phải cân nhắc tính toán cẩn trọng trong quá trình lựa chọn đối tác hợp tác và thiết bị vật tư có công nghệ tiên tiến để không biến Việt Nam thành “bãi rác công nghệ”.

Song song đó, cần phát huy nội lực với tinh thần sáng tạo của người Việt để nghiên cứu giải mã tiến tới làm chủ và tự sản xuất một số thiết bị của công nghệ năng lượng tái tạo thương hiệu Made in Việt Nam.

 TS. Lê Hải Hưng - Chủ tịch Viện Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ (IRAT), nguyên giảng viên Viện Vật lý kỹ thuật - Đại học Bách khoa Hà Nội

TS. Lê Hải Hưng - Chủ tịch Viện Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ (IRAT), nguyên giảng viên Viện Vật lý kỹ thuật - Đại học Bách khoa Hà Nội

PV: Nhìn lại quá trình phát triểnNLTT, đặc biệt là cuộc khủng hoảng Điện Mặt Trời (ĐMT) tập trung năm 2019, ĐMT mái nhà hiện trong vài năm nay, bài học đáng giá nhất mà chúng ta có thể học được là gì, thưa ông?

TS. Lê Hải Hưng: Dưới góc nhìn của cá nhân tôi, bài học đáng giá, thậm chí là đắt giá nhất mà chúng ta đã nhận ra là không dự đoán được sự phát triển “nóng” của ĐMT dẫn đến tình trạng nhiều chủ trương của cơ quan chức năng không phải là “đi trước hướng dẫn” mà là “đi sau và giải quyết hậu quả” của sự cố khủng hoảng ĐMT. Tuy nhiên, cũng cần biết rằng, đây không phải là vấn đề của riêng Việt Nam mà là vấn đề chung của ngay những quốc gia có công nghệ ĐMT phát triển ở mức cao như Trung Quốc và Hoa Kỳ.

Trong số các nguồn năng lượng tái tạo, ĐMT là công nghệ phát triển nhanh nhất, hiện thực nhất có thể thay thế được một phần đáng kể các nguồn năng lượng hóa thạch trong tương lai. Tuy nhiên, trong nhận thức của tôi, trong 10 năm tới ĐMT chưa thể phát triển thành một nguồn năng lượng tin cậy cho sản xuất và sinh hoạt của người dân.

Vì vậy, trong khi phát triển ĐMT, chúng ta cũng phải phải tính đến những phương án để nâng cao hiệu quả sử dụng, như phát triển và áp dụng công nghệ lưu trữ điện năng tái tạo. Mặt khác, về lâu dài, cũng cần nghiên cứu triển khai các nguồn năng lượng ổn định, tin cậy và đủ công suất, ít phát thải như điện gió, điện khí, điện sinh khối, thậm chí điện hạt nhân để đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng và đảm bảo an ninh năng lượng và phát triển đất nước.

Năng lượng tái tạo -xu thế không thể đảo ngược

PV: Tại cuộc họp gần nhất về chủ trương quy hoạch điện VIII, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, “không để lãng phí nguồn lực của nhà đầu tư, doanh nghiệp”, từ góc nhìn của một nhà nghiên cứu quản lý, xin ông chia sẻ, nhận định về cái gọi là “lãng phí nguồn lực?”

TS. Lê Hải Hưng: Trước hết, xem Quyết định số 262/2024 ban hành ngày 01/4/2024 về “Phê duyệt phát triển điện đến năm 2030”, không có mục phát triển ĐMT tập trung nữa. Điều này làm nhiều người làm ĐMT ngỡ ngàng. Ngoài ra, ai cũng biết, cuộc khủng hoảng ĐMT mái nhà đến nay vẫn chưa thực sự chấm dứt, hàng tỷ kWh ĐMT mái nhà vẫn chưa hoặc chưa biết đến bao giờ được hòa lưới. Hệ thống truyền tải điều độ không theo kịp sự phát triển ĐMT. Sự cố mất điện mùa hè 2023, với thiệt hại ước tính hàng tỷ USD trong khi ĐMT dư thừa đã có những ảnh hưởng không lành mạnh đến nhận thức của nhiều người về vai trò của năng lượng tái tạo (NLTT), mà cụ thể là ĐMT.

Trước mắt, chưa hết những khó khăn trong phát triển ĐMT mái nhà và quá trình phát triển các nguồn năng lượng điện tái tạo khác. Tuy vậy chúng ta vẫn tin rằng, chuyển dịch năng lượng là xu thế tất yếu của thời đại. Năng lượng hóa thạch từ than, dầu mỏ khí đốt ngày càng cạn kiệt buộc con người phải tìm nguồn năng lượng mới. Năng lượng hóa thạch phát thải nhiều khí nhà kính gây biến đổi khí hậu, làm trái đất nóng lên, băng tan và những biến đổi thời tiết cực đoan như bão, lũ, hủy hoại môi trường, thiên tai mất mùa, đe dọa sự tồn tại của nhân loại. NLTT như năng lượng gió, năng lượng mặt trời…sẽ là nguồn năng lượng vĩnh cửu duy trì sự tồn tại của xã hội loài người trong tương lai.

Chúng ta không thể đứng ngoài cuộc khi được hưởng lợi từ thỏa thuận JETP, trong đó Việt Nam được hỗ trợ 15,5 tỷ USD từ những nước phát triển để thực hiện cam kết chuyển dịch từ các nguồn năng lượng hóa thạch sang năng lượng ít phát thải.

Đồng thời, dự kiến từ năm 2025, với “Cơ chế điều chỉnh carbon qua biên giới” gọi tắt là CBAM, các nước thuộc Liên minh châu Âu sẽ “đánh thuế carbon” đối với tất cả các hàng hóa nhập khẩu vào thị trường của họ dựa trên cường độ phát thải khí nhà kính trong quy trình sản xuất tại nước sở tại. Việt Nam là quốc gia có trình độ công nghệ thấp nên lượng phát thải trên đầu sản phẩm rất cao, khi xuất khẩu sang thị trường châu Âu sẽ bị đánh thuế carbon cao, tác động trực tiếp đến động lực phát triển xuất khẩu. Vì vậy, không có cách nào khác, muốn phát triển kinh tế, Việt Nam cần hướng đến việc sử dụng NLTT giúp làm giảm dấu vết carbon trên sản phẩm, gia tăng giá trị xuất khẩu.

Đồng thời, tại COP 26, Việt Nam cũng đã long trọng cam kết hướng tới Net Zero vào năm 2050. Điều này thể hiện trách nhiệm của Chính phủ, nhân dân Việt Nam, đồng thời yêu cầu mỗi công dân, doanh nghiệp có trách nhiệm rất cao trong công cuộc phát triển xanh bảo vệ môi trường.

Có thể nói, quy hoạch điện VIII ra đời nhằm tập trung các nguồn lực giảm dần năng lượng hóa thạch, tăng dần tỷ lệ năng lượng tái tạo (100% vào năm 2050), thể hiện tinh thần cao nhất về trách nhiệm của thế hệ hôm nay với con cháu trong tương lai; góp phần đưa đất nước phát triển giàu đẹp, bền vững.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Việt Nam cùng gần 150 quốc gia cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” (Net zero) vào năm 2050.

Tại COP28 diễn ra vào tháng 12/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã công bố Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) giữa Việt Nam và Nhóm các Đối tác quốc tế (IPG).

Thỏa thuận IPG cam kết một khoản tài trợ ban đầu trị giá 7,75 tỷ USD trong vòng ba đến năm năm để hỗ trợ Việt Nam đạt được một số mục tiêu chuyển dịch năng lượng.

Phạm Thủy

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/bai-3-nang-luong-tai-tao-nhan-dien-xu-the-khong-the-dao-nguoc-90672.html