Năng lượng tích cực khi dạy trực tuyến
Trong giảng dạy trực tuyến, ngoài việc bảo đảm kỹ thuật, giáo viên phải đóng vai trò người truyền lửa từ xa, nếu giáo viên không đủ lửa, lớp học sẽ buồn chán
Năm học mới đã khởi động, việc chuyển từ hình thức dạy và học trực tiếp truyền thống sang trực tuyến mới mẻ đã tạo ra không ít khó khăn cho cả người dạy lẫn người học.
Những người giữ "lửa"
Để dạy và học trực tuyến hiệu quả, cả thầy cô và học sinh, sinh viên (HS-SV) cần sự sẵn sàng và thoải mái về mặt tâm lý. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã tác động rất nhiều đến sức khỏe tinh thần của thầy cô và HS-SV.
HS-SV gặp rất nhiều khó khăn về tâm lý vì phải ở nhà lâu ngày, bị cô lập về mặt xã hội và cảm xúc, thiếu các hoạt động vận động, "đói" những hoạt động mang lại niềm vui. Nhiều em đã có các dấu hiệu như: chán nản, lo lắng, buồn, sợ hãi, bối rối, giảm hứng thú, bất an, bồn chồn, mất tập trung, mệt mỏi, khó giữ được cảm xúc… Thậm chí có HS-SV trải qua nỗi đau buồn và mất mát người thân do dịch bệnh hoặc thiếu các phương tiện công nghệ bảo đảm học tập.
Việc đóng cửa trường học kéo dài và bị cô lập tác động đến nhận thức, giáo dục, cảm xúc và tiến độ học tập, thực tập, thực hành của HS-SV. Thầy cô sống trong giai đoạn giãn cách xã hội nên dạy và làm việc từ xa, họp hành trực tuyến dài hạn cũng đối mặt nguy cơ mệt mỏi, kiệt sức.
Những khó khăn còn đến từ điều kiện khách quan và chủ quan như: thiếu trang thiết bị học tập, giảng dạy, đường truyền internet không đủ mạnh, thiết kế bài giảng chưa hấp dẫn của giáo viên, thiếu sự gắn kết, tương tác giữa thầy cô và HS-SV.
Do đó, việc dạy học trực tuyến ngoài chuyện tổ chức nội dung bài giảng phong phú, sinh động, tài liệu học tập đầy đủ thì cũng cần bảo đảm sức khỏe tinh thần của người dạy và người học, kỷ luật lớp học, sự tập trung và hiệu quả.
Vì lý do đó, thầy cô giáo phải gánh vác nhiều trách nhiệm, họ không chỉ phải bảo đảm công việc, gia đình mà còn phải là những người truyền năng lượng tích cực cho HS-SV qua một hình thức hoàn toàn mới - giảng dạy trực tuyến.
Tránh gây căng thẳng
Trong giảng dạy trực tuyến, nếu không có các hoạt động thu hút được sự chú ý, gợi được hứng thú và niềm vui thì HS-SV sẽ thiếu hợp tác và mất tập trung. Vì vậy, khi dạy trực tuyến, giáo viên cần chú ý nhiều phương diện: Năng lượng tích cực + hoạt động đa phương tiện + niềm vui tương tác.
Giáo viên cần chăm sóc bản thân trước khi lên lớp, làm những điều khiến mình cảm thấy thoải mái và vui vẻ; điều đó sẽ giúp họ khơi dậy được cảm hứng và giảng bài hay hơn. Cảm xúc và năng lượng có tính lây lan, HS-SV có thể quan sát được.
Thầy cô cần quan sát nội tâm, cảm xúc, ngôn ngữ cơ thể của mình và tiến hành "quét" cảm xúc, tâm trạng của mình mỗi ngày trước khi lên lớp. Nếu cảm thấy căng thẳng, khó chịu, thầy cô có thể dành 2-3 phút thực hành hít thở để xoa dịu cảm xúc, kích hoạt năng lượng tích cực, niềm vui sống.
Giáo viên cần chuẩn bị nội dung phù hợp bằng video, game, hình ảnh trực quan và sử dụng các hình thức khảo sát trực tuyến giúp HS-SV có thể kiểm tra kiến thức hoặc nêu thắc mắc của các em.
Niềm vui là yếu tố giúp người học hứng thú với lớp học và duy trì sự tập trung. Thầy cô cũng nên giảm kỳ vọng về mức độ tiếp thu; kiểm tra, đánh giá cho phù hợp với điều kiện học trực tuyến để tránh gây căng thẳng và áp lực cho người học. Giáo viên cần tích cực khen gợi, quan tâm, "hỏi thăm" cảm xúc của HS-SV.
Thời gian qua, nhiều thầy cô thường chia sẻ "một tiết dạy trực tuyến bằng 5 tiết dạy trực tiếp". Khi dạy trực tuyến, các thầy cô phải chuẩn bị nhiều nội dung, cố gắng duy trì sự tập trung và tham gia của HS-SV khiến tiêu hao nhiều năng lượng, việc dạy trực tuyến trong thời gian dài dễ dẫn đến kiệt sức.
Gặp trường hợp này, các thầy cô có thể tìm sự giúp đỡ của những chuyên viên tâm lý, như liên hệ tổng đài 0987 111 801 (chương trình vắc-xin tinh thần), để nhận được sự hỗ trợ sức khỏe tinh thần miễn phí.
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/suc-khoe/nang-luong-tich-cuc-khi-day-truc-tuyen-20210921194158997.htm